TẠI SAO CẦN ĐIỀU TRỊ TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường - diabetes) ngày càng trở thành một vấn nạn y tế toàn cầu bởi sự gia tăng nhanh chóng về số người mắc, số bệnh nhân gặp biến chứng tim, thận, não và số ca tử vong liên quan đái tháo đường. Cùng với tăng huyết áp và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, không lây nhưng tỉ lệ hiện mắc và mới mắc ngày càng gia tăng theo sự phát triển của xã hội và lối sống hiện đại, do đó hiện đang được quan tâm về nhiều khía cạnh, trong đó có nỗ lực tầm soát cũng như phát hiện sớm. Việc tiến hành nâng cao nhận thức tiền đái tháo đường và đái tháo đường không chỉ từ phía nhân viên y tế mà còn nằm ở chính bạn, người thân trong gia đình và cả những người xung quanh.

    

Tiền đái tháo đường (prediabetes) là tình trạng bệnh lý khi nồng độ đường huyết (glucose trong máu) của bạn cao hơn bình thường nhưng chưa đạt đến tiêu chí đủ để chẩn đoán đái tháo đường [1], [2]. Nói cách khác, đây có thể được xem là giai đoạn sớm và trung gian chuyển tiếp từ bình thường sang đái tháo đường thực sự (Hình 1) [3]. Có ba lý do chính để tiền đái tháo đường nên nhận được sự quan tâm đúng mức, đó là (1) ngày càng trở nên phổ biến trong dân số, (2) không có triệu chứng rõ ràng, (3) nếu không được điều trị, bệnh sẽ để lại nhiều nguy cơ xuất hiện biến chứng.

Hình 1: Tiền đái tháo đường là trạng thái trung gian chuyển tiếp từ đường huyết bình thường sang đái tháo đường [3]

    

Việt Nam chúng ta nằm ở khu vực Tây Thái Bình Dương theo phân loại của Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (International Diabetes Federation – IDF), nơi chiếm đến 1/3 số người mắc tiền đái tháo đường trên toàn cầu. Theo số liệu ước tính mới nhất của tổ chức nói trên, năm 2019 cả thế giới có 373,9 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 bị rối loạn dung nạp glucose – một dạng tiền đái tháo đường (tương ứng với 7.5%). Dự báo đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 548,4 triệu (8.6%), trong đó gần một nửa trường hợp (48.1%) dưới 50 tuổi. Riêng Việt Nam vào cùng thời điểm năm 2019, có khoảng 3.8 triệu bệnh nhân đái tháo đường, trong khi số ca tiền đái tháo đường lại lên đến 5.3 triệu (chiếm 8.6% dân số), nghĩa là gấp 1.4 lần. Dự đoán đến năm 2045, gần 7.9 triệu người được chẩn đoán tiền đái tháo đường, tương đương tỉ lệ khoảng 9.2% dân số (Hình 2) [4].

Hình 2: Dịch tễ học tiền đái tháo đường và đái tháo đường của Việt Nam [4]

    

Tiền đái tháo đường liên quan với các yếu tố nguy cơ giống như bệnh đái tháo đường, chẳng hạn thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp hay ít hoạt động thể lực. Cơ chế bệnh sinh của tiền đái tháo đường là sự tổng hợp của nhiều yếu tố tác động, bao gồm người mang gen nguy cơ, hiện tượng đề kháng insulin, giảm tiết insulin do suy giảm chức năng tế bào beta tiến triển. Tế bào beta là thành phần nằm ở tụy, chịu trách nhiệm tiết hormone insulin để kiểm soát lượng đường trong máu của bạn sao cho giữ ở một khoảng nhất định phù hợp. Mức độ giảm tiết insulin và đề kháng insulin xuất hiện từ rất sớm, trước khi bạn được chẩn đoán đái tháo đường khoảng 13 năm, và tăng dần theo thời gian. Do đó việc phát hiện sớm và can thiệp điều trị tích cực người mắc tiền đái tháo đường sẽ giúp giảm tỉ lệ tiến triển đái tháo đường típ 2 và dự phòng các biến chứng tim mạch hay biến chứng khác do tăng đường huyết [5].

