Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Ở Việt Nam hiện nay, các bệnh viện sản khoa hay khoa sản tại nhiều bệnh viện đều có chương trình tầm soát đái tháo đường thai kỳ đầy đủ và hiệu quả. Thông thường, tại lần đầu tiên tới khám kể từ khi phát hiện có thai, bạn sẽ được xét nghiệm đường huyết đói vào buổi sáng khi chưa ăn gì để phát hiện xem có mắc đái tháo đường từ trước hay chưa. Nếu không có bất thường, bạn sẽ tiếp tục được hẹn tái khám theo lịch khám sản thông thường đối với phụ nữ có thai, cho đến tuần lễ thứ 24-28 của thai kỳ. Lúc này bạn được bác sĩ chỉ định nghiệm pháp dung nạp glucose để xem có đái tháo đường thai kỳ hay không. Đây là thời điểm phù hợp nhất để làm xét nghiệm chẩn đoán bởi vì các bất thường đường huyết (nếu có) thường bộc lộ rõ nhất ở tuổi thai này.
Để chuẩn bị cho việc xét nghiệm, bạn cần nhịn đói ít nhất 8 giờ từ đêm hôm trước và không ăn gì thêm vào sáng ngày đến khám. Trước khi tiến hành uống nước đường, bạn được lấy máu để thử mẫu đường huyết đầu tiên. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một ly nước với hàm lượng đường được pha đúng nồng độ chuẩn, thông thường nên uống hết trong khoảng 5 phút trở lại. Nếu cảm thấy vị ngọt gắt khó uống, bạn có thể vắt thêm một ít chanh. Sau khi uống được 1 giờ và 2 giờ, nhân viên y tế lần lượt lấy thêm hai mẫu máu để xét nghiệm đường huyết. Những trị số này sẽ quyết định tình trạng của bạn là bình thường hay đái tháo đường thai kỳ.
Nếu bạn mắc đái tháo đường thai kỳ, tuỳ thuộc độ nặng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Đa phần thai phụ có thể cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết đáng kể chỉ nhờ vào việc tiết chế dinh dưỡng và hoạt động thể lực, nghĩa là chưa cần dùng đến thuốc. Nhìn chung, bạn được khuyên nên giảm lượng tinh bột và chất béo trong bữa ăn hàng ngày, chú trọng vào chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt hoặc rau củ. Trái cây mặc dù có nhiều vitamin tốt cho sức khoẻ nhưng cũng nên lưu ý rằng chúng có thể chứa một lượng đường nhất định, do đó cần tính toán cả tới kích cỡ khẩu phần ăn. Nên đến gặp bác sĩ dinh dưỡng nếu bạn mắc đái tháo đường thai kỳ vì họ có thể giúp bạn vạch ra một kế hoạch chi tiết, cụ thể theo từng bữa ăn sao cho hợp khẩu vị thông thường của bạn mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho em bé và kiểm soát được đường huyết. Một chế độ vận động nhẹ nhàng, vừa sức với phụ nữ có thai theo sự cho phép của bác sĩ cũng góp phần cải thiện tình trạng bệnh đáng kể. Các hoạt động thể lực đều đặn đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ phụ nữ kể cả trước, trong và sau khi mang thai. Ngoài việc làm giảm đường huyết khi bạn mắc đái tháo đường thai kỳ, luyện tập còn giúp giảm stress và tạo cho cơ thể bạn cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng hơn, kể cả khả năng làm dịu một số triệu chứng thường gặp trong thời gian mang thai như đau lưng, chuột rút, phù chân, táo bón và khó ngủ. Với đa phần thai phụ, vận động nhẹ như đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, đều đặn các ngày trong tuần được xem là hợp lý. Ngay cả khi bạn không chơi một môn thể thao thực sự thì các công việc nhà như nội trợ, quét dọn cũng là những hoạt động thể lực có ích. Tuy nhiên, bạn cần lắng nghe cơ thể mình để tránh quá sức trong thời gian này. Việc phối hợp kiểm soát chế độ ăn và tập luyện sẽ giúp bạn tăng cân hợp lý, tránh thiếu cân gây ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé, đồng thời tránh thừa cân quá mức gây nhiều hậu quả về sau. Nếu bạn vẫn chưa thể kiểm soát đường huyết với hai biện pháp nêu trên, bác sĩ điều trị của bạn sẽ tư vấn và chỉ định việc dùng thuốc.
Việc tự theo dõi đường huyết tại nhà đóng vai trò quan trọng vì cho phép bạn tự chủ trong quá trình kiểm soát bệnh của mình. Với những thiết bị nhỏ gọn có thể mang theo người và kim lấy máu tương đối nhỏ, ngắn, ít đau, việc thử đường huyết không còn là trở ngại đáng kể. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về tần suất thử bởi vì tuỳ thuộc bạn đang được dùng insulin hay chỉ tiết chế dinh dưỡng mà số lần đo có thể khác nhau. Ngoài việc quan tâm đến tình trạng kiểm soát đường huyết của mẹ, đái tháo đường thai kỳ còn đặt ra vấn đề theo dõi sức khoẻ thai nhi bởi vì bệnh lý có thể gây những ảnh hưởng nhất định trên em bé. Tuy nhiên, bạn có thể yên tâm rằng nếu bạn tuân thủ lịch tái khám sản khoa định kỳ và điều trị bệnh ổn định nhằm duy trì đường huyết trong mục tiêu, em bé hoàn toàn có khả năng phát triển khoẻ mạnh bình thường. Ngoài ra, do đái tháo đường thai kỳ là một yếu tố nguy cơ của đái tháo đường típ 2 trong tương lai nên sau khi sinh, dù đường huyết đã về bình thường, bạn vẫn nên tái khám với bác sĩ nội tiết ít nhất ba năm một lần để làm các xét nghiệm tầm soát nhằm phát hiện sớm đái tháo đường nếu có và kịp thời điều trị (theo Hội Đái tháo đường Hoa Kỳ 2020).
Như vậy, đái tháo đường thai kỳ là một bệnh lý mới xuất hiện trong thời gian mang thai và có thể để lại một số ảnh hưởng cho mẹ và bé. Tuy nhiên, việc tầm soát phát hiện, chẩn đoán cũng như điều trị bệnh hiện nay tương đối rõ ràng, đầy đủ và mang lại hiệu quả cao, giúp bạn vẫn duy trì được một thai kỳ khoẻ mạnh nếu tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
*: Hình ảnh bệnh nhân dùng trong bài chỉ là hình ảnh giả định dùng để minh họa không phải bệnh nhân thật
VNM/NONE/0420/0003
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.