CƠ CHẾ BỆNH TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

   Nguyên nhân chính xác và cơ chế bệnh tiền đái tháo đường vẫn còn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, tiền sử gia đình và yếu tố di truyền dường như đóng vai trò quan trọng. Ít vận động thể lực và thừa cân, béo phì (đặc biệt béo vùng bụng) cũng được xem là các yếu tố đóng góp chính [1].

Dù do nguyên nhân nào, điều rõ ràng được nhận thấy là ở người tiền đái tháo đường, cơ thể không xử lý, chuyển hóa được glucose một cách không phù hợp như bình thường. Kết quả là glucose tích tụ lại trong máu thay vì đi vào tế bào để cơ thể đốt lấy năng lượng, làm cho đường huyết tăng vượt ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, đường huyết lúc này vẫn chưa đủ cao đến mức để chẩn đoán đái tháo đường, do đó tình trạng này được gọi là tiền đái tháo đường, nghĩa là một giai đoạn trung gian đi trước đái tháo đường.

Những cơ chế bệnh tiền đái tháo đường

    Hầu hết glucose trong cơ thể đến từ thức ăn. Một số lượng ít hơn do gan dự trữ và phóng thích ra khi cần. Khi ăn vào, thức ăn được đưa xuống dạ dày rồi ruột để được phân cắt nhỏ ra và hấp thu vào máu. Tuy nhiên, sau khi đã ở trong dòng máu, nếu muốn tiếp tục đưa glucose từ máu vào tế bào thì cơ thể cần đến một hormone gọi là insulin. Insulin do một tuyến nội tiết trong cơ thể gọi là tuyến tụy sản xuất ra khi bắt đầu ăn uống và glucose đi từ ruột vào máu. Insulin đưa glucose từ máu vào tế bào để tế bào sử dụng, làm cho đường huyết thấp xuống.

Khi bị tiền đái tháo đường, vì một lý do nào đó chưa rõ, quá trình sinh lý ở trên không hoạt động đúng mức. Cụ thể hơn, tuyến tụy có thể sản xuất không đủ insulin như bình thường hoặc vẫn sản xuất được insulin nhưng insulin không hoạt động như mong đợi. Dù cơ chế là gì, hậu quả đều là glucose không di chuyển vào tế bào được và làm cho đường huyết tăng, có thể dưới dạng rối loạn đường huyết đói hoặc rối loạn dung nạp glucose.

Giảm tiết insulin

    Cơ chế đầu tiên là giảm tiết insulin. Tuyến tụy lúc này không sản xuất đủ nồng độ insulin. Mặc dù không đến mức như trong đái tháo đường típ 1, khi cơ thể gần như hoàn toàn cạn kiệt insulin vì tế bào tụy bị phá hủy nhưng trong tiền đái tháo đường, tụy vẫn giảm tiết insulin ít nhiều (Hình 1) [2].

Các nghiên cứu nhận thấy, người rối loạn đường huyết đói giảm tiết insulin sớm sau ăn, trong khi người rối loạn dung nạp glucose có thể giảm tiết kéo dài muộn hơn sau đó, làm cho đường huyết sau bữa ăn vẫn duy trì mức cao trong thời gian dài hơn bình thường thay vì hạ xuống quay trở lại mức thấp như trước khi ăn [3-6].

Gluconeogenic Enzymes in β-Cells: Pharmacological Targets for ...

Hình 1: Sự giảm tiết insulin ở người tiền đái tháo đường và đái tháo đường [2]

Đề kháng Insulin

    Cơ chế thứ hai, như đề cập ở trên, là khi insulin vẫn được tiết ra đầy đủ nhưng không thể hoạt động đúng mức vì tế bào ở các vị trí như cơ, gan và mô mỡ không đáp ứng với insulin. Hiện tượng này được gọi là đề kháng insulin. Mức độ đề kháng insulin ở người tiền đái tháo đường không hoàn toàn giống nhau giữa các nơi này.

Cụ thể, người rối loạn dung nạp glucose biểu hiện đề kháng insulin rõ ở cơ, trong khi người rối loạn đường huyết đói thường đề kháng insulin tại gan mạnh hơn. Và vị trí còn lại, mô mỡ, đều gặp hiện tượng nói trên ở cả hai dạng tiền đái tháo đường. Những quá trình bất thường nói trên đưa đến các đặc trưng khác nhau về diễn tiến đường huyết của hai dạng này.

Người rối loạn đường huyết đói có mức đường huyết nền trước ăn đã cao hơn ngưỡng bình thường nhưng sau ăn vẫn hạ xuống được, trong khi ở người rối loạn dung nạp glucose, đường huyết tăng một cách liên tục và không giảm được về mức bình thường sau 2-3 giờ.

Nguy cơ mắc tiền đái tháo đường

    Mặc dù nguyên nhân chính xác gây tiền đái tháo đường vẫn còn đang được nghiên cứu, một số yếu tố nguy cơ đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc tiền đái tháo đường. Đây cũng trùng hợp chính là những yếu tố nguy cơ của đái tháo đường típ 2, bởi vì bản chất của hai dạng bệnh lý này gần như nhau, chỉ khác về mức độ nặng nhẹ của rối loạn [1]. Thừa cân, béo phì là một trong các yếu tố chính và quan trọng. Ở những người có càng nhiều mô mỡ, đặc biệt là mỡ vùng bụng, thì mức độ đề kháng insulin càng cao.

