CHẾ ĐỘ ĂN KETO TRONG ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TYPE 2

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

    Chế độ ăn keto trong đái tháo đường (ketogenic diet) là một phiên bản nghiêm ngặt hơn của chế độ ăn giảm tinh bột (low carb). Nền tảng của hai khẩu phần ăn này dựa trên cơ sở tinh bột (carbohydrate) chiếm tỉ trọng cao nhất trong bữa ăn thông thường và cũng là nguyên nhân chính gây tăng đường huyết. Do đó việc cắt giảm lượng tinh bột trong khẩu phần có thể làm đường huyết ít tăng cao hơn và có lợi hơn cho bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) nói chung hay bệnh nhân ĐTĐ típ 2 (ĐTĐ2) nói riêng. 

Chế độ ăn keto trong đái tháo đường

    Với chế độ low carb thông thường, lượng tinh bột mỗi ngày giảm còn nằm trong khoảng 50-150g và năng lượng hoạt động trong ngày được bù trừ bằng chất đạm từ thịt, cá, trứng, hạt các loại. Riêng ở chế độ keto, người dùng thậm chí còn giảm con số này thấp hơn, xuống khoảng 20-50 g/ngày, chiếm tương ứng 5-10% năng lượng, nếu như giả sử rằng nhu cầu năng lượng trung bình của bạn là 2000 kCal/ngày.

Đây là mức trung bình cho người trưởng thành hoạt động với cường độ vừa phải. Phần còn lại, tỉ trọng chất béo chiếm 55-60% hoặc thậm chí cao hơn và đạm từ 30-35%. Như vậy, có thể tóm tắt đặc trung của chế độ ăn keto là giàu chất béo, rất ít tinh bột và đạm ở mức trung bình (Hình 1) [1]. Chế độ ăn này được đặt tên và sử dụng lần đầu tiên bởi Russel Wilder vào năm 1921 để điều trị động kinh [2].

Trong khoảng một thập kỷ tiếp theo, phương pháp này giành được sự chú ý trong giới y khoa như một liệu pháp điều trị cho trẻ em bị động kinh và vẫn tiếp tục được sử dụng rộng rãi mãi cho đến khi có sự ra đời của các thuốc chống động kinh. Mặc dù không còn nhiều vai trò trong bệnh lý thần kinh, chế độ ăn keto lại trở thành trung tâm của các chương trình quản lý cân nặng hay tập luyện nhờ khả năng gây giảm cân.

Weighing In On The Keto Diet

Hình 1: Đặc điểm chính của chế độ ăn keto [1]

Trạng thái ceton dinh dưỡng

    Về cơ bản, tinh bột là nguồn sinh năng lượng chính của cơ thể bạn. Khi chúng ta bị thiếu tinh bột do chủ ý giảm lượng tinh bột ăn vào mỗi ngày xuống dưới 50g, cơ thể phải tìm cách lấy năng lượng từ một nguồn khác hiệu quả hơn, chính là mô mỡ. Các tế bào mỡ bị phá hủy để lấy acid béo nhằm chuyển hóa thành một số chất hóa học gọi chung là thể ceton.

Thể ceton được tim, cơ, não và thận sử dụng dễ dàng và sinh ra năng lượng gấp nhiều lần so với chất đường bột, do đó được gọi là siêu nhiên liệu (super fuel). Điều này cho phép cơ thể duy trì được sự sản xuất năng lượng hiệu quả ngay trong điều kiện nhịn đói nói chung và trong chế độ ăn keto, giảm tinh bột nói riêng. Khi thể ceton tích tụ lại, cơ thể bạn thay đổi sang một tình trạng chuyển hóa gọi là “trạng thái ceton dinh dưỡng” (nutritional ketosis). Chừng nào còn thiếu tinh bột thì cơ thể vẫn tiếp tục duy trì hoạt động ở chế độ này.

Trạng thái ceton dinh dưỡng được xem là tương đối an toàn, bởi vì các sản phẩm nói trên chỉ được sinh ra với lượng nhỏ và không làm thay đổi độ toan-kiềm trong máu bạn. Điều này khác với một biến chứng mà bạn thường được nghe ở người ĐTĐ là nhiễm toan ceton, khi đó thể ceton xuất hiện trong máu rất nhiều làm cho độ acid của máu cao hơn bình thường và có thể gây nguy hiểm.

Các chế độ ăn Keto trong Đái tháo đường type 2

    Chế độ ăn keto cũng được chia thành nhiều loại nhỏ. Kiểu điển hình như mô tả ở trên được gọi là chế độ ăn keto tiêu chuẩn (standard). Một biến thể thường gặp là chế độ ăn keto theo mục tiêu (targeted), bạn có thể dùng thêm một ít tinh bột xung quanh thời điểm hoạt động thể lực. Ví dụ khác là chế độ ăn keto chu kỳ (cyclical), khi đó bạn tuân theo chế độ ăn keto vào hầu hết thời gian nhưng sẽ có 1-2 ngày trong tuần chuyển sang  khẩu phần ăn giàu tinh bột trở lại.

