NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Tiền đái tháo đường là gì?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục. Mặc dù đã có ít nhiều biến chứng xảy ra, vẫn còn thời gian điều chỉnh để không làm nặng thêm tình trạng bệnh (Hình 1) [1].

Hình 1Tiền đái tháo đường là trung gian dẫn đến đái tháo đường [1]

Tại sao cần quan tâm tiền đái tháo đường ở người thừa cân, béo phì?

Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ mạnh nhất dẫn đến tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2. Do vậy, người thừa cân, béo phì là đối tượng hàng đầu nên được tầm soát rối loạn đường huyết sớm (Hình 2) [2].

Screening for Prediabetes - YouTube
Hình 2: Người thừa cân, béo phì nên được tầm soát tiền đái tháo đường sớm [2]

Lợi ích của tầm soát tiền đái tháo đường là gì?

Những nghiên cứu ở người châu Á cho thấy việc tầm soát tiền đái tháo đường và thay đổi lối sống giúp giảm nguy cơ tử vong nói chung hoặc tử vong do bệnh lý tim mạch sau 20 đến 30 năm [4, 5].

Việc tầm soát tiền đái tháo đường và đái tháo đường sử dụng các xét nghiệm giống nhau. Do vậy, tầm soát tiền đái tháo đường cũng đồng nghĩa tầm soát đái tháo đường. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, người bệnh giảm khả năng nhồi máu cơ tim hoặc các biến chứng khác liên quan đến đái tháo đường [6, 7]. Đặc biệt, người thừa cân có thể được hưởng lợi ích từ một số nhóm thuốc điều trị nhất định [8].

Ưu điểm rõ ràng nhất của điều trị từ giai đoạn tiền đái tháo đường là ngăn ngừa chuyển thành đái tháo đường. Hiệu quả này đạt được ở mọi lứa tuổi, giới tính hay cân nặng. Tuy nhiên, người có cân nặng ban đầu càng cao thì hiệu quả ngừa đái tháo đường càng mạnh [9]. Bên cạnh đó, việc tầm soát và điều trị sớm còn có thể cải thiện huyết áp, lipid máu và cân nặng [10].

Tầm soát tiền đái tháo đường có hại gì không?

Nhiều nghiên cứu khẳng định việc tầm soát sớm không làm gia tăng khả năng lo âu, trầm cảm sau khi phát hiện bệnh. Điều trị ở giai đoạn này cũng không làm tăng khả năng mắc tác dụng phụ của thuốc [10, 11].

Người thừa cân, béo phì khi nào cần tầm soát tiền đái tháo đường?

Ngưỡng chẩn đoán thừa cân, béo phì dành cho người châu Á là chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) ≥23 kg/m2. Người thừa cân, béo phì sẽ được bác sĩ chỉ định tầm soát tiền đái tháo đường nếu có thêm ít nhất một trong các yếu tố sau [12]:

    - Thuộc chủng tộc nguy cơ cao (gốc Phi, Latin, Mỹ bản địa, gốc Á). Như vậy, người Việt Nam nếu bị thừa cân, béo phì là đủ để bắt đầu tiến hành tầm soát.

    - Tiền sử gia đình có người thân trực hệ (bố, mẹ, anh chị em ruột) mắc đái tháo đường.

    - Tiền sử bản thân mắc bệnh tim mạch

    - Tăng huyết áp

    - Rối loạn lipid máu

    - Ít hoạt động thể lực

    - Nếu là nữ và có tiền sử hội chứng buồng trứng đa nang hoặc đái tháo đường thai kỳ, bạn cũng nên được tầm soát tiền đái tháo đường sớm.

Nếu không có những yếu tố kể trên, trước đây bạn được bác sĩ khuyên bắt đầu tầm soát từ 45 tuổi. Tuy nhiên, những hướng dẫn gần đây khuyến cáo nên bắt đầu sớm hơn từ 35 tuổi [3, 35]. Lý do cho sự thay đổi này là vì nhiều nghiên cứu nhận thấy sau 35 tuổi, nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường trở nên cao hơn hẳn so với trước đó.

Tần suất tầm soát như thế nào?

