Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Bạn đã thực sự biết tầm quan trọng và cách nhận biết hạ đường huyết chưa ? Hạ đường huyết là một trong những tác dụng phụ do điều trị không hiếm gặp và đáng quan tâm ở bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) bởi vì biến cố này có thể gây nguy hiểm, ví dụ như dẫn đến nhồi máu cơ tim, hay tạo sự lo lắng tác dụng phụ cho bệnh nhân và gián tiếp làm giảm mức độ tuân thủ điều trị.
Nguyên nhân hạ đường huyết trên bệnh nhân ĐTĐ thuộc về ba nhóm chính: do tác động quá mức của thuốc điều trị, do thay đổi chế độ ăn dẫn đến không đủ tinh bột trong khẩu phần, do hoạt động thể lực cường độ cao, hoặc kết hợp nhiều yếu tố nêu trên (Hình 1) [1].
Insulin là thuốc điều trị Đái tháo đường với hoạt lực mạnh nhất, có thể được chỉ định ở cả Đái tháo đường típ 1 (ĐTĐ1) lẫn Đái tháo đường típ 2 (ĐTĐ2). Do khả năng làm giảm đường huyết mạnh, nguy cơ gây giảm quá mức dẫn đến hạ đường huyết của insulin cũng cao hơn các thuốc khác.
Lý do trực tiếp đến được ghi nhận ở bệnh nhân hạ đường huyết do insulin thường là tiêm sai liều do không chú ý, tiêm sai loại so với chỉ định của bác sĩ, hoặc tiêm trúng vào cơ thay vì tiêm dưới da, làm cho insulin phóng thích vào máu nhanh hơn dự định. Bác sĩ có thể cải thiện một số điểm trong điều trị nhằm giảm thiểu nguy cơ này cho bạn, ví dụ kê đơn các loại insulin thế hệ mới với nguy cơ hạ đường huyết thấp hơn, cho bạn sử dụng bút tiêm tiện lợi thay vì kim tiêm và lọ thuốc, hoặc gắn bơm insulin tự động có thể điều chỉnh lượng insulin bơm vào cơ thể tùy thuộc mức đường huyết. Một số thuốc điều trị ĐTĐ2 cũng có nguy cơ gây hạ đường huyết.
Ngoài ra, nếu bạn có nhiều bệnh đồng mắc, một số thuốc điều trị những bệnh khác có thể tương tác, làm tăng hiệu lực của thuốc điều trị ĐTĐ2 dẫn đến hạ đường huyết. Liên quan chế độ ăn, bạn có thể bị hạ đường huyết nếu như bỏ bữa, ăn ít hơn thông thường, ăn trễ hơn thường ngày trong khi vẫn dùng thuốc vào khung giờ như cũ. Uống rượu nhiều cũng thường được ghi nhận có ảnh hưởng đến biến cố hạ đường huyết, bởi vì bản thân rượu kích thích tụy tăng tiết hormon insulin, ức chế gan giải phóng đường vào máu, và khi nhậu say, bạn có xu hướng ăn ít hơn, cả ba yếu tố này đều góp phần gây hạ đường huyết [2].
Tập luyện với cường độ quá nặng mà không cung cấp đủ tinh bột làm bạn có nguy cơ hạ đường huyết bởi vì hoạt động thể lực buộc cơ thể phải tăng tiêu thụ đường, nhất là sử dụng cho cơ bắp, vì vậy giảm nồng độ đường trong máu. Bên cạnh đó, một số lý do khác như kèm mắc bệnh gan, bệnh thận mạn đôi khi cũng làm bạn dễ bị hạ đường huyết hơn.
Hình 1: Các nguyên nhân chính gây hạ đường huyết [1]
Bản thân tình trạng hạ đường huyết có thể dễ dàng điều chỉnh bằng cách bổ sung đường cho cơ thể, tuy nhiên một số hậu quả để lại đôi khi ở mức nghiêm trọng. Tế bào não cần đường để hoạt động, do đó khi hạ đường huyết quá thấp và đủ lâu, các tế bào não chết dần, gây rối loạn chức năng thần kinh, ví dụ như co giật, hôn mê và hiếm gặp hơn, có thể tử vong. Nếu may mắn hồi phục sau nhiều cơn hạ đường huyết, bạn vẫn có nguy cơ sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ về sau. Hệ cơ quan trọng yếu thứ hai bị ảnh hưởng là tim mạch.
Khi bạn bị hạ đường huyết, cơ thể cố gắng tiết ra nhiều hormone và tín hiệu thần kinh nhằm cố gắng nâng đường huyết lên, tuy nhiên những nỗ lực này đôi khi trở thành gánh nặng, gây áp lực cho tim nếu như bạn đã sẵn có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Một trong những hậu quả đi sau hạ đường huyết và có tỉ lệ tử vong hay di chứng cao là nhồi máu cơ tim. Về khía cạnh xã hội, hạ đường huyết có thể nguy hiểm đối với một số ngành nghề nhất định như điều khiển phương tiện giao thông công cộng (lái xe, lái tàu, phi công) hay công nhân trực tiếp vận hành máy móc trong các nhà xưởng.
