PHỤ NỮ VÀ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Theo một nghiên cứu của tạp chí Annals of Internal Medicine, trong khoảng năm 1971 đến năm 2000, tỷ lệ tử vong của người bị đái tháo đường đã giảm. Đây là một bước ngoặt lớn, phản ánh nhiều tiến bộ trong điều trị bệnh đái tháo đường. Thế nhưng, điều đáng quan ngại là tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường vẫn ở mức báo động. Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường có tỉ lệ tử vong cao gấp đôi so với phụ nữ bình thường.

Vậy đái tháo đường ở phụ nữ liệu có khác gì so với những kiến thức chung mà bạn đã từng tìm hiểu trước đây? Hãy cùng 01minh tìm hiểu, để từ đó có một kế hoạch cụ thể hơn bảo vệ bạn và gia đình khỏi căn bệnh nguy hiểm này nhé!

01. Ảnh hưởng của đái tháo đường đến phụ nữ và nam giới

Tỉ lệ mắc Đái tháo đường ở phụ nữ và nam giới gần như tương đương nhau. Thế nhưng, những ảnh hưởng mà căn bệnh này gây ra cho mỗi giới lại rất khác biệt.

  • Tỉ lệ bị trầm cảm của phụ nữ bị đái tháo đường cao hơn nam giới.

  • Phụ nữ bị đái tháo đường có tỉ lệ bị mù lòa cao hơn.

  • Bệnh tim là biến chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường, nguy cơ đó thậm chí còn cao hơn ở phụ nữ.

Các nghiên cứu còn chỉ ra phụ nữ bị đái tháo đường thường chưa nhận đủ sự chăm sóc về mặt y tế, và chưa được quan tâm điều trị để giảm thiểu những biến cố tim mạch gây ra bởi bệnh đái tháo đường.

02. Triệu chứng đái tháo đường ở nữ giới

Phụ nữ cũng như nam giới khi mắc đái tháo đường đều biểu hiện ra một số triệu chứng chung. Tuy nhiên, một số triệu chứng thì khá chuyên biệt ở nữ giới. Tìm hiểu thêm về các triệu chứng này sẽ giúp bạn xác định bệnh đái tháo đường ở giai đoạn sớm.

Nhiễm nấm ở âm đạo (Candida âm đạo) và ở miệng

Sự phát triển quá mức của nấm men đặc biệt là nấm Candida gây ra có thể gây nhiễm nấm âm đạo, ở miệng và khá phổ biến ở nữ giới khi bị đái tháo đường. Khi nấm phát triển ở khu vực âm đạo, các triệu chứng bao gồm: ngứa, đau vùng nhiễm nấm, tăng tiết dịch âm đạo, cảm giác đau khi quan hệ tình dục. Nhiễm nấm men miệng thường biểu hiện bằng một lớp phủ màu trắng trên lưỡi và bên trong miệng. Lý giải cho vấn đề này là do nồng độ glucose cao trong máu kích hoạt sự phát triển và tăng sinh của nấm.

Nhiễm trùng tiết niệu

Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) cao hơn ở nữ giới mắc bệnh đái tháo đường. Nhiễm trùng niệu phát triển khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Những nhiễm trùng này có thể gây ra: tiểu buốt, tiểu gắt, nước tiểu đục màu hoặc có thể có máu. Có nguy cơ nhiễm trùng thận nếu những triệu chứng này không được điều trị. Nhiễm trùng tiểu thường gặp ở phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường chủ yếu là do hệ thống miễn dịch bị tổn hại do lượng đường trong máu tăng cao.

Rối loạn chức năng tình dục nữ

Biến chứng thần kinh đái tháo đường xảy ra khi đường huyết cao làm tổn thương các sợi thần kinh. Điều này có thể kích hoạt cảm giác ngứa ran và mất cảm giác ở các bộ phận khác nhau của cơ thể, bao gồm: tay, chân và đặc biệt là lòng bàn chân (dễ gây biến chứng bàn chân đái tháo đường). Tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến đến các thần kinh cảm giác ở khu vực âm đạo và làm giảm ham muốn tình dục ở nữ giới.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng mà một phụ nữ có quá nhiều hormone sinh dục nam (hormone androgen) trong khi hormone sinh dục nữ không đủ. Điều này làm ngăn cản sự rụng trứng khiến buồng trứng có nhiều nang nhỏ. Các dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) bao gồm: chu kỳ không đều, tăng cân, các vấn đề về da (mụn trứng cá), rối loạn tâm sinh lý (phiền muộn, lo âu).

PCOS gây ra tình trạng kháng insulin dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao và làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

03. Bệnh đái tháo đường và phụ nữ mang thai

Đái tháo đường týp 1 và týp 2

Nếu bạn bị đái tháo đường và đang có ý định có con thì thì việc đầu tiên bạn nên làm là có một kế hoạch kĩ lưỡng để đảm bảo an toàn cho bạn và đứa bé.

Khi bạn mang thai, đường trong máu và xeton đi qua nhau thai truyền qua em bé. Trẻ em cũng cần năng lượng từ glucose giống như bạn. Tuy nhiên, trẻ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh nếu lượng đường huyết của bạn quá cao.

Đái tháo đường thai kỳ

Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28. Đái tháo đường thai kì nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Ở mẹ, các biến chứng tiền sản giật, sản giật xảy ra với xác suất cao hơn, ngoài ra nguy cơ khó sinh và sinh non cũng khá cao. Còn ở trẻ em dễ bị hội chứng hạ đường huyết sơ sinh, béo phì, suy hô hấp hoặc một số dị tật sơ sinh.

Do đó, hãy trao đổi với các chuyên gia y tế trước khi bạn bắt đầu thai kỳ để nhận được những những tư vấn thiết thực, đảm bảo đứa bé luôn khỏe mạnh. Đồng thời, bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên về căn bệnh đái tháo đường, giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và có một kế hoạch kiểm soát đường huyết đúng đắn trong suốt thời gian mang thai.

  Nguồn:

  1. How Diabetes Affects Women: Symptoms, Risks, and More. Healthline.com

  2. Diabetes and Women. CDC

  3. VNM/NONCMCGM/0320/0009

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1710
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3001
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1661