LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG KHỎE VỚI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Tiền đái tháo đường mặc dù có thể diễn tiến thành đái tháo đường típ 2 và mang nguy cơ bệnh tim mạch nhưng bạn vẫn có thể có cái nhìn lạc quan về việc sống chung, sống khỏe cùng tiền đái tháo đường nhờ vào việc thay đổi lối sống và sử dụng thuốc nếu cần theo chỉ định của bác sĩ.

    

Ba nền tảng trụ cột của việc thay đổi lối sống tích cực ở người tiền đái tháo đường tương tự với bệnh nhân đái tháo đường, bao gồm tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng ở mức tối ưu và thực hành chế độ ăn lành mạnh (Hình 1) [1].

    

Hoạt động thể lực. Bất kể bạn chơi môn thể thao gì hay tập luyện dưới hình thức nàp, tất cả đều ít nhiều mang lại lợi ích cho sức khỏe nếu được lặp lại thường xuyên, đặc biệt khi bạn đã mắc các bệnh lý tim mạch-chuyển hóa ví dụ như tăng huyết áp hay đái tháo đường. Bạn nên tập theo cường độ trung bình ít nhất 30 phút mỗi ngày và đều đặn các ngày trong tuần (ít nhất 5 ngày). Khi không thể tập liên tục 30 phút, hãy chia nhỏ thành nhiều phiên, mỗi phiên kéo dài khoảng 10 phút. Thời lượng tập như trên giúp bạn tiêu đốt được khoảng 700 kcal/tuần [2]. Nếu muốn giảm cân nhiều hơn nữa, bạn có thể cần phải tăng cường độ và thời gian luyện tập thêm, ít nhất 60-90 phút/ngày. Điều cần được nhấn mạnh ở đây là nhịp độ đều đặn quan trọng hơn cường độ cao. Nói cách khác, bạn không nên tập nặng quá trong một lần rồi lại ngưng kéo dài. Bạn có thể thử các môn từ cường độ thấp đến cao như đi bộ, đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, khiêu vũ, bơi hay tập gym. Có thể luân phiên tập nhiều môn hay hoạt động thể lực dưới nhiều dạng khác nhau để tạo hứng thú cho bản thân. Việc lựa chọn bài tập và mức độ tùy thuộc khả năng của bạn. Bạn có thể ngạc nhiên nhưng những công việc nội trợ tại gia như lau sàn, chùi rửa đồ vật hay làm vườn cũng giúp tiêu hao năng lượng dư thừa và được xem là một hình thức hoạt động thể lực (Hình 3) [1]. Bên cạnh đó, giảm thời gian cho các hoạt động tĩnh tại như ngồi một chỗ xem TV, sử dụng laptop, máy tính bảng, điện thoại cũng góp phần tăng thời gian vận động cho cơ thể. Ví dụ như cứ sau mỗi 45 phút xem TV, bạn nên đứng dậy và đi loanh quanh hoặc tập một số động tác nhẹ nhàng. Sức khỏe của cơ đóng vai trò quan trọng đối với người tiền đái tháo đường hay đái tháo đường bởi vì cơ là vị trí chính yếu để hấp thu và sử dụng glucose, giúp làm giảm đường huyết hiệu quả. Vì vậy, các bài tập mà bạn lựa chọn nên tập trung tăng cường cho những nhóm cơ ở tay và chân. Nếu bạn có vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim hay trước đây chưa từng tập luyện bài bản, nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để tìm ra lịch trình và cường độ tập thích hợp cho chính mình, thông thường là tập nhẹ và ngắn rồi tăng dần để cơ thể kịp thích nghi. Đồng thời, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên chú ý thêm các chỉ số tim mạch đơn giản để tự theo dõi trước, trong và sau luyện tập là huyết áp và tần số tim. Đây là những chỉ dấu báo hiệu sức khỏe của bạn có phù hợp với hình thức luyện tập hiện tại hay không, nói cách khác là cơ thể có khả năng chịu đựng được mức độ luyện tập đó hay không. Nhờ vậy, bác sĩ có thể dựa vào để đưa ra lời khuyên điều chỉnh hoạt động thể lực cho bạn. Nhìn chung, tập luyện giúp tăng độ nhạy cảm insulin để hormone này làm việc hiệu quả hơn, cải thiện lipid máu (mỡ máu), giảm huyết áp, giảm đường huyết (đặc biệt là đường huyết sau ăn), giảm cân, tăng lượng cơ, tăng sức bền thể lực, cuối cùng đưa đến giảm nguy cơ diễn tiến thành đái tháo đường típ 2 và giảm nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch.

Chế độ ăn lành mạnh. Ăn uống lành mạnh không có nghĩa là bạn phải kiêng tuyệt đối món ăn ưa thích mà chỉ cần tuân thủ theo các khuyến cáo của bác sĩ về lượng phù hợp đối với mỗi nhóm thực phẩm.

