NHẬN BIẾT CÁC DẤU HIỆU HẠ ĐƯỜNG HUYẾT QUÁ MỨC

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Hạ đường huyết xảy ra khi nồng độ glucose trong máu giảm thấp dưới ngưỡng bình thường. Glucose là nguồn năng lượng chính của cơ thể. Glucose giúp tế bào, mô và cơ quan hoạt động bình thường. Khi đường huyết giảm, mỗi cơ quan có cách phản ứng khác nhau. Điều này tạo nên nhiều triệu chứng đa dạng. 

Hyperglycemia Vectors & Illustrations for Free Download | Freepik
Hình 1: Ba trạng thái của đường huyết: tăng, hạ và bình thường

Tại sao bị hạ đường huyết?

Có hai nhóm nguyên nhân chính gây hạ đường huyết. Thứ nhất, do một số bệnh lý hay thuốc nhất định. Những nguyên nhân này làm giảm dự trữ đường hoặc kích thích cơ thể tiết quá nhiều insulin. Đây là hormone đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa đường huyết. Tuy nhiên, nhóm bệnh lý này không thường gặp. Nhóm thứ hai, phổ biến hơn, là tác dụng phụ của thuốc điều trị đái tháo đường. Bệnh nhân đái tháo đường vốn có đường huyết cao hơn ngưỡng bình thường. Do vậy, bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc nhằm làm giảm đường huyết xuống mức mong muốn. Tuy nhiên, trong một vài tình huống nhất định, thuốc có thể tác dụng mạnh hơn dự kiến. Điều này dẫn đến hạ đường huyết. Bài viết này tập trung vào trường hợp hạ đường huyết do thuốc ở bệnh nhân đái tháo đường.

Tại sao phải quan tâm đến hạ đường huyết?

Hạ đường huyết để lại nhiều hậu quả nặng nề nếu không được xử trí kịp thời. Trong trường hợp nặng, thậm chí có thể gây tử vong. Hạ đường huyết ở người lớn tuổi là nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ [1]. Ngoài ra, hạ đường huyết nếu xảy ra lúc đang làm việc có thể để lại nhiều hậu quả về mặt xã hội. Một vài ví dụ là gây tai nạn, chấn thương, té ngã. Dù cho vượt qua được, hạ đường huyết thường để lại nỗi sợ cho bệnh nhân mỗi khi dùng thuốc điều trị đái tháo đường. Không những vậy, đây cũng là điểm quan ngại của cả bác sĩ. Biến cố này làm giới hạn việc sử dụng thuốc. Hạ đường huyết được xem là một trong những nguyên nhân chính của kém tuân thủ điều trị. Nhìn chung, hạ đường huyết dẫn đến kém kiểm soát tình trạng bệnh.

Đường huyết thấp dưới bao nhiêu thì bắt đầu có triệu chứng?

Thông thường nồng độ glucose máu <70 mg/dl (3.9 mmol/l) thì được gọi là hạ đường huyết mức độ 1. Đây là ngưỡng mà một số người bắt đầu có triệu chứng. Nếu glucose máu <54 mg/dl (3.0 mmol/l) thì được gọi là hạ đường huyết mức độ 2. Hạ đường huyết mức độ 3 là khi có các triệu chứng nặng, bất kể kết quả đường huyết đo được [2].

Triệu chứng của hạ đường huyết là gì?

Như đã đề cập, insulin là hormone chính giúp làm giảm đường huyết. Khi nồng độ glucose máu <90 mg/dl, cơ thể ra tín hiệu để tụy không tiết insulin thêm nữa. Giai đoạn này hoàn toàn yên lặng, không có triệu chứng. Khi đường huyết giảm còn <70 mg/dl (mức 1), cơ thể lập tức có phản ứng bù trừ. Cụ thể, nhiều loại hormone đối kháng insulin được tiết ra để cố gắng kéo đường huyết lên. Chúng bao gồm adrenalin, glucagon và cortisol. Những triệu chứng ở giai đoạn này là do adrenalin gây nên. Bản thân chúng không gây nguy hiểm, nhưng là dấu hiệu cảnh báo để bạn biết rằng cần phải bổ sung đường. Hạ đường huyết mức 1 thường biểu hiện ở hệ thần kinh tự chủ, ví dụ như cảm giác đói, thèm ăn, run tay, đổ mồ hôi hoặc đánh trống ngực. Khi đường huyết giảm thấp xuống còn <54 mg/dl (mức 2), nhiều cơ quan trong cơ thể sẽ bị thiếu glucose. Trong đó, não là cơ quan nhạy cảm nhất. Lý do là vì não luôn cần glucose để hoạt động liên tục. Những triệu chứng ở giai đoạn này liên quan đến sự thiếu glucose ở não. Chúng bao gồm chóng mặt, choáng váng, hoa mắt, nhìn mờ, dễ kích động, nhức đầu, buồn nôn. Nếu tiếp tục không được xử trí kịp thời, hạ đường huyết sâu có thể dẫn đến những triệu chứng nghiêm trọng hơn. Bệnh nhân có thể lú lẫn, gà gật, hôn mê, khó nói, khó phối hợp động tsac hoặc rối loạn nhịp tim. Mức độ nặng nhất của hạ đường huyết là hôn mê và tử vong (Hình 2) [3]. Như vậy, các triệu chứng của hạ đường huyết quá mức thường điển hình, dễ nhận ra. Các triệu chứng này tương ứng với nồng độ glucose máu và mang tính cảnh báo, giúp người bệnh phát hiện sớm để kịp thời có động thái xử trí.  

