Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Hiện tại đã có nhiều bằng chứng và khuyến cáo cho thấy kém tuân thủ điều trị đái tháo đường là nguyên nhân đưa đến hiệu quả điều trị thấp, gây các biến chứng đái tháo đường (ĐTĐ) nhiều hơn và khả năng dẫn tới tử vong cao hơn. Điều này được cả bác sĩ và bệnh nhân hiểu rõ.
Tuy nhiên, thực tế là mức độ tuân thủ điều trị với những bệnh lý mạn tính nói chung và ĐTĐ, trong đó có ĐTĐ típ 2 (ĐTĐ2) còn khá thấp. Có nhiều nguyên nhân khác nhau lý giải tại sao bạn và những bệnh nhân khác đôi khi không dùng thuốc theo như hướng dẫn của bác sĩ, và thường thì có nhiều hơn một yếu tố cùng phối hợp dẫn đến tình trạng này.
Một số yếu tố bất khả kháng, chỉ có thể nhận biết mà không thể điều chỉnh, trong khi nhiều lý do khác có thể được thay đổi theo hướng tích cực hơn giúp tăng khả năng tuân thủ điều trị. Việc nhận diện các nguyên nhân này là điều cần thiết để giúp bản thân bạn và bác sĩ có kế hoạch can thiệp phù hợp.
Nhóm nguyên nhân thứ nhất là cảm nhận về điều trị. Có hai khía cạnh khi bạn cảm nhận về một phương pháp điều trị bất kỳ.
Thứ nhất, bạn sẽ không có động cơ, động lực điều trị nếu như không cảm thấy rằng điều trị đó có ích cho bệnh tình của mình. Điều này rất thường gặp với những người ở giai đoạn đầu của Đái tháo đường type 2 khi chưa có triệu chứng hay biến chứng rõ ràng. Lúc này, người bệnh thường không cho rằng việc thay đổi chế độ ăn uống, hoạt động thể lực hay uống thuốc theo đơn là cần thiết. Hoặc người bệnh cảm thấy uống thuốc không làm cơ thể thay đổi gì đáng kể.
Vì vậy, dễ bắt gặp tình huống bệnh nhân bỏ theo dõi, tái khám và uống thuốc chỉ sau một thời gian ngắn kể từ khi chẩn đoán. Điều này rất sai lầm, bởi vì các nghiên cứu cho thấy kể từ khi đường huyết của bạn bắt đầu tăng trên ngưỡng bình thường (chỉ có thể phát hiện qua xét nghiệm mà chưa có biểu hiện triệu chứng), các biến chứng ở mắt, thận đã bắt đầu hình thành. Do đó, không nên nghĩ rằng khi ĐTĐ chưa có triệu chứng thì chưa cần điều trị. Việc kiểm soát đường huyết càng sớm càng làm giảm tối đa khả năng bạn bị biến chứng về sau.
Thứ hai, một số người sau thời gian điều trị kéo dài mà bệnh không cải thiện nhiều có thể xuất hiện tâm lý chán nản vì cho rằng thuốc không hiệu quả. Đây là lý do không hiếm gặp ở những người tự ý bỏ điều trị. Điều này có thể nằm một phần ở việc nhân viên y tế chưa có điều kiện giải thích cặn kẽ về tình trạng bệnh và kế hoạch điều trị cho người bệnh, dẫn đến người bệnh còn cảm thấy mơ hồ về liệu trình điều trị. Đôi khi bạn cảm thấy trị số HbA1C của mình không giảm nhiều dù đã sử dụng toa theo bác sĩ và cho rằng uống thuốc thật vô ích.
Tuy nhiên hãy nhớ rằng đôi lúc trong tiến trình bệnh của mình, có những giai đoạn khá khó khăn trong việc kiểm soát sức khỏe. Nếu không dùng thuốc như hướng dẫn, đường huyết thậm chí có thể còn tăng cao hơn. Thứ ba, nỗi sợ tác dụng phụ của thuốc cũng được xem là yếu tố chính cản trở tuân thủ điều trị. Ở đây, điều được nhắc đến là cảm giác sợ của chính người bệnh dù bản thân chưa trải qua tác dụng phụ đó.
Thông thường, một số người có thể nghe kể về tác dụng phụ từ người thân hay bạn bè đã từng uống loại thuốc này và do dự không muốn uống nếu được bác sĩ kê đơn vì ý nghĩ rằng mình cũng sẽ gặp tác dụng không mong muốn tương tự. Tuy nhiên, cần nhớ rằng mỗi người đáp ứng với thuốc theo một cách khác nhau, không ai hoàn toàn giống ai. Do vậy, chỉ có bác sĩ mới là người quyết định chính xác bạn có nên dùng một loại thuốc nào đó hay không.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là sự phức tạp của phác đồ điều trị. Tâm lý chung của hầu hết mọi người là càng uống nhiều thuốc thì càng cảm thấy phiền phức, dễ chán nản. Sự nhận định này đến từ nguồn gốc sâu xa là cảm nhận bi quan về tình trạng bệnh, cho rằng càng nhiều bệnh hay bệnh càng nặng thì mới phải uống nhiều thuốc.