    

Bạn nên bắt đầu thực hiện thay đổi chế độ ăn sau khi đến gặp và nhận được tư vấn bởi chuyên gia dinh dưỡng. Can thiệp giảm cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể lực xuyên suốt quá trình điều trị cho người có nguy cơ là cốt lõi nhằm ngăn ngừa diễn tiến đến đái tháo đường nếu bạn đang thừa cân, béo phì. Chế độ giảm cân thông qua dinh dưỡng thường khó duy trì lâu dài, do đó sau những can thiệp tích cực ban đầu, bạn cần được tư vấn về việc hoạt động thể lực hoặc dùng thêm thuốc, hỗ trợ tâm lý nếu cần. Khuyến cáo áp dụng chế độ ăn giảm năng lượng, giảm chất béo, với mức giảm cân dần dần cho người thừa cân, béo phì. Bạn nên lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nguyên hạt, giàu chất xơ, rau, hoa quả, không gia công chế biến công nghiệp, và ưu tiên chất béo không bão hòa từ dầu thực vật, dầu cá. Bên cạnh chế độ ăn giảm tổng năng lượng, một số thực phẩm được chứng minh có thể giảm nguy cơ tiền tiền đái tháo đường và đái tháo đườn như các loại hạt, dâu, sữa chua, cà phê, trà cũng được khuyến khích sử dụng (Hình 3) [1]. Ngược lại các thực phẩm mà bạn cần hạn chế là thịt đỏ, đồ ngọt, nhiều đường, các thức ăn chứa mỡ bão hòa (động vật). Nếu bạn không thừa cân, béo phì, không cần giảm cân thêm, chỉ thay đổi sự lựa chọn thực phẩm như trên.

    

Duy trì cân nặng ở mức tối ưu. Việc giảm cân đạt được nhờ hai yếu tố là thay đổi dinh dưỡng và hoạt động thể lực nêu trên (Hình 4). Theo khuyến cáo của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2020, bạn nên giảm khoảng 5-10% cân nặng (trung bình 7%) nếu như trước đó bạn thuộc nhóm thừa cân, béo phì. Tốc độ giảm khoảng 0.5 kg mỗi tuần và kéo dài trong 3-6 tháng được xem là phù hợp [3]. Nhằm đạt mục tiêu nói trên, bạn cần ước tính lượng calo được phép nhập vào mỗi ngày. Một cách đơn giản để dễ thực hiện là bạn tính nhu cầu calo hàng ngày và trừ đi 500-1000 calo/ngày. Chất béo là nguồn cung cấp calo lớn và không có lợi nếu tiêu thụ lượng nhiều nên cần ưu tiên giảm trước, sau đó có thể cân nhắc giảm thêm tinh bột trong khẩu phần bởi vì tinh bột khi được ăn vào vừa được chuyển hóa thành đường làm tăng đường huyết, vừa biến đổi thành triglyceride làm tăng mỡ máu. Ngoài cân nặng thì số đo vòng eo cũng là một chỉ số mà bạn nên quan tâm bởi vì tích mỡ vùng eo liên quan xấu đến sức khỏe hơn mỡ ở những vùng khác trên cơ thể. Nói cách khác, với cùng một mức cân nặng nhưng nếu vòng eo của bạn lớn thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người có vòng eo nhỏ. Thông thường ở người châu Á chúng ta, vòng eo không nên vượt quá 80cm với nữ và 90cm với nam.

    

Thuốc. Nếu thay đổi lối sống thông qua chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và giảm cân trong vòng khoảng 3 tháng mà vẫn chưa giúp bạn đạt mục tiêu hay thậm chí đường huyết có xu hướng tăng dần thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc.

    

Bệnh nhân tiền đái tháo đường cần định kỳ đi thăm khám bác sĩ để được đánh giá và điều trị phù hợp. Khi được chỉ định thuốc bệnh nhân nên thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết hiệu quả.

    

Trong quá trình theo dõi điều trị tiền đái tháo đường với những biện pháp nêu trên, bác sĩ còn đồng thời quan tâm và kiểm soát các bệnh đồng mắc và yếu tố nguy cơ tim mạch đi kèm khác của bạn như huyết áp, mỡ máu, đặc biệt còn có cả khuyến cáo cần phải ngưng thuốc lá.

    

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người mắc tiền đái tháo đường như bạn nhằm duy trì và tuân thủ chế độ can thiệp thay đổi lối sống tích cực là rất cần thiết. Tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể của từng người về tuổi, trình độ nhận thức, mức độ kinh tế, sở thích, nghề nghiệp mà bác sĩ sẽ lựa chọn công nghệ phù hợp, ví dụ nền tảng web, tin nhắn điện thoại, mạng xã hội zalo, viber, các ứng dụng chuyên biệt trên điện thoại thông minh... để cung cấp thông tin, theo dõi nhật ký ăn uống, tập luyện, thậm chí cả kết quả đo đường huyết hàng ngày của bạn và đưa ra lời khuyên can thiệp, điều chỉnh kịp thời (Hình 5) [4]. Bạn cũng được khuyến khích, tạo cộng đồng người bệnh cùng nhau chia sẻ tâm lý, kinh nghiệm, trợ giúp nhau. Tất cả những điều này đều góp phần củng cố hiệu quả điều trị.

Ứng dụng công nghệ là một hình thức hiện đại giúp tăng cường tương tác giữa bạn và bác sĩ [4]

    

Bạn cần hiểu rằng việc điều trị tiền đái tháo đường là lâu dài nhưng lại có lợi ích giảm khả năng tiến triển thành đái tháo đường và giảm biến cố tim mạch về sau. Nếu không tuân thủ dài hạn, khá khó để bác sĩ kiểm soát được bệnh của bạn. Những biện pháp dinh dưỡng, vận động, giảm cân và sử dụng thuốc là nền tảng trong điều trị tiền đái tháo đường hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.healthpromotion.ie/hp-files/docs/HWB01073.pdf
  2.  Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường (2020). Bộ Y tế
  3.  American Diabetes Association (2020). Diabetes Care, 43(Suppl. 1).
  4.  https://www.israel21c.org/glucome-merck-launch-diabetes-management-pilot-in-vietnam/

VN_GM_PRE-DIA_57

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1595
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2876
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1529