Hình 2: Mức đường huyết và triệu chứng tương ứng [3]

Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường lâu năm có gì cần chú ý?

Những dấu hiệu kể trên là điển hình của hạ đường huyết do tác dụng phụ của thuốc điều trị. Tuy nhiên, người đái tháo đường lâu năm có một sự khác biệt cần lưu ý. Khi thời gian đái tháo đường kéo dài, bệnh nhân mang khả năng mắc biến chứng nhiều hơn, trong đó có biến chứng thần kinh do đái tháo đường. Biến chứng này làm tổn thương các dây thần kinh trong cơ thể. Vì vậy, khi đường huyết <70 mg/dl, đôi khi bạn không cảm nhận được các triệu chứng cảnh báo như run tay, đổ mồ hôi, đánh trống ngực nữa. Hiện tượng này làm cho hạ đường huyết tiếp tục diễn ra mà không được xử trí kịp thời, gây nguy hiểm cho người bệnh. 

    Điều này càng rõ rệt hơn nếu người bệnh có tiền sử bị hạ đường huyết tái diễn nhiều lần. Lúc này không chỉ triệu chứng thần kinh tự chủ mà cả các biểu hiện của não cũng dần biến mất. Nói cách khác, bệnh nhân có thể giảm glucose máu rất thấp mà gần như không cảm thấy triệu chứng gì. Mặc dù vậy, đường huyết thấp nghĩa là tế bào não đang chết dần. Tình huống này gọi là hạ đường huyết không nhận biết.

Làm cách nào để hạn chế hạ đường huyết không nhận biết?

Hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA) 2022 cho rằng ở những người bị mất đáp ứng hạ đường huyết hoặc hạ đường huyết tái diễn nhiều lần, mức độ glucose máu <70 mg/dl được coi là có ý nghĩa lâm sàng [2]. Nói cách khác, ở những đối tượng này, chỉ cần glucose thấp như trên (bất kể triệu chứng) đã yêu cầu phải quan tâm xử trí tích cực để hạn chế biến chứng nặng. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự theo dõi đường huyết. Theo dõi đường huyết càng có ý nghĩa ở người đang sử dụng thuốc với nguy cơ hạ đường huyết cao như insulin hay sulfonylurea.

Hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là gì?

Đây là tình huống ít phổ biến nhưng vẫn có thể gặp ở trẻ sinh ra từ mẹ bị đái tháo đường. Khi mẹ mang thai mà không kiểm soát tốt đường huyết, glucose đi qua nhau thai với nồng độ cao. Cơ thể trẻ cố gắng tiết ra insulin để kiểm soát lượng đường này. Khi còn trong bụng mẹ, trẻ không bị hạ đường huyết vì insulin cân bằng với lượng đường mà mẹ truyền sang. Khi vừa sinh ra, insulin của trẻ vẫn tiếp tục được tiết. Trong khi đó, nguồn glucose từ mẹ bị cắt đứt. Lúc này trẻ có nguy cơ hạ đường huyết sơ sinh.

Triệu chứng hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh là gì?

Trẻ mới sinh có đáp ứng hoàn toàn khác với người lớn khi bị hạ đường huyết. Do vậy, bố mẹ hoặc người nhà cần quan tâm nhận biết, đặc biệt nếu đã biết mẹ bị đái tháo đường từ trước. Một số biểu hiện bao gồm: bú kém, dễ nôn trớ, khó thở, ngưng thở, hay quấy khóc, kích động, người tím tái, run hoặc co giật, ngủ lịm và hạ thân nhiệt (Hình 3) [4]. Tuy nhiên những dấu hiệu này còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác. Do vậy, một khi phát hiện trẻ có ít nhất một trong các triệu chứng kể trên, cần báo với bác sĩ để được thăm khám và tìm nguyên nhân. Không nên tự ý xử trí khi chưa có sự tham vấn của bác sĩ.

Hình 3: Biểu hiện của hạ đường huyết ở trẻ sơ sinh [4]

Tóm lại, hạ đường huyết để lại nhiều hậu quả về mặt sức khỏe thể chất, tinh thần và xã hội. Hạ đường huyết có một số dấu hiệu cảnh báo giúp người bệnh kịp thời phát hiện và xử trí. Theo dõi đường huyết định kỳ và khi nghi ngờ hạ đường huyết là cách tốt nhất để chẩn đoán xác định.

Tài liệu tham khảo

  1.  Whitmer RA, Karter AJ, Yaffe K, Quesenberry CP Jr, Selby JV. Hypoglycemic episodes and risk of dementia in older patients with type 2 diabetes mellitus. JAMA 2009;301:1565–1572

  2.  American Diabetes Association Professional Practice Committee, Draznin B, Aroda VR, et al. 6. Glycemic Targets: Standards of Medical Care in Diabetes-2022. Diabetes Care. 2022;45(Suppl 1):S83-S96

  3.  Sankar A, Khodai T, McNeilly AD, McCrimmon RJ, Luckman SM. Experimental Models of Impaired Hypoglycaemia-Associated Counter-Regulation. Trends Endocrinol Metab. 2020;31(9):691-703

  4. https://www.verywellhealth.com/neonatal-hypoglycemia-overview-4588755

VN_GM_DIA_297;EXP:30/6/2024

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1593
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2873
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1522