KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT VỚI MÁY THỬ ĐƯỜNG HUYẾT Ở BỆNH NHÂN DÙNG INSULIN

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Ứng dụng công nghệ trong đái tháo đường hiện nay được chia làm hai lĩnh vực chính: dụng cụ cung cấp insulin, chẳng hạn như bơm tiêm, bút tiêm, bơm tự động và dụng cụ đo đường huyết, bao gồm máy thử đường kèm kim chích lấy máu hoặc máy đo đường huyết liên tục gắn cố định theo người. Gần đây hơn, các tiến bộ công nghệ cho phép “lai” hai hệ thống cảm biến nồng độ đường và bơm insulin liên tục để phối hợp chung trong cùng một thiết bị, tạo thuận tiện hơn cho người sử dụng. Bài viết này trình bày những đặc điểm cơ bản về vai trò kiểm soát đường huyết của máy thử đường huyết, một dụng cụ đơn giản, khá quen thuộc nếu như bạn mắc đái tháo đường.

Hình 1: Minh hoạ tự theo dõi đường huyết [1]

    

Việc tự theo dõi đường huyết đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân trong quá trình kiểm soát mục tiêu điều trị cũng như phát hiện sớm các biến cố hạ hoặc tăng đường huyết quá mức để kịp thời xử trí. Tuy nhiên, mức độ theo dõi chặt chẽ hay nới lỏng phụ thuộc vào phác đồ điều trị mà bạn đang áp dụng. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ năm 2020, hầu hết bệnh nhân đang sử dụng insulin tăng cường (tiêm dưới da nhiều mũi/ngày hay bơm insulin liên tục) nên được khuyến khích tự thử đường huyết vào các thời điểm trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ, đôi khi cần đo thêm sau ăn 1-2 giờ, trước khi luyện tập hay chuẩn bị làm các công việc, nhiệm vụ quan trọng như lái xe; hoặc khi nghi ngờ hạ đường huyết dựa trên các triệu chứng run tay, vã mồ hôi, đánh trống ngực, chóng mặt và tiếp tục thử dù đã xử trí hạ đường cho đến khi đường huyết đạt mức bình thường trở lại [2]. Như vậy, số lần đo trong ngày có thể khác nhau tuỳ mỗi bệnh nhân cụ thể, do đó bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể về tần suất đo phù hợp với mình. Một nghiên cứu trên bệnh nhân đái tháo đường típ 1 ở lứa tuổi trẻ em và thiếu niên, những đối tượng thường phải tiêm insulin nhiều mũi trong ngày, cho thấy rằng việc tăng tần suất tự theo dõi đường huyết giúp giảm thêm HbA1C (trị số phản ánh đường huyết trung bình của bạn trong vòng ba tháng gần nhất) và giảm được các biến chứng cấp tính như hạ đường huyết hay nhiễm toan ceton [3]. Nếu bạn đang được điều trị chỉ với insulin nền tiêm dưới da một mũi/ngày kèm thuốc viên, thường cần thử ít nhất một lần đường huyết đói vào mỗi buổi sáng để chỉnh liều insulin nền nhằm đạt mục tiêu đường huyết đói, từ đó kéo theo giảm HbA1C [4], [5]. Cuối cùng, nếu bạn đang điều trị với thuốc viên đơn thuần, việc theo dõi đường huyết sát sao mặc dù chưa được chứng minh lợi ích rõ ràng trên hiệu quả giảm HbA1C nhưng vẫn có thể có ích trong các tình huống như khi bạn muốn tự chủ động đánh giá hiệu quả giảm đường huyết của việc tiết chế dinh dưỡng, vận động thể lực và thuốc uống; khi nghi ngờ hạ đường huyết hoặc trong những đợt bệnh.

    

Một điều cần được chú ý khi sử dụng các thiết bị đo đường huyết tại nhà là kỹ thuật sử dụng và vấn đề bảo quản. Thông thường, việc thử đường được tiến hành theo trình tự như sau:

  1. Rửa tay sạch với nước và xà bông rồi để khô
  2. Gắn que thử vào máy thử đường huyết
  3. Gắn kim vào bút lấy máu
  4. Đâm kim ở cạnh bên của đầu ngón tay
  5. Đưa giọt máu tiếp xúc với vị trí được đánh dấu trên que thử đến khi máy báo đã nhận đủ lượng máu, có thể nặn nhẹ đầu ngón tay trước khi chạm nếu cần
  6. Đợi máy đếm ngược cho đến khi hiển thị kết quả. Một số dòng máy có thể yêu cầu bạn nhỏ máu vào que thử trước rồi mới gắn que thử vào máy, tuy nhiên các thao tác còn lại và hiệu quả gần như tương tự.

    

Bạn chỉ nên dùng các que thử còn hạn sử dụng, được bảo quản trong lọ nguyên vẹn, tránh tiếp xúc nước hay ánh nắng trực tiếp. Thỉnh thoảng trong những lần tái khám, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các bước lấy máu thử đường nếu cảm thấy chưa tự tin là mình làm đúng. Ngoài ra, nhân viên y tế còn có thể hỗ trợ bạn kiểm tra lại độ chính xác của máy thử sau một thời gian dài sử dụng và quan trọng hơn hết, giúp bạn diễn giải ý nghĩa cũng như hướng xử trí các kết quả đo nếu có bất thường. Do vậy, việc tuân thủ lịch tái khám đều đặn và được hướng dẫn, ôn tập lại thường xuyên là một điều thiết yếu giúp bạn đảm bảo hiệu quả của tự theo dõi đường huyết tại nhà.

    

Tóm lại, tự theo dõi đường huyết bằng máy thử đường tại nhà là việc làm khá quen thuộc đối với bệnh nhân đái tháo đường. Bạn có thể trở nên quen thuộc và dễ dàng chấp nhận việc thử đường sau khi đã được nhân viên y tế cung cấp thông tin để hiểu rõ lợi ích của việc đồng hành cùng bác sĩ trong quá trình kiểm soát bệnh và đã được hướng dẫn thao tác sử dụng đầy đủ, dễ hiểu.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.toptenselect.com/best-glucometers/
  2.  American Diabetes Association (2020). 7. Diabetes Technology: Standard of Medical Care in Diabetes - 2020. Diabetes Care, 43(Suppl. 1), S77-S88.
  3. Ziegler R, Heidtmann B, et al (2011). Frequency of SMBG correlates with HbA1c and acute complications in children and adolescents with type 1 diabetes. Pediatr Diabetes, 12(1):11-17.
  4.  Rosenstock J, Davies M, et al (2008). A randomised, 52-week, treat-to-target trial comparing insulin detemir with insulin glargine when administered as add-on to glucose-lowering drugs in insulin-naive people with type 2 diabetes. Diabetologia, 51(3):408-416.
  5.  Garber AJ (2014).  Treat-to-target trials: uses, interpretation and review of concepts. Diabetes Obes Metab, 16(3):193-205.

​VNM/NONE/0420/0003

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1595
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2876
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1529