Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Ăn chay đang là một xu hướng nhận được nhiều sự quan tâm và được xem là có lợi cho sức khỏe. Mặc dù vậy, ăn chay vẫn có một số nhược điểm trên người bình thường nói chung và bệnh nhân đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ2) nói riêng. Bạn vẫn có thể áp dụng chế độ ăn này cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, nhưng cần chú ý một số điểm nhất định. Tìm hiểu chế độ ăn chay trong đái tháo đường type 2 nhé !
Ăn chay là hình thức thực hành ăn uống chủ yếu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, do đó kiêng ăn một phần hay hoàn toàn nguyên liệu động vật hoặc các sản phẩm phụ có nguồn gốc động vật. Các nguyên liệu hay được sử dụng nhất là đậu và các sản phẩm từ cây họ đậu (như đậu khuôn), quả kiên, hạt khô, ngũ cốc, rau quả.
Ăn chay được phân loại thành nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc quy định về loại thực phẩm được phép sử dụng (Hình 1) [1].
Người thuần chay (vegan) hoàn toàn không sử dụng bất kỳ thực phẩm nào từ động vật, kể cả sữa, mật ong và trứng. Đây là hình thức ăn chay nghiêm ngặt nhất.
Người ăn chay một phần (vegeterian) chủ yếu kiêng thịt đỏ, thịt gia cầm và cũng thường không ăn hải sản. Nhóm này được phân loại nhỏ hơn thành ăn chay có trứng (ovo-vegetarian) là có thể ăn trứng nhưng không sử dụng sản phẩm từ sữa; ngược lại ăn chay có sữa (lacto-vegetarian) là có thể dùng sữa hay các sản phẩm từ sữa nhưng không ăn trứng; và ăn chay có cả sữa và trứng (lacto-ovo vegetarian) là được phép dùng cả hai loại này.
Người chỉ kiêng thịt đỏ và thịt gia cầm, chủ yếu ăn hải sản thuộc loại pescetarian. Tương tự như vegetarian, nhóm này cũng được phân loại nhỏ hơn thành ovo-pescetarian, lacto-pescetarin và lacto-ovo-pesceratin tùy thuộc họ có muốn sử dụng trứng và sữa hay các sản phẩm từ sữa hay không.
Với một kiểu khác là pollotarian, thực đơn ăn chay của bạn chỉ đơn giản là hạn chế ăn thịt đỏ, sữa và cá; nhưng bạn lại được sử dụng các loại thịt gia cầm. Pollo-pescetarian là sự kết hợp của hai thể loại nói trên, bạn được phép dùng gia cầm và cá, nhưng không ăn thịt đỏ. Flexitarian hay semi-vegetarian diet (ăn chay bán phần) là một chế độ ăn hướng về đồ chay nhưng vẫn được phép sử dụng thịt thi thoảng và từ từ cắt giảm dần để đạt được mục đích cuối cùng là thuần chay. Người áp dụng fruitarian chỉ ăn trái cây mà không dùng rau củ khác.
Hình 1: Các kiểu ăn chay [1]
Một nghiên cứu năm 2014 trên bệnh nhân ĐTĐ2 cho thấy ăn chay làm giảm HbA1C (chỉ số phản ánh đường huyết trung bình trong vòng ba tháng gần đây của bạn) [2]. Ngoài ra, ở những người chưa mắc ĐTĐ2, ăn nhiều thực phẩm từ thực vật và hạn chế sản phẩm nguồn gốc động vật làm cải thiện hiện tượng đề kháng insulin, nhờ đó giảm nguy cơ mắc tiền Đái tháo đường hay ĐTĐ2 trong tương lai (Hình 2) [3, 4].
Hình 2: Ăn chay có khả năng cải thiện kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân ĐTĐ2 [4]
Tuy nhiên, ăn chay có một nhược điểm là không cung cấp đủ vi chất, đặc biệt là vitamin và vi lượng như B12, calci, sắt và kẽm bởi vì những chất dinh dưỡng này thường chỉ có nhiều trong thịt động vật.
Đặc biệt, vitamin B12 gần như chỉ có tự nhiên trong thịt, do vậy người ăn chay trường nên được biết và có thái độ cảnh giác về nguy cơ thiếu vitamin B12. Thiếu B12 có thể gây thiếu máu và dẫn đến các triệu chứng như yếu cơ, tê tay chân. Phụ nữ có thai càng cần cẩn trọng hơn vì B12 từ mẹ là nguồn nguyên liệu cần thiết để trẻ phát triển hệ thần kinh trong những tháng đầu của thai kỳ.