    

Điều nguy hiểm của tiền đái tháo đường là không gây triệu chứng để làm bạn chú ý, dẫn đến bệnh cứ thế tiến triển âm thầm trong thời gian dài mà không được chẩn đoán, điều trị. Ngay cả khi đã chuyển thành đái tháo đường, nhiều người vẫn không gặp bất kỳ biểu hiện nào rõ ràng, trừ khi đường huyết tăng quá cao gây biến chứng cấp tính. Tuy nhiên, các biến chứng mạch máu đã bắt đầu xuất hiện từ sớm, làm cho việc nhận diện bệnh càng trở nên quan trọng hơn.

    

Hậu quả của tiền đái tháo đường gồm nguy cơ diễn tiến thành đái tháo đường và nguy cơ xuất hiện các biến chứng tương tự như đái tháo đường, bao gồm mạch máu nhỏ và mạch máu lớn. Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy sau 12 năm theo dõi, 22% người tiền đái tháo đường có thể hồi phục về đường huyết bình thường, 13% tiến triển thành đái tháo đường thực sự và 23% tử vong (Hình 3) [6]. Phân tích chỉ ra người tiền đái tháo đường với huyết áp thấp, không có bệnh tim mạch và cân nặng thấp có xu hướng hồi phục cao hơn, trong khi bệnh nhân béo phì dễ tiến triển thành đái tháo đường. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát cả huyết áp và cân nặng nếu như bạn mắc tiền đái tháo đường. Phần lớn các đề tài khác chỉ ra khoảng 5-10% bệnh nhân tiền đái tháo đường sẽ tiến triển thành đái tháo đường mỗi năm [7], [8]. Nhìn chung, khoảng 15-30% bệnh nhân tiền đái tháo đường chuyển thành đái tháo đường trong vòng 5 năm, 50% thành đái tháo đường trong vòng 10 năm và 70% cuối cùng cũng sẽ mắc đái tháo đường [9], [10], [11]. Mặc dù dữ liệu nói trên cho thấy nếu không được kiểm soát, khả năng bạn chuyển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường là khá cao nhưng đồng thời cũng chỉ ra triển vọng của việc điều trị có thể giúp hồi phục mức đường trong máu về lại bình thường hoặc ít nhất giữ nguyên trạng thái tiền đái tháo đường, không làm nặng thêm.

Hình 3: Diễn tiến của tiền đái tháo đường [6]

    

Những cơ quan của bạn liên quan đến biến chứng mạch máu nhỏ là thận, mắt và thần kinh (dây thần kinh dẫn truyền cảm giác đến phần xa của cơ thể và dây thần kinh sâu bên trong, chi phối các cơ quan nội tạng như tim, dạ dày, bàng quang). Trong khi đó, biến chứng mạch máu lớn xảy ra ở những mạch máu nuôi tim, não và mạch máu ngoại biên nuôi tay, chân (Hình 4) [12]. Khoảng 12.3% người tiền đái tháo đường được ghi nhận bệnh võng mạc, một bệnh lý tại mắt do đường huyết cao gây nên hoặc phối hợp thêm bởi huyết áp cao và có thể tiến triển nặng, cuối cùng dẫn đến mù lòa [13]. Tỉ lệ bệnh thận mạn (suy thận mạn) ở những người mắc tiền đái tháo đường là 17.7%, cao hơn so với dân số chung (10.6%) nhưng vẫn ít hơn ở nhóm đái tháo đường (41.7%), chứng tỏ việc điều trị và can thiệp sao cho hạn chế chuyển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường ít nhiều cũng làm giảm được khả năng bạn mắc bệnh thận mạn [14]. Bệnh thần kinh với những triệu chứng điển hình như tê tay, tê chân, nóng rát, châm chích da giống như kiến bò hay nặng nhất là mất cảm giác hoàn toàn có thể gặp ở 18% người tiền đái tháo đường [15].

    

Tương tự như biến chứng mạch máu nhỏ, ảnh hưởng trên mạch máu lớn của bạn đã bắt đầu xuất hiện từ giai đoạn tiền đái tháo đường. Khả năng tử vong do nguyên nhân tim mạch của bệnh nhân tiền đái tháo đường (dưới hình thức rối loạn dung nạp glucose) cao gấp 2.5 lần người có đường huyết bình thường (Hình 5) [16]. Rối loạn dung nạp glucose nghĩa là cơ thể bạn gặp vấn đề trong việc điều chỉnh lượng đường máu sau bữa ăn, dẫn đến đường máu vào thời điểm này cao vượt ngưỡng bình thường. Dạng còn lại của tiền đái tháo đường là rối loạn đường huyết đói, nghĩa là đường máu của bạn lúc chưa ăn cũng đã cao. Khi thời gian mắc tiền đái tháo đường càng lâu và càng diễn tiến đến gần thời điểm chuyển sang đái tháo đường thì nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ cũng tăng theo tương ứng [17].

