Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Khi nói đến điều trị đái tháo đường, không thể không nhắc đến chế độ dinh dưỡng bởi vì thành phần và số lượng thức ăn mà bạn ăn vào hàng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến mức đường huyết, quyết định xem liệu bạn có nguy cơ cao xuất hiện biến chứng hay không. Do vậy, trong quá trình thăm khám và theo dõi bệnh, bác sĩ luôn chú trọng đến khẩu phần ăn của bạn.
Chọn lựa thực phẩm phù hợp được xem là điều cần thiết để đảm bảo và duy trì sức khỏe, không chỉ riêng đối với người bệnh đái tháo đường mà còn cả các bệnh lý mạn tính khác như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ngay cả ở người khỏe mạnh chưa có bệnh gì. Các tài liệu y văn gần đây cho thấy chế độ ăn Địa Trung Hải là một trong những lựa chọn thích hợp cho bệnh nhân đái tháo đường. Khẩu phần này có một vài đặc trưng như sử dụng dầu oliu làm nguồn chất béo chính vì chúng chứa acid béo chưa bão hòa tốt cho sức khỏe, tiêu thụ lượng vừa-nhiều trái cây, thảo mộc, ngũ cốc, cá, các loại đậu, sử dụng không quá nhiều thịt đỏ và được phép uống một ít rượu vang mỗi ngày [1], [2]. Như vậy, ưu điểm của khẩu phần ăn Địa Trung Hải là hạn chế một phần tinh bột vì đây là nguồn thực phẩm làm tăng đường huyết, chọn chất béo ít có hại cho sức khỏe và sử dụng đạm từ cá hoặc đậu mang lại nhiều lợi ích hơn đạm từ thịt đỏ [3]. Nếu bạn kèm mắc tăng huyết áp, chế độ ăn DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension) mà bác sĩ tim mạch khuyến cáo cũng gồm các thành tố gần tương tự như khẩu phần Địa Trung Hải, bên cạnh sự nhấn mạnh thêm việc cắt giảm muối trong bữa ăn hàng ngày vì ăn muối nhiều làm cơ thể bạn giữ nước, tăng thể tích máu và đưa đến huyết áp cao.
Ở người bệnh đái tháo đường, tăng đường huyết cấp tính lên quá cao trong bệnh cảnh nhiễm toan ceton hay tăng áp lực thẩm thấu máu là nguyên nhân hàng đầu đưa đến nhập viện. Đây là hậu quả của sự mất cân bằng kiểm soát đường huyết do cơ thể không đủ tiết hormone insulin hay hormone này làm việc không hiệu quả, đi kèm với việc bản thân người bệnh không tiết chế dinh dưỡng, tiêu thụ quá nhiều tinh bột và đồ ngọt, làm cho đường huyết tăng cao. Lý do chủ quan đưa đến hậu quả này thường bởi người bệnh không ý thức được diễn tiến bệnh và tầm quan trọng của chế độ ăn mà cho rằng chỉ cần phụ thuộc theo thuốc bác sĩ kê toa là đủ. Điều này chưa đúng bởi vì thay đổi lối sống thông qua chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực thậm chí còn được khuyến cáo hàng đầu trước cả việc dùng thuốc. Ngay cả khi bạn đã bắt đầu dùng thuốc thì hai hành động kể trên vẫn cần được duy trì song hành chứ không ngưng hay từ bỏ.
Chế độ ăn của mọi người dĩ nhiên không hoàn toàn giống nhau. Bác sĩ dinh dưỡng thường sẽ thiết kế cho bạn một khung thực phẩm được tính toán theo nhu cầu năng lượng riêng cho mỗi lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, cân nặng và mục tiêu mà bạn đề đạt. Đó chỉ là khung tham khảo, còn việc chọn lựa loại thực phẩm cụ thể mỗi ngày và thay đổi luân phiên là do chính bạn quyết định tùy thuộc sở thích cá nhân, miễn đảm bảo được một số nguyên tắc chính. Thông thường khi đã hiểu rõ được lợi ich của việc thực hành chế độ ăn lành mạnh trong điều trị đái tháo đường thì bạn dễ dàng chấp nhận, tuân thủ hơn, đưa đến hiệu quả điều trị tối ưu. Lợi ích mà hành động này mang lại bao gồm kiểm soát đường huyết, làm chậm hoặc ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường, giảm khả năng phải nhập viện, giảm tỉ lệ tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống và sự hài lòng trong quá trình điều trị của bạn, chưa kể còn giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí liên quan chăm sóc y tế hay thiệt hại do mất ngày công lao động [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11].
Một thực tế hiện tại là đôi khi bác sĩ nội tiết tại phòng khám không đủ thời gian để hướng dẫn chi tiết, cặn kẽ từng bữa ăn cho bạn. Do đó, họ cần đến sự phối hợp của bác sĩ dinh dưỡng, điều ngày càng trở nên quen thuộc với bệnh nhân đái tháo đường. Bạn có thể được tư vấn chế độ ăn cụ thể phù hợp cho mình sau khi bác sĩ dinh dưỡng tìm hiểu về các bệnh lý cơ bản, mức độ hoạt động thể lực trong ngày, cân nặng hiện tại và cả sở thích của bạn. Bạn hãy luôn nhớ rằng thay đổi dinh dưỡng chỉ đạt hiệu quả tối ưu nếu đi kèm với họat động thể lực bởi vì vận động là hình thức giúp tiêu hao năng lượng đáng kể. Việc lặp đi lặp lại các buổi tư vấn hay hướng dẫn thực hành lối sống bởi bác sĩ cũng thực sự quan trọng bởi vì không chỉ khi bạn mắc bệnh mà ngay cả lúc bình thường, chúng ta rất khó để thay đổi một thói quen đã có từ trước, đặc biệt là thói quen liên quan đến ăn uống và tập luyện cá nhân. Có nhắc lại thường xuyên như vậy thì mới giúp bạn duy trì được lối sống khỏe mạnh, góp phẫn hỗ trợ điều trị đái tháo đường một cách hiệu quả [12]. Không những có tác động tích cực ở giai đoạn điều trị mà tiết chế dinh dưỡng còn giúp phòng ngừa đái tháo đường trước khi xuất hiện thực sự, hay nói cách khác là tác động ở giai đoạn tiền đái tháo đường [13], [14], [15].
Như vậy, chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong quá trinh điều trị, theo dõi và kiểm soát đái tháo đường. Cùng với hoạt động thể lực, dinh dưỡng là một trong hai trụ cột của hành vi thay đổi lối sống mà bạn có thể tự thực hiện thông qua sự tham vấn, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Những sự thay đổi này củng cố và tăng cường thêm hiệu quả điều trị của thuốc, giúp bạn có khả năng đạt và duy trì được mục tiêu điều trị đề ra nhằm làm chậm hoặc giảm thiếu biến chứng do đái tháo đường.
Tài liệu tham khảo
VN_GM_DIA_77
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.