Trẻ em cũng là đối tượng cần chú ý khi ăn chay bởi vì trẻ nhỏ cần rất nhiều khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển tâm thần, thể chất. Một trong những loại acid béo cần để não phát triển là DHA, vốn chỉ chủ yếu trong cá. Tương tự vậy, những người theo chế độ thuần chay hay chỉ ăn trứng mà không sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa có nguy cơ thiếu calci, lâu ngày khả năng dẫn đến loãng xương.
Một số bệnh nhân ĐTĐ2 lại sử dụng các nhóm chất dinh dưỡng chưa hợp lý, đặc biệt là sử dụng nhiều ngũ cốc, đậu làm thành phần chính trong bữa ăn thay cho chất đạm, như vậy làm mất cân đối tỉ trọng phân bố dinh dưỡng và khả năng dẫn đến đường huyết tăng cao.
Vì vậy, nếu bạn muốn áp dụng ăn chay khi đang mắc ĐTĐ2, hãy chú ý một vài điểm cơ bản sau đây [5]:
- Đạm: nên chọn các sản phẩm từ đậu nành (đậu khuôn, đậu nành luộc) hoặc cây họ đậu khác, hạt khô, trứng (nếu lựa chọn ăn chay có trứng) và một số loại ngũ cốc giàu đạm như hạt quinoa, hạt dền, lúa mì.
- Sắt: trứng, sản phẩm từ đậu nành, trái cây khô như mơ, mận, hạt khô, các loại đậu là lựa chọn thích hợp. Ngoài ra, gần đây những sản phẩm ngũ cốc đóng gói cũng có thể được bổ sung thêm sắt, phù hợp cho người ăn chay trường.
- Calci: có nhiều trong sữa và một số sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua, hạt hạnh nhân, vừng, các loại rau lá xanh đậm như cải búp, cải chíp hay rau chân vịt. Giống như sắt, ngày nay calci có thể được bổ sung vào những loại ngũ cốc hay đồ uống khác để giúp đảm bảo nhu cầu hàng ngày nếu như bạn không thể nhập đủ từ thực phẩm thông thường.
- Kẽm: hàm lượng cao trong đậu nành, sữa đậu nành, trứng, sữa, phô mai, quả kiên, hạt khô, nấm, các loại đậu khác, sản phẩm thay thế thịt (món chay giả thịt) và ngũ cốc được bổ sung kẽm. Nếu bạn thường chế biến các món chay khác nhau với nguyên liệu từ đậu nành thì khả năng bạn được cung cấp tương đối đầy đủ kẽm.
- Vitamin B12: lượng B12 trong thực vật tương đối ít, do đó một số loại ngũ cốc hay thịt chay phải bổ sung thêm B12. Một lựa chọn khác là dùng thực phẩm chức năng bổ sung B12 và các loại vitamin nói chung, điều này có thể giúp đảm bảo đồng thời nhu cầu nhiều loại vitamin khác nhau cho bạn.
- Vitamin B2: một vitamin nhóm B khác là B2 cũng có thể bị thiếu khi bạn không còn sử dụng thịt, cá. Bù lại, sữa bò, sữa đậu nành, sữa chua, nấm, hạnh nhân, ngũ cốc bổ sung B2 là lựa chọn thay thế phù hợp.
- Acid béo omega-3: như đã trình bày ở trên, các acid béo tốt cho tim mạch thường có nhiều trong cá, đặc biệt là các loại cá nước lạnh như cá hồi, cá trích, cá ngừ. Vì vậy, khi bạn áp dụng chế độ ăn chay, khả năng cao bạn dễ bị thiếu những chất này. Một số loại dầu thực vật từ hạt cải, hạt lanh hay quả óc chó, đậu nành cũng chứa acid béo omega-3 nhưng thường chúng ta khó dùng quá nhiều chất béo trong bữa ăn hàng ngày. Do đó bạn có thể cân nhắc dùng thực phẩm chức năng bổ sung omega-3, đặc biệt là acid linolenic.
Tóm lại, bệnh nhân ĐTĐ2 có thể ăn chay nhưng cần chú ý kiểm soát lượng tinh bột nhập vào và cân nhắc bổ sung thêm các vitamin, khoáng chất cần thiết vốn thường bị thiếu trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Nếu muốn thay đổi từ ăn mặn sang ăn chay, bạn nên tham vấn ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có một chế độ ăn cho bệnh đái tháo đường một cách phù hợp khẩu vị và đảm bảo đủ chất.
VN_GM_DIA_156
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.