Hình 5: Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở người tiền đái tháo đường cao gấp 2.5 lần bình thường [16]

    

Do sự nguy hiểm nêu trên, việc tầm soát, phát hiện và điều trị sớm tiền đái tháo đường đã được chứng minh mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cũng như kinh tế. Cụ thể, bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc nhồi máu cơ tim, đột quỵ, biến chứng mạch máu nhỏ trên mắt, thận, giảm khả năng tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời tiết kiệm chi phí phải bỏ ra cho việc chăm sóc y tế hơn so với để đến khi bệnh tiến triển thành đái tháo đường hay đã xuất hiện biến chứng [18]. Như vậy, những lý do nêu trên chỉ ra sự cần thiết cũng như lợi ích, hiệu quả của việc tầm soát và điều trị sớm tiền đái tháo đường.

Tài liệu tham khảo

  1.  Selvin E, Rawlings AM, et al (2013). No racial differences in the association of glycated hemoglobin with kidney disease and cardiovascular outcomes. Diabetes Care, 36:2995–3001.
  2.  Selvin E (2016). Are there clinical implications of racial differences in HbA1c? A difference, to be a difference, must make a difference. Diabetes Care, 39:1462–1467.
  3.  https://as.com/deporteyvida/2019/11/13/portada/1573663111_178652.html
  4.  International diabetes federation: IDF diabetes atlas - 9th edition, 2019.
  5.  Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường (2020). Bộ Y tế
  6.  Y. Shang, A. Marseglia (2019). Natural history of prediabetes in older adults from a population‐based longitudinal study. J Intern Med, 286(3):326-340.
  7.  Forouhi NG, Luan J, et al (2007). Incidence of type 2 diabetes in England and its association with baseline impaired fasting glucose: the Ely study 1990–2000. Diabet Med, 24:200–207.
  8.  Nathan DM, Davidson MB, et al, for the American Diabetes Association (2007). Impaired fasting glucose and impaired glucose tolerance: implications for care. Diabetes Care, 30: 753–759.
  9.  https://www.health.ny.gov/diseases/conditions/diabetes/prediabetes/
  10.  http://www.diabetesprevention.pitt.edu/index.php/for-the-public/diabetes-and-related-conditions/pre-diabetes/
  11.  Adam G Tabak, Christian Herder (2012). Prediabetes: A High-Risk State for Diabetes Development. Lancet, 379(9833):2279-2290.
  12.  https://pdb101.rcsb.org/global-health/diabetes-mellitus/monitoring/ complications
  13.  Nkiru A. Umekwe, Ibiye Owei, et al (2018). Subclinical Microvascular Lesions among Normoglycemic and Prediabetic Subjects—The PROP-ABC Study. Diabetes, 67(Supplement 1):36-LB.
  14.  Plantinga L.C., Crews D.C., et al., CDC CKD Surveillance Team (2010) Prevalence of chronic kidney disease in US adults with undiagnosed diabetes or prediabetes. Clin J Am Soc Nephrol, 5:673-682.
  15.  Uazman Alam, of Liverpool Diabetes and Endocrine Research Group (2018). Prevalence of Peripheral Neuropathy in Prediabetes. Diabetes, 67(Supplement 1):552-P.
  16.  Elizabeth L M Barr, Paul Z Zimmet, el al (2007). Risk of Cardiovascular and All-Cause Mortality in Individuals With Diabetes Mellitus, Impaired Fasting Glucose, and Impaired Glucose Tolerance: The Australian Diabetes, Obesity, and Lifestyle Study (AusDiab). Circulation, 116(2):151-157.
  17.  Frank B Hu, Meir J Stampfer (2002). Elevated Risk of Cardiovascular Disease Prior to Clinical Diagnosis of Type 2 Diabetes. Diabetes Care, 25(7):1129-1134.
  18.  R K Simmons, M Rahman (2011). Effect of Population Screening for Type 2 Diabetes on Mortality: Long-Term Follow-Up of the Ely Cohort. Diabetologia, 54(2):312-319.

VN_GM_PRE-DIA_55

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1753
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3044
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1700