Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
DASH là viết tắt của Dietary Approach to Stop Hypertension, vốn được thiết kết ban đầu để dành cho bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn này cũng có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) nói chung và đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ2) nói riêng, đặc biệt nếu mắc kèm theo tăng huyết áp. Tìm hiểu chế độ ăn Dash trong đái tháo đường type 2 có gì khác nhé !
Gần tương tự như chế độ ăn Địa Trung Hải, nguyên tắc chung của DASH tập trung vào các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và giàu chất xơ như rau củ, trái cây, đậu, quả kiên, hạt khô và ngũ cốc nguyên hạt. Về chất đạm, cá, gia cầm và các sản phẩm từ sữa được xem là lành mạnh hơn đạm từ thịt đỏ như heo hay bò. Do vậy, DASH hạn chế thịt đỏ, đồ ngọt, chất béo bão hòa và đặc biệt là muối, bởi vì muối gây tăng huyết áp rõ rệt và làm huyết áp khó kiểm soát nếu dùng với lượng nhiều. Ngược lại, khẩu phần ăn DASH khuyến khích người dùng sử dụng thực phẩm giàu kali, calci và magie vì đây là các khoáng chất giúp kiểm soát huyết áp (Hình 1) [1].
Hình 1: Chế độ ăn DASH tốt cho cả bệnh nhân tăng huyết áp và ĐTĐ [1]
Chú trọng vào lượng muối ăn mỗi ngày được xem là trọng tâm của chế độ ăn DASH. Chế độ ăn DASH tiêu chuẩn khuyến cáo bạn chỉ nên dùng không quá 2300 mg natri mỗi ngày (tương đương khoảng một muỗng cà phê). Chế độ nghiêm ngặt hơn thậm chí giảm xuống còn 1500 mg natri/ngày, tốt hơn cho cơ thể, mặc dù điều này đồng nghĩa các món ăn trở nên nhạt hơn nhiều so với khẩu vị thông thường và bạn cần thời gian thích nghi làm quen với chúng.
Các thực phẩm được khuyên dùng trong chế độ ăn DASH bản chất thường chứa ít natri. Tuy nhiên, do nguồn nguyên vật liệu đa dạng hàng ngày trong chế biến, bạn cần phải để ý thêm lượng muối sẵn có trong các thực phẩm khác. Những mặt hàng đóng hộp, chế biến sẵn hay snack ăn liền thường có lượng natri rất cao và nên hạn chế sử dụng.
Ngoài ra, giảm sử dụng nước chấm hoặc muối ăn tại bàn cũng là một cách có ích. Trên thị trường hiện nay có bán sẵn một số loại gia vị không muối để thay thế cho muối mà vẫn tạo được hương vị cho món ăn. Chúng thường có nguồn gốc thảo mộc, ví dụ như lá basil, lá hương thảo, bột tỏi, tiêu, hành, quế… (Hình 2) [2].
Hình 2: Một số loại gia vị không muối [2]
Bạn có thể tham khảo chế độ ăn DASH tiêu chuẩn cho một ngày như sau (tổng năng lượng khoảng 2000 kCal/ngày với người trưởng thành, lao động cường độ vừa phải) và lựa chọn loại thực phẩm thay thế tương đương sao cho phù hợp với nhu cầu và sự sẵn có tại địa phương (Hình 3) [3, 4].
Hình 3: Chế độ ăn DASH tiêu chuẩn [3]
- Ngũ cốc: phần ăn tiêu chuẩn của DASH cho phép bạn sử dụng 6-8 khẩu phần/ngày. Một khẩu phần ngũ cốc tương đương một trong những thực phẩm sau: một lát bánh mì, 28g ngũ cốc khô, nửa chén cơm, nửa chén mì hoặc ngũ cốc chín. Tuy nhiên, đây là lượng dành cho bệnh nhân chỉ tăng huyết áp đơn thuần. Nếu bạn có ĐTĐ2, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng tinh bột nên ăn bởi vì chúng còn phụ thuộc vào tình trạng kiểm soát đường huyết của bạn.