    Hiệu quả của việc cắt giảm tinh bột trong khẩu phần ăn đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu trên bệnh nhân ĐTĐ2. Với chế độ ăn low carb đơn thuần, HbA1C (chỉ số phản ánh đường huyết trung bình trong vòng ba tháng gần đây của bạn) giảm đáng kể, đồng thời các thông số về lipid máu như triglyceride hay HDL-cholesterol (cholesterol “tốt”) cũng cải thiện theo hướng tích cực. Ngoài ra, chế độ ăn low carb còn mang hiệu quả giảm cân trong thời gian ngắn. Một điều thú vị là chúng ta thường nghĩ rằng giảm ăn chất béo sẽ giúp giảm cân nhưng các nghiên cứu cho thấy chính chế độ giảm tinh bột mới làm giảm cân hiệu quả hơn giảm chất béo, mặc dù chưa thành công trong việc kiểm soát cân nặng về lâu dài [3]. Chế độ ăn keto, với nguyên tắc giảm tinh bột nhiều hơn nữa, cũng cải thiện đường huyết và tình trạng đề kháng insulin của bạn, giúp tăng khả năng đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết [4].

Đặc điểm cần lưu ý của chế độ ăn Keto

    Mặc dù hiệu quả như trên, chế độ ăn keto vẫn có một số đặc điểm cần lưu ý. Đầu tiên, việc giảm ăn tinh bột có thể không phải là là một thay đổi dễ thích nghi đối với những quốc gia có chế độ ăn vốn giàu tinh bột từ gạo như Việt Nam hay các nước châu Á khác. Vì vậy, nhiều người không thể tuân theo chế độ này về lâu dài.

Thứ hai, việc giảm tinh bột quá cực đoan, ví dụ hoàn toàn không ăn tinh bột, có thể đưa đến thiếu dưỡng chất như vitamin C và chất xơ. Vì thế, bạn được khuyên chọn những thực phẩm ít tinh bột nhưng phải giàu chất xơ, chẳng hạn các loại hạt, quả và rau xanh. Đồng thời, bác sĩ không khuyến cáo bạn kiêng tinh bột hoàn toàn theo chế độ ăn zero carb.

Thứ ba, khi giảm tỉ trọng tinh bột xuống rất thấp như vậy, phần chất béo sẽ tăng lên, không loại trừ khả năng tăng cả các chất béo không có lợi cho sức khỏe như chất béo bão hòa hay chất béo dạng trans. Vì vậy, bạn còn phải học cách nhận diện và hạn chế những loại thực phẩm chứa chất béo không có lợi, ví dụ thịt đỏ, mỡ động vật hay phô mai béo.

Ngoài ra, thay đổi sự cân bằng trong khẩu phần cũng có thể làm rối loạn nhiều quá trình chuyển hóa khác của cơ thể như mất nước, rối loạn điện giải hay hạ đường huyết. Hạ đường huyết là tác dụng phụ thường thấy nếu bạn đang điều trị ĐTĐ2 với thuốc viên hay insulin nhưng lại đột ngột chuyển sang khẩu phần ăn low carb hay keto. Do đó, mọi sự thay đổi trong chế độ dinh dưỡng đều cần phải tham vấn với bác sĩ trước khi bắt đầu thực hiện. Nếu muốn ngừng áp dụng chế độ ăn keto để quay trở lại khẩu phần ăn bình thường trước đây, việc chuyển đổi cần tiến hành từ từ và có kiểm soát, theo dõi để cơ thể có thời gian thích nghi.

    Tóm lại, chế độ ăn keto có một số lợi ích nhất định trên bệnh nhân ĐTĐ2 như góp phần kiểm soát đường huyết, giảm cân và cải thiện lipid máu, từ đó có khả năng làm giảm biến chứng tim mạch của ĐTĐ2. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ về những hiệu quả cũng như nguy cơ dài hạn của chế độ ăn này mà hiện chưa được khám phá hết. Nếu có dự định áp dụng chế độ keto, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm ra chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường tốt nhất.

VN_GM_DIA_153

    

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.kemin.com/na/en-us/blog/human-nutrition/weighing-in-on-the-keto-diet
  2.  Masood W, Annamaraju P, Uppaluri KR. Ketogenic Diet. [Updated 2021 Jun 11]. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2021 Jan-.
  3.  Meng Y, Bai H, Wang S, Li Z, Wang Q, Chen L. Efficacy of low carbohydrate diet for type 2 diabetes mellitus management: A systematic review and meta-analysis of randomized controlled trials. Diabetes Res Clin Pract. 2017 Sep;131:124-131.
  4. Westman EC, Tondt J, Maguire E, Yancy WS Jr. Implementing a low-carbohydrate, ketogenic diet to manage type 2 diabetes mellitus. Expert Rev Endocrinol Metab. 2018 Sep;13(5):263-272.

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1595
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2876
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1529