Tuy nhiên, với một số bệnh nhất định, ví dụ như ĐTĐ2 đang được đề cập ở đây, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp nhiều thuốc cho bạn ở giai đoạn sớm nhằm tác động trên nhiều cơ chế một lúc để đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết ngay từ sớm, giúp hạn chế biến chứng về sau. Cơ sở của việc kê toa này đến từ nghiên cứu cho thấy nếu để cho đường huyết cao trong một thời gian rất dài rồi mới điều trị thì khả năng cứu vãn khỏi biến chứng rất thấp, cho dù lúc đó bạn có kiểm soát tốt tới đâu chăng nữa.
Điều này một lần nữa nhấn mạnh rằng rằng, không phải cứ dùng càng nhiều thuốc nghĩa là bệnh càng nặng mà đây có thể là chủ ý của bác sĩ để giúp bạn đạt hiệu quả cao nhất trong việc điều trị Đái tháo đường type 2. Khía cạnh tiếp theo của sự phức tạp trong phác đồ điều trị nằm ở tần suất sử dụng thuốc. Việc uống thuốc 2-3 lần/ngày rõ ràng dễ hiểu là phức tạp hơn thuốc chỉ dùng một lần duy nhất trong ngày. Ngay cả khi bạn đã chuẩn bị một tâm lý chấp nhận điều trị, không cảm thấy phiền phức thì việc uống thuốc càng nhiều lần trong ngày càng có nguy cơ quên thuốc, nhất là nếu bạn có một lịch trình bận rộn. Đặc biệt hơn nữa, đường huyết là chỉ số liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống.
Do đó, một số thuốc điều trị ĐTĐ2 phải dùng theo bữa ăn (trước, trong hoặc ngay sau ăn), dẫn đến sự thiếu linh động khi uống thuốc. Nhược điểm này đôi khi trở thành một vấn đề đáng quan tâm với những người làm một số công việc nhất định không ăn uống theo giờ giấc cố định.
Nhóm nguyên nhân thứ ba là tác dụng phụ của thuốc. Khác với chuyện cảm nhận sai lầm về khả năng xảy ra tác dụng phụ như đã đề cập ở trên, tình huống này là bạn thực sự gặp tác dụng phụ của thuốc. Trong điều trị ĐTĐ nói chung, tác dụng mà bác sĩ luôn cảnh giác và đề phòng nhất là hạ đường huyết bởi vì biến cố này có khả năng trở nên cực kỳ nguy hiểm nếu bạn bị hạ đường huyết nặng mà không kịp thời xử trí. Hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí đe dọa tính mạng.
Điều này xảy ra khi bạn uống thuốc không đúng hướng dẫn về thời điểm so với bữa ăn, hay uống sai liều, hoặc uống thuốc nhưng bỏ bữa ăn. Ở phía bệnh nhân, hạ đường huyết cũng thường được báo cáo là một tác dụng phụ đáng sợ bởi vì cảm giác run tay, choáng váng, đổ mồ hôi, lơ mơ khi rơi vào cơn hạ đường huyết không hề dễ chịu. Nhiều bệnh nhân sau khi trải qua nhiều cơn hạ đường huyết có xu hướng sợ tiếp tục uống thuốc điều trị ĐTĐ và có thể ngưng thuốc tại một thời điểm nào đó, dẫn đến mức độ tuân trị kém.
Tác dụng phụ thứ hai gặp với một số loại thuốc nhất định xảy ra trên đường tiêu hóa, ví dụ đầy bụng, khó tiêu, đau bụng hay buồn nôn. Tuy nhiên, nên nhớ rằng đa phần các tác dụng phụ này không nguy hiểm và chỉ xảy ra thoáng qua ngắn hạn khi bạn mới bắt đầu dùng thuốc hay mới được bác sĩ chỉ định tăng liều thuốc. Không nên chỉ vì tác dụng phụ nhẹ không đáng kể mà bỏ lỡ việc sử dụng thuốc. Nếu bạn gặp tác dụng phụ nặng, kéo dài và không thể chịu được, hãy thông báo bác sĩ để điều chỉnh toa thuốc kịp thời.
Một tác dụng phụ khác, mặc dù không gây nguy hiểm cấp thời nhưng lại là điều mà cả bác sĩ lẫn bạn không mong muốn, đó là gây tăng cân. Về phía người bệnh, tăng cân có thể dẫn đến cảm nhận tiêu cực về hình ảnh bản thân. Ở phía bác sĩ, một bệnh nhân ĐTĐ2 tăng cân báo hiệu tình trạng tăng hiện tượng đề kháng insulin, khó kiểm soát đường huyết, huyết áp hơn và nhiều hệ quả khác về sau. Do đó, trong chương trình điều trị mà bác sĩ thường thảo luận và nhắc lại nhiều lần với bạn, quản lý cân nặng là một mục không thể thiếu.
