TỔNG QUAN VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ) 

Mặc dù bác sĩ có những tiêu chí cụ thể về trị số cũng như thời điểm để chẩn đoán nhưng theo một cách đơn giản để bạn dễ hình dung, đái tháo đường thai kỳ là tình trạng đái tháo đường được chẩn đoán lần đầu tiên trong thai kỳ. Điều này hàm ý không tính đến trường hợp bạn đã mắc đái tháo đường típ 1 hoặc típ 2 từ trước và bây giờ mới bắt đầu mang thai. Đái tháo đường thai kỳ nhận được sự quan tâm, tìm hiểu từ cả phía nhân viên y tế và thai phụ không chỉ vì khả năng ảnh hưởng lên sức khoẻ của mẹ mà còn có thể gây tác động xấu đến thai nhi. Tuy nhiên, một điều đáng mừng là đa phần các trường hợp đái tháo đường thai kỳ đều ở mức độ tương đối nhẹ, có thể đáp ứng và kiểm soát chỉ với phương pháp điều chỉnh lối sống thông qua chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực hoặc dùng thuốc tương đối đơn giản. Thông thường, nếu bạn mắc tình trạng này, đường huyết có xu hướng trở về mức bình thường sau khi sinh em bé xong, tuy nhiên bạn vẫn có nguy cơ nhất định mắc đái tháo đường típ 2 trong tương lai, do đó cần đặt ra vấn đề theo dõi và tầm soát đái tháo đường định kỳ sau sinh.

    

Nguyên nhân thực sự dẫn đến đái tháo đường thai kỳ vẫn còn được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và thảo luận, trong đó một số giả thiết cho rằng sự thay đổi một vài hormone trong thai kỳ đóng vai trò chính yếu trong quá trình xuất hiện bệnh. Các hormone này tham gia vào quá trình kiểm soát lượng đường trong máu, khi có bất thường sẽ làm cho đường huyết tăng vượt ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, những công trình đã được công bố hiện nay vẫn chưa thực sự hiểu vì sao đái tháo đường thai kỳ chỉ xuất hiện ở một số người mà không ảnh hưởng đến toàn bộ phụ nữ mang thai. Mặc dù vậy, một số nghiên cứu chỉ ra rằng bạn có khả năng mắc bệnh cao hơn nếu như kèm ít nhất một trong số các yếu tố sau: (1) thừa cân hoặc béo phì và có sống tĩnh tại, ít vận động; (2) đã từng được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng hơn 4kg trong các lần mang thai trước; (3) có tiền sử chẩn đoán tiền đái tháo đường hoặc hội chứng buồng trứng đa nang từ trước khi mang thai; và (4) có người thân trực hệ bao gồm bố mẹ, anh chị em ruột bị đái tháo đường. Ngoài ra, bản thân nguồn gốc tổ tiên người gốc Á châu cũng được coi là một yếu tố nguy cơ của tình trạng này, do vậy có thể nói phụ nữ Việt Nam nhìn chung đều ít nhiều tăng khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ so với người da trắng.

    

Bởi vì tình trạng tăng đường huyết trong thai kỳ diễn ra với mức độ khá nhẹ nên thông thường bạn sẽ không biểu hiện triệu chứng điển hình của đái tháo đường. Trong một số hiếm trường hợp, bạn có thể cảm thấy khát nước và tiểu nhiều hơn bình thường đôi chút. Nếu không được kiểm soát tốt, đái tháo đường thai kỳ có thể gây một số biến chứng bất lợi. Về phía người mẹ, bạn dễ mắc tăng huyết áp, tiền sản giật hơn, tăng nguy cơ phải mổ lấy thai do thai to và nguy cơ xuất hiện đái tháo đường trong tương lai. Với em bé, các biến chứng có thể gặp là thai to, dễ kẹt thai và sang chấn khi chuyển dạ, sinh non, thai lưu, suy hô hấp, hạ đường huyết sơ sinh và đồng thời cũng tăng khả năng mắc đái tháo đường về sau.

  

Hiện tại chưa có biện pháp nào được chứng minh có thể phòng ngừa hữu hiệu đái tháo đường thai kỳ, tuy nhiên bạn có thể áp dụng một số phương cách điều chỉnh lối sống nhằm giảm thiểu nguy cơ này. Đầu tiên là một chế độ ăn cân bằng và khoẻ mạnh, chú trọng vào việc tăng cường chất xơ thông qua rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, giảm tinh bột và chất béo. Kích cỡ khẩu phần cũng là một yếu tố quan trọng cần để ý, một loại thực phẩm dù hàm lượng tinh bột ít nhưng khi được tiêu thụ với lượng quá nhiều cũng có thể trở thành vấn đề. Nên đa dạng hoá thành phần bữa ăn để đỡ thay đổi khẩu vị, tránh cảm giác nhàm chán và duy trì được chế độ ăn như trên lâu dài. Một kế hoạch vận động phù hợp, vừa sức và giảm các hoạt động tĩnh tại như ngồi tại chỗ xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại cũng giúp giảm khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ. Ví dụ, bạn có thể dành khoảng 30 phút mỗi ngày để đi bộ nhanh, chạy bộ hay chơi các môn thể thao nhẹ nhàng mà mình ưa thích. Điều quan trọng là duy trì nhịp độ đều đặn với cường độ hợp lý chứ không phải dồn tập quá sức trong một ngày và sau đó nghỉ kéo dài. Thực hiện những điều trên có thể hỗ trợ bạn đối với việc quản lý cân nặng trước và trong khi mang thai. Tăng cân ở mức hợp lý theo từng tam cá nguyệt của thai kỳ không những giúp em bé có đủ chất dinh dưỡng để phát triển mà còn giữ cho bạn ít khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ. Để biết được mức tăng cân trong giới hạn cho phép, đừng ngần ngại trao đổi với bác sĩ sản khoa ở mỗi lần tái khám.

    

Như vậy, mỗi thai phụ ít nhiều đều có khả năng mắc đái tháo đường thai kỳ, một bệnh lý có thể để lại biến chứng trên mẹ và con. Việc tái khám sản khoa đúng lịch để bác sĩ tiến hành các xét nghiệm đầy đủ theo quy trình là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm và kịp thời quản lý bệnh nếu có.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.sitarambhartia.org/blog/maternity/gdm-facts-know-gestational-diabetes-mellitus/
  2.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339​

VNM/NONE/0420/0003

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1754
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3046
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1701