Kiểm soát cân nặng

Do vậy, đôi khi cân nặng hoặc chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) không cao nhưng vòng eo hay tỉ số eo/hông hay tỉ số eo/chiều cao lớn thì đều là chỉ dấu báo hiệu có khả năng bị đề kháng insulin. Chế độ dinh dưỡng cũng có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến việc xuất hiện bệnh lý, trong đó có tiền đái tháo đường.

Cụ thể, ăn nhiều thịt đỏ (heo, bò), thịt đã qua chế biến, đồ hộp, uống nước ngọt làm tăng nguy cơ tiền đái tháo đường. Ngược lại, ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt khô và sử dụng dầu olive làm giảm khả năng mắc tiền đái tháo đường.

Mức độ hoạt động thể lực là một yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong diễn tiến tiền đái tháo đường. Người càng ít vận động trong ngày thì nguy cơ tiền đái tháo đường càng tăng. Hoạt động thể lực giúp cơ thể tiêu đốt năng lượng, kiểm soát cân nặng tốt hơn, đồng thời khi cơ hoạt động, cơ sẽ sử dụng insulin hiệu quả hơn, dẫn đến glucose được đưa vào tế bào sử dụng triệt để, từ đó giảm được đường huyết. Tuổi là một yếu tố nguy cơ rõ ràng của tiền đái tháo đường và đái tháo đường.

Độ tuổi nên tầm soát tiền đái tháo đường

Trước đây, 45 tuổi được xem là ngưỡng bắt đầu nên tầm soát tiền đái tháo đường và đái tháo đường típ 2 vì tỉ lệ mắc tăng cao sau độ tuổi này. Tuy nhiên, có nghiên cứu cho thấy sau 35 tuổi, cơ thể bạn đã bắt đầu tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, do vậy hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) năm 2022 đề cập rằng 35 tuổi là độ tuổi thích hợp để bắt đầu tầm soát cho dân số [7, 8].

Các nhà khoa học chưa rõ cụ thể vì sao, nhưng người châu Á là một trong các sắc tộc có nguy cơ tiền đái tháo đường cao, có thể vì mang hệ gene di truyền nhạy cảm hoặc liên quan chế độ dinh dưỡng gần tương tự nhau giữa các quốc gia. Nếu người có tiền sử gia đình với quan hệ gần, cụ thể là bố mẹ hay anh chị em ruột, mắc tiền đái tháo đường, có khả năng mắc cao hơn bình thường. Riêng đối với phụ nữ, hội chứng buồng trứng đa nang hay tiền sử từng bị đái tháo đường thai kỳ trước đây là những dấu hiệu gợi ý tăng khả năng mắc tiền đái tháo đường về sau. Người bị rối loạn giấc ngủ kéo dài và hút thuốc là cái đối tượng khác cũng thường bị đề kháng insulin.

    Mặc dù chưa rõ về mối quan hệ nhân quả, yếu tố nào xuất hiện trước, xuất hiện sau hay xuất hiện đồng thời nhưng các nghiên cứu nhận thấy, tình trạng tiền đái tháo đường thường đi kèm với tăng huyết áp và rối loạn lipid máu, cụ thể là giảm một loại lipid tốt gọi là high-density lipoprotein-cholesterol (HDL-C) và tăng triglyceride máu. Nếu có thêm cả béo phì, các yếu tố này hợp thành một thể lâm sàng gọi là hội chứng chuyển hóa.

    Tóm lại, cơ chế bệnh sinh của tiền đái tháo đường vẫn còn đang được tìm hiểu thêm nhưng liên quan chủ yếu đến hai hiện tượng là giảm tiết insulin và đề kháng insulin. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố nguy cơ đã được chứng minh là làm tăng khả năng mắc tiền đái tháo đường.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/prediabetes/symptoms-causes/syc-20355278
  2.  Francisco Westermier, Todd Holyoak (2019). Gluconeogenic Enzymes in β-Cells: Pharmacological Targets for Improving Insulin Secretion. Trends Endocrinol Metab, 30(8):520-531
  3.  Mustafa Kanat, Luke Norton (2011). Impaired Early- But Not Late-Phase Insulin Secretion in Subjects With Impaired Fasting Glucose. Acta Diabetol, 48(3):209-217.
  4.  Meyer C, Pimenta W, et al (2006). Different mechanisms for impaired fasting glucose and impaired postprandial glucose tolerance in humans. Diabetes Care, 29:1909–1914.
  5.  van Haeften TW, Pimenta W, et al (2002). Disturbances in beta-cell function in impaired fasting glycemia. Diabetes, 51(Suppl 1):S265–S270.
  6.  Pimenta WP, Santos ML, et al (2002). Brazilian individuals with impaired glucose tolerance are characterized by impaired insulin secretion. Diabetes Metab, 28:468–476
  7.  American Diabetes Association. Standards of Medical Care in Diabetes – 2022. Diabetes Care. 2022 Jan;45(Suppl 1)
  8.  Chung S, Azar KM, Baek M, Lauderdale DS, Palaniappan LP. Reconsidering the age thresholds for type II diabetes screening in the U.S. AmJ PrevMed 2014;47:375–381

VN_GM_PRE-DIA_235

EXP: 31/12/2023

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1753
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3044
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1700