DIỄN TIẾN CỦA ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TÍP 2 – ĐỀ KHÁNG INSULIN

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

   Hai hiện tượng bệnh lý quan trọng gặp ở người bệnh đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ2) là suy giảm chức năng tế bào beta tụy và đề kháng insulin. Insulin do tụy tiết ra là hormone đóng vai trò chính trong sự kiểm soát đường huyết. Đề kháng insulin nghĩa là cơ thể bạn vẫn tiết ra hormone này nhưng chúng hoạt động kém hiệu quả. Vậy diến tiến của đái tháo đường típ 2 ra sao ?

Ban đầu, tuyến tụy cố gắng tiết ra nhiều insulin hơn để bù trừ cho sự đề kháng này, hay nói cách khác là lấy số lượng bù cho chất lượng. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, đề kháng insulin trở nên vượt trội quá mức có thể bù trừ của tụy và gây hậu quả mất kiểm soát về nhiều thông số đường huyết như HbA1C (chỉ số phản ánh đường huyết trung bình của bạn trong vòng ba tháng vừa qua), đường huyết đói và đường huyết sau ăn. 

Hiện tượng đề kháng insulin

    Hiện tượng đề kháng insulin được quan sát thấy ở nhiều cơ quan với mức độ nặng nhẹ khác nhau, trong đó chủ yếu là gan, cơ và mô mỡ. Ngoài ra, thận, não hay mạch máu cũng có thể chịu ảnh hưởng của đề kháng insulin. Thông thường, insulin đóng vai trò ức chế, không cho gan giải phóng lượng đường chứa bên trong nhằm kiểm soát đường huyết của bạn. Đồng thời, insulin giúp đưa đường vào trong tế bào cơ và mỡ để sử dụng. Tổng hợp ba cơ chế này cùng làm cho đường huyết được giữ ở mức ổn định và cân bằng.

Tuy nhiên, khi xảy ra đề kháng insulin, gan, cơ và mô mỡ đều kém đáp ứng với insulin, nói cách khác insulin không gây được hiệu ứng như thông thường đối với các cơ quan này, dẫn đến hậu quả là tăng đường huyết. Bên cạnh đường huyết thì chuyển hóa mỡ cũng liên quan mật thiết với insulin, do đó khi có sự đề kháng insulin, các chỉ số lipid máu của bạn có thể thay đổi theo hướng xấu đi. Đề kháng insulin bản thân không phải là một bệnh lý riêng biệt mà là một tình trạng rối loạn chuyển hóa có thể gặp trong nhiều bệnh lý như ĐTĐ2 (thường gặp nhất), tăng huyết áp, béo phì, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ hay hội chứng buồng trứng đa nang ở phụ nữ.

    Thông thường đề kháng insulin ít có biểu hiện triệu chứng bên ngoài, ngoại trừ việc phát hiện bằng việc đo đường huyết và các nghiệm pháp chuyên sâu hơn do bác sĩ của tiến hành. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể xuất hiện vùng da sẫm màu ở gáy, một bên cổ hay nách, gọi là dấu gai đen. Vùng da này thường khô, mịn, đôi khi có kèm một vài mẩu da thừa nhỏ (Hình 1). Bản thân dấu gai đen không nguy hiểm nhưng chúng báo hiệu rằng bạn đang có tình trạng đề kháng insulin.

Hình 1: Dấu gai đen ở người đề kháng insulin [1]

Diễn tiến của đái tháo đường típ 2

Khác với một hiện tượng bệnh lý còn lại trên bệnh nhân ĐTĐ típ 2 là suy chức năng tế bào beta tụy vốn khó hoặc hầu như không hồi phục theo thời gian, đề kháng insulin phụ thuộc nhiều vào các hành vi lối sống và có thể đảo ngược phần nào nếu bạn tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong đó, giảm cân được xem như mục tiêu quan trọng nhất, đặc biệt là giảm mỡ vùng bụng, bởi vì béo bụng liên quan mật thiết với hiện tượng đề kháng insulin. Bạn càng sở hữu một số cân nặng lớn, các tế bào gan, cơ hay đặc biệt mô mỡ của bạn sử dụng insulin càng kém hiệu quả. Khi insulin không thể làm việc đúng mức mong đợi, cơ thể bạn có xu hướng tiết ra insulin nhiều hơn để bù trừ cho sự thiếu hụt hiệu quả nêu trên. Tuy nhiên, insulin lại có tác dụng không mong muốn là gây tăng tích mỡ, từ đó lại càng làm nặng thêm đề kháng insulin và do vậy, trở thành một vòng xoắn bệnh lý. Hai hành vi thay đổi lối sống giúp bạn giảm cân là chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể lực (Hình 2).