Một nhóm nguyên nhân tiếp theo gặp riêng biệt ở người được bác sĩ kê toa insulin. Insulin là thuốc khi đưa vào người có tác dụng thay thế hormone insulin do cơ thể sản xuất, vốn đang bị thiếu hụt ở bệnh lý ĐTĐ. Insulin trực tiếp làm giảm đường huyết với mức độ mạnh hơn hẳn nhiều loại thuốc khác. Tuy nhiên, nhược điểm chính của insulin là hiện nay thuốc chỉ có thể dùng qua đường tiêm. Các loại insulin uống hay hít vẫn chưa được nghiên cứu hoàn thiện nên hiệu quả còn kém và chưa được đưa vào sử dụng.
Một số người mắc hội chứng sợ kim tiêm, vật nhọn hay sợ đau khi tiêm thường khó chấp nhận sử dụng insulin. Không những vậy, khi tiêm insulin thì tần suất lấy máu đầu ngón tay theo dõi đường huyết cũng tăng theo, gây quan ngại về tính phức tạp của điều trị. Do hiệu quả làm giảm đường huyết mạnh như vừa đề cập ở trên, insulin mang nguy cơ tác dụng phụ hạ đường huyết cao hơn các thuốc khác.
Để hạn chế tình trạng này, insulin cần phải được dùng một cách cố định theo bữa ăn (trừ một số loại insulin nhất định có thể dùng thời điểm bất kỳ trong ngày) và phải chỉnh liều cho phù hợp nếu như bạn nhận thấy nguy cơ đường huyết đang mất ổn định với liều hiện tại. Tuy nhiên, để chỉnh liều insulin hiệu quả, bạn cần theo dõi đường huyết chặt chẽ và được huấn dẫn bởi nhân viên y tế. Những điều này làm phức tạp thêm quá trình sử dụng thuốc và do đó là một nhược điểm chính yếu của insulin, cản trở mạnh mẽ sự tuân thủ điều trị của bạn.
Ngoài ra, một số bệnh nhân còn cho rằng việc mang theo thuốc tiêm bên người khi đi làm, đi học, tập thể thao, đi du lịch…khá bất tiện, tốn thời gian sử dụng, chỉnh liều, ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống xã hội của họ.
Một nguyên nhân nữa là quên sử dụng thuốc không chủ ý. Có thể bạn không cố tình bỏ uống thuốc, nhưng bởi vì lý do tuổi tác hay công việc bận rộn làm cho số lần hay thời điểm dùng thuốc không hoàn toàn đúng như toa bác sĩ. Đôi khi, một số bệnh nhân chưa được hướng dẫn, giáo dục kỹ lại uống bù viên thuốc đã quên trước đó, gây nguy hiểm vì quá liều thuốc, mà tác dụng phụ nổi trội nhất là hạ đường huyết.
Lý do tiếp theo thuộc về chi phí điều trị. Với sự tiến bộ của y học, hàng chục loại thuốc điều trị ĐTĐ2 đã ra đời trong một vài thập niên trở lại đây. Tuy nhiên, các thuốc mới phát minh cũng đồng nghĩa với giá thành cao, cản trở một bộ phận người bệnh tiếp cận sử dụng, đặc biệt nếu thuốc chưa được hỗ trợ bởi bảo hiểm y tế.
Và cuối cùng, một trong những nguyên nhân khách quan không thể không nhắc đến trong thời gian gần đây là đại dịch COVID-19. Đại dịch này làm gián đoạn hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều khía cạnh, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến đối tượng bệnh nhân bệnh mạn tính, ví dụ như ĐTĐ2. Khi các phòng khám, bệnh viện phải phong tỏa hay đóng cửa một phần vì dịch bệnh, khả năng duy trì lịch tái khám, cấp thuốc định kỳ như cũ cho người bệnh là rất khó, dẫn đến tỉ lệ bỏ trị tăng cao. Khi chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu bị ngưng trệ, nguồn thuốc cung cấp cho nhà thuốc, bệnh viện cũng bị giảm sút đáng kể, làm cho người bệnh có thể khó tìm mua được thuốc theo toa hơn.
Hình 2: Gián đoạn nguồn cung dược phẩm do đại dịch COVID-19 là một yếu tố dẫn đến kém tuân thủ điều trị [2]
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân hay yếu tố góp phần gây tuân trị kém ở người bệnh Đái tháo đường. Việc nhận diện cụ thể những nguyên nhân này là cần thiết để từ đó đưa ra giải pháp xử trí phù hợp.
VN_GM_DIA_144
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.