Thông thường, bạn nên được xét nghiệm định kỳ mỗi 3 năm nếu kết quả bình thường. Nếu bác sĩ đánh giá bạn có nhiều yếu tố nguy cơ hoặc đường huyết có dấu hiệu tăng dần, tần suất tầm soát có thể dày hơn.

Tóm lại, người thừa cân, béo phì kèm thêm các yếu tố như chủng tộc, tuổi, tiền sử gia đình và bản thân có nguy cơ cao là đối tượng nên được tầm soát tiền đái tháo đường. Việc tầm soát và điều trị sớm giúp giảm khả năng tiến triển thành đái tháo đường và giảm nguy cơ biến chứng do đái tháo đường gây nên.

Tài liệu tham khảo

  1. https://unitedfamilymedicine.org/type-2-diabetes-importance-of-screening-and-prevention/
  2. Zheng Y, Ley SH, Hu FB. Global aetiology and epidemiology of type 2 diabetes mellitus and its complications. Nat Rev Endocrinol. 2018;14(2):88-98
  3. US Preventive Services Task Force, Davidson KW, Barry MJ, et al. Screening for Prediabetes and Type 2 Diabetes: US Preventive Services Task Force Recommendation Statement. JAMA. 2021;326(8):736-743
  4. Li G, Zhang P,Wang J, et al. Cardiovascular mortality, all-cause mortality, and diabetes incidence after lifestyle intervention for people with impaired glucose tolerance in the Da Qing Diabetes Prevention Study: a 23-year follow-up study. Lancet Diabetes Endocrinol. 2014;2(6):474-480
  5. Gong Q, Zhang P,Wang J, et al; Da Qing Diabetes Prevention Study Group. Morbidity and mortality after lifestyle intervention for people with impaired glucose tolerance: 30-year results of the Da Qing Diabetes Prevention Outcome Study. Lancet Diabetes Endocrinol. 2019;7(6):452-461.
  6. UK Prospective Diabetes Study (UKPDS) Group. Intensive blood-glucose control with sulphonylureas or insulin compared with conventional treatment and risk of complications in patients with type 2 diabetes (UKPDS 33). Lancet. 1998;352(9131):837-853
  7. Holman RR, Paul SK, Bethel MA, Matthews DR, Neil HA. 10-Year follow-up of intensive glucose control in type 2 diabetes. N Engl J Med. 2008;359 (15):1577-1589
  8. UK Prospective Diabetes Study (UKPDS) Group. Effect of intensive blood-glucose control with metformin on complications in overweight patients with type 2 diabetes (UKPDS 34). Lancet. 1998;352(9131):854-865
  9. KnowlerWC, Barrett-Connor E, Fowler SE, et al; Diabetes Prevention Program Research Group. Reduction in the incidence of type 2 diabetes with lifestyle intervention or metformin. N Engl J Med. 2002;346(6):393-403
  10. Jonas DE, Crotty K, Yun JD, et al. Screening for prediabetes and type 2 diabetes: updated evidence report and systematic review for the US Preventive Services Task Force. JAMA. Published August 24, 2021
  11. Eborall HC, Griffin SJ, Prevost AT, Kinmonth AL, French DP, Sutton S. Psychological impact of screening for type 2 diabetes: controlled trial and comparative study embedded in the ADDITION (Cambridge) randomised controlled trial. BMJ. 2007;335(7618):486
  12. American Diabetes Association Professional Practice Committee. 3. Prevention or Delay of Type 2 Diabetes and Associated Comorbidities: Standards of Medical Care in Diabetes-2022. Diabetes Care. 2022;45(Suppl 1):S39-S45

VN_GM_DIA_298;EXP:30/6/2024

Nguồn: https://01minh.com/dai-thao-duong/tien-dai-thao-duong.html

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1555
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1483
DỊCH TỄ HỌC VÀ GÁNH NẶNG TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Tiền đái tháo đường càng được quan tâm vì: tỉ lệ tiền đái tháo đường ngày đang tăng dần, đây là giai đoạn trước khi trở thành đái tháo đường thực sự...

Xem thêm
469