Thông thường hai biện pháp này nên được phối hợp song hành với nhau để có hiệu quả cao nhất. Một đặc điểm đáng chú ý ở người bệnh ĐTĐ2 là việc giảm cân vốn khó nhưng tiếp tục duy trì được mức giảm ổn định này lại càng khó hơn, cần rất nhiều nỗ lực từ bản thân, gia đình và sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Trong thực tế, nhiều người sau thời gian giảm cân đã bị tăng cân trở lại, đồng nghĩa với việc tăng đề kháng insulin, thậm chí cân nặng còn đạt đến mức cao hơn trước khi bắt đầu kế hoạch giảm cân. Điều này đã được một số nghiên cứu lý giải, bởi vì cơ thể bạn không phân biệt được đâu là giảm cân chủ ý và đâu là giảm cân do bị thiếu đói nên não luôn cố gắng điều phối hormone và các chất tín hiệu khác để giảm thiểu việc tiêu hao năng lượng cho giai đoạn này [2]. Do vậy, đôi lúc mặc dù bạn ăn ít nhưng tổng calo mỗi ngày mà bạn tiêu tốn cũng ít theo và kết quả là bạn vẫn bị dư thừa năng lượng, dẫn đến tăng cân.

Đái tháo đường típ 2 có thể phải điều trị cả đời

Đây là một trong những lý do chính làm cho Đái tháo đường típ 2 trở thành một bệnh diễn tiến liên tục và việc điều trị cần phải tuân thủ suốt đời, đặc biệt là yếu tố quản lý cân nặng và quản lý sự đề kháng insulin. Tình trạng đề kháng insulin ảnh hưởng lớn đển khả năng kiểm soát đường huyết của bạn. Đề kháng insulin càng nhiều thì đường huyết càng tăng cao và mất ổn định. Cũng vì vậy, nhiều loại thuốc điều trị ĐTĐ2 được bác sĩ sử dụng với mục đích giảm đề kháng insulin nhằm giúp cơ thể bạn sử dụng đường hiệu quả hơn. Thông thường những thuốc đạt tiêu chuẩn như vậy sẽ ít nhiều kèm thêm tác dụng giảm cân, hoặc chí ít không làm cân nặng tăng thêm.

Hình 2: Chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực là hai biện pháp cơ bản để giảm cân, từ đó giảm đề kháng insulin [3]

     Tóm lại, đề kháng insulin là một hiện tượng cơ bản của ĐTĐ2, ảnh hưởng trực tiếp đến diễn tiến bệnh và khả năng kiểm soát đường huyết, là một trong các yếu tố làm cho ĐTĐ2 trở thành một bệnh lý cần điều trị suốt đời. Đề kháng insulin liên hệ mật thiết với tình trạng béo phì, đặc biệt là béo bụng. Giảm cân được xem là biện pháp tối ưu nhất để làm giảm đề kháng insulin. Hai hành vi thay đổi lối sống quan trọng giúp giảm cân là chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực.

Tóm lại, đề kháng insulin là một hiện tượng cơ bản của ĐTĐ2, ảnh hưởng trực tiếp đến diễn tiến bệnh và khả năng kiểm soát đường huyết, là một trong các yếu tố làm cho ĐTĐ2 trở thành một bệnh lý cần điều trị suốt đời. Đề kháng insulin liên hệ mật thiết với tình trạng béo phì, đặc biệt là béo bụng. Giảm cân được xem là biện pháp tối ưu nhất để làm giảm đề kháng insulin. Hai hành vi thay đổi lối sống quan trọng giúp giảm cân là chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực.

VN_GM_DIA_141

Tài liệu tham khảo

1. https://www.rosepharmacy.com/acanthosis-nigricans/

2. Blomain ES, Dirhan DA, Valentino MA, Kim GW, Waldman SA. Mechanisms of Weight Regain following Weight Loss. ISRN Obes. 2013 Apr 16;2013:210524.

3. https://www.dnaindia.com/health/report-diet-vs-exercise-for-weight-loss-how-your-eating-plan-is-more-important-than-working-out-2715315

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1595
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2876
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1529