- Rau: 4-5 khẩu phần/ngày. Một phần rau tương đương một chén rau xanh dạng lá chưa nấu, nửa chén rau đã nấu hoặc nửa ly nước ép rau củ. Chú ý rằng các loại rau dạng lá tốt hơn cho người ĐTĐ2 vì giàu chất xơ và ít tinh bột, ít gây tăng đường huyết hơn so với rau dạng củ.
- Trái cây: 4-5 khẩu phần/ngày. Một phần trái cây tương đương một trái táo hay ổi kích thước trung bình, nửa chén trái cây đóng hộp, đông lạnh hoặc nửa chén nước ép trái cây. Tuy nhiên, với bệnh nhân ĐTĐ2, khuyến khích ăn trái cây tươi hơn các loại nước ép hay trái cây đóng hộp bởi vì trái cây tươi làm đường huyết tăng chậm hơn.
- Sữa và sản phẩm từ sữa: 2-3 khẩu phần/ngày. Một khẩu phần nhóm thực phẩm này tương đương một chén sữa hay một chén sữa chua, hoặc 40g phô mai. Với người tăng huyết áp và ĐTĐ2, nên chọn các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.
- Thịt nạc, gia cầm và cá: không quá 6 khẩu phần/ngày, Mỗi phần tương đương 28g thịt nạc, thịt gà, vịt, cá đã nấu chín hay một quả trứng.
- Quả kiên, hạt khô và đậu: 4-5 khẩu phần/tuần. Một khẩu phần tương đương 1/3 chén quả kiên, 2 muỗng canh bơ đậu phộng, 2 muỗng canh hạt hoặc 1/2 chén đậu chín. Quả kiên (nut) là những trái cây khô với một lớp vỏ cứng bên ngoài và chứa nhân bên trong. Các loại quả kiên phổ biến là hạnh nhân, hạt điều, hạt phỉ, hạt mắc-ca, hồ đào, hạt thông và óc chó. Những hạt khô (seed) chứa nhiều dưỡng chất và thường ăn trực tiếp hay chế biến kèm các món ăn khác là hạt bí, hạt lanh, hạt hướng dương, hạt vừng và hạt chia.
- Chất béo: 2-3 khẩu phần/ngày. Nhìn chung các loại dầu thực vật có lợi hơn mỡ động vật vì chứa ít chất béo bão hòa và chất béo dạng trans hơn. Tuy nhiên, bơ thực vật (margarine) lại trải qua quá trình thủy hóa để biến thành dạng rắn, vô tình quá trình này làm biến đổi chất béo từ không bão hòa sang bão hòa và giảm đi lợi ích ban đầu, do đó cũng nên sử dụng hạn chế. Một khẩu phần chất béo tương đương một muỗng cà phê bơ thực vật, dầu thực vật, một muỗng canh mayonnaise hay hai muỗng canh sốt trộn salad.
- Đồ ngọt: không quá 5 khẩu phần/tuần. Một khẩu phần đồ ngọt tương đương một muỗng canh đường, thạch hoặc mứt, nửa chén siro đá bào hoặc một cốc nước chanh.
Sau thời gian ban đầu áp dụng cho bệnh nhân tăng huyết áp, chế độ ăn DASH cũng được nghiên cứu nhiều trên người bệnh ĐTĐ2. Theo đó, DASH giúp giảm không chỉ huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương của bạn mà còn làm giảm đường huyết đói, HbA1C (chỉ số phản ánh đường huyết trung bình trong vòng ba tháng gần đây), giảm cân, giảm vòng eo và cải thiện lipid máu theo hướng tích cực. Tất cả những hiệu quả kể trên đều góp phần đưa đến lợi ích tim mạch [5]. Chế độ ăn này cũng được chứng minh là cải thiện hiện tượng đề kháng insulin, do đó không chỉ giúp kiểm soát đường huyết tích cực trên bệnh nhân ĐTĐ2 mà còn có khả năng phòng ngừa ĐTĐ2 ở những người có nguy cơ cao, ví dụ như bệnh nhân ở giai đoạn tiền ĐTĐ [6, 7].
Tóm lại, chế độ ăn DASH mang lại lợi trên bệnh nhân ĐTĐ2 nói riêng và bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ tim mạch nói chung. Tuy nhiên, cần chú ý lượng tinh bột cho phù hợp với tình trạng kiểm soát đường huyết cụ thể của bạn.
VN_GM_DIA_155
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.