CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Hạ đường huyết có những mức độ nào?    

Ở bệnh nhân đái tháo đường, cần giữ đường huyết trong mục tiêu càng nhiều càng tốt. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm biến chứng đái tháo đường. Tuy nhiên, nếu điều trị tích cực quá mức, bạn sẽ có nguy cơ hạ đường huyết. Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do vậy, nguyên tắc là nếu có triệu chứng nghi ngờ hạ đường huyết, hãy thử đường huyết mao mạch ngón tay ngay lập tức. Kết quả <70 mg/dL (<3.8 mmol/L) được gọi là hạ đường huyết (Hình 1). Nếu bạn không có điều kiện thử nhanh, hãy xử trí như một tình huống hạ đường huyết. Thái độ xử trí tùy thuộc độ nặng của hạ đường huyết.

Hình 1: Các mức độ hạ đường huyết [1]

Xử trí hạ đường huyết nhẹ như thế nào?

Hạ đường huyết mức 1 tương đương đường huyết của bạn từ 54-69 mg/dL (3.0-3.8 mmol/L) [2]. Triệu chứng thường gặp là tim đập nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, đổ mồ hôi. Nguyên tắc xử trí ở giai đoạn này là 15-15: nghĩa là uống 15 g carbohydrate, sau đó 15 phút thử lại đường huyết (Hình 2) [2]. Nếu đường huyết vẫn thấp, lặp lại hai bước như trên cho đến khi nào đường huyết >70 mg/dL (>3.8 mmol/L) trở lại.

Hình 2: Nguyên tắc 15-15 [2]

Lượng đồ ăn/đồ uống tương đương 15 g carbohydrate

Những thực phẩm sau đây chứa hàm lượng carbohydrate tương đương 15 g:

    - 120 ml nước ép hoa quả hoặc nước ngọt

    - 1 muỗng cà phê đường, mật ong, siro

    - 3-4 viên kẹo ngậm, kẹo dẻo, kẹo gum

   - 1 viên glucose: hiện trên thị trường có bán sẵn nhiều loại viên glucose dành cho người bệnh đái tháo đường dùng trong tình huống hạ đường huyết. Mỗi viện được thiết kế đúng 15 g glucose.

    - 1 tube glucose gel: tương tự viên glucose, 1 tube glucose gel cũng được chuẩn hóa, chứa 15 g glucose, dùng để xử trí khi hạ đường huyết.

Một số mẹo ghi nhớ khi xử trí hạ đường huyết

    - Tiến hành xử trí ngay khi đường huyết bắt đầu xuống dưới <70 mg/dL. Không cần chờ theo dõi rồi mới xử trí.

    - Cần một ít thời gian sau khi uống glucose để đường huyết tăng trở lại (15 phút). Do đó bình tĩnh chờ theo nguyên tắc 15-15.

    - Tránh xử trí bằng loại đường chứa nhiều chất xơ (như các loại đậu) hoặc giàu chất béo (chocolate). Chất xơ và chất béo làm chậm hấp thu đường, dẫn đến chậm tăng đường huyết trở lại.

    - Khi đường huyết đã về bình thường, tiếp tục dùng thêm một bữa ăn nhỏ hoặc snack để ngăn ngừa hạ đường huyết tái phát.

    - Báo bác sĩ trong lần tái khám kế tiếp để có kế hoạch điều chỉnh thuốc. Nếu hạ đường huyết nhẹ nhưng tái diễn nhiều lần gần nhau, bạn cũng cần thông báo bác sĩ sớm.

Xử trí hạ đường huyết trung bình-nặng như thế nào?

Hạ đường huyết mức 2 tương đương đường huyết <54 mg/dL (<3.0 mmol/L). Hạ đường huyết mức 3 là khi triệu chứng đủ nặng đến mức bạn không thể tự xử trí được. Hai trường hợp này cần phải tích cực hơn và đôi khi cần trợ giúp của người xung quanh. Một số người bị chóng mặt, run tay quá mức, hoặc không còn đủ tỉnh táo để tự thử đường và uống đường. Do vậy, cần đảm bảo rằng người nhà, bạn bè hoặc đồng nghiệp đã biết trước bệnh đái tháo đường của bạn, biết nhận diện các dấu hiệu khi bạn bị hạ đường huyết và cách giúp đỡ bạn.

    Phương tiện cấp cứu tại nhà trong trường hợp hạ đường huyết nặng (khi không thể uống 15 g glucose) là bút tiêm glucagon. Hiện bút có thể mua được theo toa chỉ định của bác sĩ. Tự học cách sử dụng bút trước. Ngoài ra, đảm bảo người nhà hoặc người xung quanh biết nơi bạn để bút glucagon và cách sử dụng.

    Sau khi tỉnh táo trở lại, hãy ăn hoặc uống một lượng đường hấp thu nhanh như trong tình huống hạ đường huyết nhẹ. Khi đường huyết quay về bình thường, ăn tiếp những thức ăn chứa đường hấp thu chậm (ví dụ bánh quy, phô mai, sandwich) để đề phòng hạ đường huyết tái phát.

    Biến cố hạ đường huyết nặng cần phải báo bác sĩ để điều chỉnh thuốc và/hoặc chế độ ăn, chế độ luyện tập tức thì. Những trường hợp sau đây cần nhập viện cấp cứu:

    - Bất tỉnh mà không có glucagon ở nhà

    - Vẫn còn hôn mê dù đã tiêm glucagon

    - Đường huyết vẫn còn thấp sau 15-20 phút dùng glucagon và/hoặc uống thêm đường.

    Chú ý rằng, giai đoạn 48-72 giờ sau khi hạ đường huyết nặng rất quan trọng. Nếu bạn bị hạ đường huyết thêm trong thời gian này, các triệu chứng sẽ ít rõ ràng hơn. Do vậy, trong vòng 2-3 ngày sau khi hạ đường huyết nặng, nên cảnh giác với triệu chứng và thử đường huyết thường xuyên hơn [3].

    Tóm lại, người bệnh đái tháo đường cần biết cách theo dõi và xử trí hạ đường huyết tại nhà. Điều này giúp bạn hồi phục (với hạ đường huyết nhẹ) hoặc ít nhất có thể cứu bạn khỏi cơn nguy kịch trong thời gian chờ đến bệnh viện (với hạ đường huyết nặng).

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.onetouch.com/about-diabetes/managing-diabetes/why-monitor-blood-glucose
  2.  American Diabetes Association Professional Practice Committee, Draznin B, Aroda VR, et al. 6. Glycemic Targets: Standards of Medical Care in Diabetes-2022. Diabetes Care. 2022;45(Suppl 1):S83-S96
  3.  https://www.cdc.gov/diabetes/basics/low-blood-sugar-treatment.html

VN_GM_DIA_314; EXP: 31/8/202

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1593
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2873
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1522