Quan trọng hơn, nếu bạn mắc ĐTĐ thời gian dài hoặc đã từng bị hạ đường huyết nhiều lần trong quá khứ thì tim và não dần trở nên mất phản xạ cảnh báo. Lúc này, bạn không thấy rõ triệu chứng khi đường huyết dần xuống thấp, dẫn đến không kịp thời bổ sung đường cho cơ thể và vì vậy có thể dẫn đến biến chứng nặng nề hơn người có biểu hiện triệu chứng rõ.
Hạ đường huyết là một biến cố luôn được bác sĩ cảnh báo nếu bạn đang theo dõi và điều trị Đái tháo đường. Thông thường, bạn được hướng dẫn cách tự nhận biết và xử trí hạ đường huyết, bởi vì đa phần các cơn hạ đường huyết xảy ra ở nhà hoặc vào buổi đêm, không kịp nhờ sự trợ giúp của nhân viên y tế. Vì vậy, tự xử trí đúng cách sẽ giúp bạn vượt qua và hồi phục.
Như đã đề cập ở trên, phản ứng của mỗi người khi đường huyết xuống thấp là khác nhau, tuy nhiên có một số điểm chung mà bạn nên tự ghi nhớ hoặc nhờ cả người thân ghi nhớ để có thể trợ giúp bạn kịp thời. Run tay, vã mồ hôi nhiều ở lòng bàn tay hay trán, cảm giác đói cồn cào là một số triệu chứng hay gặp và xuất hiện sớm khi đường huyết bắt đầu hạ. Nhịp tim của bạn có thể tăng lên, tạo cảm giác đánh trống ngực. Nếu đường huyết xuống thấp hơn nữa, bạn dần cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, nhìn mờ, khó tập trung, kém tỉnh táo bởi vì lúc này não đang thiếu năng lượng. Nếu hạ đường huyết xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ, thay đổi hoạt động não có thể gây ác mộng. Hạ đường huyết ở mức độ nặng nhất khi gây co giật và hôn mê.
Hình 2: Triệu chứng hạ đường huyết [1]
Khi xuất hiện một trong nhiều triệu chứng nêu trên, bạn nên kiểm tra đường huyết bằng máy thử đường huyết mao mạch cá nhân. Đường huyết <70 mg/dl (3.9 mmol/l) là con số để chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng nổi bật và không có điều kiện thử đường huyết ngay, bạn hãy áp dụng nhanh chóng các biện pháp xử trí mà không cần chờ kết quả đo đường huyết.
Để dễ nhớ, bác sĩ thường dặn bạn nguyên tắc 15-15, nghĩa là ăn/uống 15g đường hấp thu nhanh, chờ 15 phút, đo lại đường huyết và lặp lại các bước trên nếu đường huyết vẫn chưa lên trên 70 mg/dl (Hình 3) [3]. Để dễ hình dung, 15g đường hấp thu nhanh tương đương nửa ly nước trái cây, nửa lon nước ngọt (loại có đường bình thường, không phải loại dành cho người ĐTĐ hay ăn kiêng), 3 viên đường, 3-5 viên kẹo, hoặc một muỗng canh mật ong. Nếu không có sẵn các lựa chọn này, bạn có thể tự pha ba muỗng cà phê hoặc một muỗng canh đường vào 100-120 ml nước rồi uống (Hình 4) [4].
Sau khi giảm triệu chứng, nên ăn thêm các phần ăn với đường hấp thu chậm để giúp phòng ngừa hạ đường huyết tái phát. Bạn có thể lựa chọn một trong các hình thức sau đây: một lát sandwich, ba miếng bánh quy, một ly sữa hoặc một phần trái cây (ví dụ một trái chuối) (Hình 5) [4]. Khi đã hoàn toàn ổn định, nên thông báo cho bác sĩ nhằm trao đổi, xác định nguyên nhân cụ thể, từ đó có cách điều chỉnh phù hợp để giảm khả năng bị hạ đường huyết trong tương lai.
Hình 3: Nguyên tắc 15-15 trong xử trí hạ đường huyết
Tóm lại, hạ đường huyết là một biến cố có thể gặp trong quá trình điều trị ĐTĐ, kể cả ĐTĐ típ 1 lẫn típ 2, xảy ra do sự phối hợp của nhiều yếu tố nguy cơ như thuốc điều trị, chế độ ăn và hoạt động thể lực. Hạ đường huyết gây nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng mức độ tuân trị và chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị, phòng ngừa. Bệnh nhân Đái tháo đường được khuyến khích tự học cách tự nhận biết và xử trí hạ đường huyết để kịp thời khắc phục tình trạng đường huyết thấp khi không có mặt nhân viên y tế.
VN_GM_DIA_157
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.