RỐI LOẠN CHỨC NĂNG TUYẾN GIÁP Ở TRẺ EM

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

     Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết nhỏ nằm ngay trước cổ, có vai trò kiểm soát các quá trình chuyển hoá, phát triển trong cơ thể của trẻ. Ở lứa tuổi này, trẻ có một số nguyên nhân bệnh lý tuyến giáp khác hơn so với người lớn.

      Suy giáp là tình trạng tuyến giáp giảm hoặc không hoạt động hoàn toàn, dẫn đến thiếu hụt hormone giáp trong máu. Suy giáp có thể phát triển từ khi mới sinh ra (suy giáp bẩm sinh) hay tuyến giáp ban đầu bình thường nhưng vì một bệnh lý nào đó gây tổn thương tuyến giáp về sau (suy giáp mắc phải). Hormone giáp tham gia vào quá trình phát triển não bộ từ trong bào thai rồi xuyên suốt giai đoạn trẻ còn nhỏ, do đó suy giáp bẩm sinh là một trong những nguyên nhân chính gây thiểu năng trí tuệSuy giáp bẩm sinh ảnh hưởng đến khoảng 1 trên 4000 trẻ sơ sinh. Hiện nay, tại các bệnh viện sản lớn tại Việt Nam đều có chương trình tầm soát một số bệnh lý bẩm sinh-di truyền cho trẻ ngay từ khi mới sinh, trong đó có suy giáp, với kỹ thuật thực hiện khá đơn giản. Nếu được phát hiện sớm và được bổ sung hormone giáp (levothyroxine) kịp thời, trẻ sẽ phát triển trí tuệ cũng như thể chất tương tự như người bình thường. Ngoài ra, một nguyên nhân khác gây suy giáp có thể phát hiện ở lứa tuổi lớn hơn là viêm giáp Hashimoto. Bệnh lý này xuất hiện ở nữ nhiều hơn nam và đôi khi gặp với tần suất cao hơn nếu trong gia đình của trẻ đã có người mắc bệnh này. Giai đoạn đầu, chức năng tuyến giáp còn bình thường, tuy nhiên bố mẹ cần cho trẻ theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để kịp thời phát hiện suy giáp và điều trị đúng mức. Ngoài ra, bác sĩ có thể khám và thực hiện các xét nghiệm để phát hiện một số bệnh lý thường đi kèm với viêm giáp Hashimoto như đái tháo đường típ 1, viêm gan tự miễn, bệnh Crohn, thiếu máu… 

    Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng hoạt động quá mức, trong đó nguyên nhân thường gặp ở trẻ em là bệnh Graves. Bệnh hay xuất hiện nhất ở trẻ nữ quanh khoảng tuổi dậy thì. Ngoài một số đặc điểm như đánh trống ngực, run tay, đổ mồ hôi, sụt cân, tiêu chảy, trẻ có thể biểu hiện lồi mắt, tuy nhiên ít nặng và rõ như người lớn. Những triệu chứng này ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ, đặc biệt với trẻ đang còn học tập tại trường. Các biện pháp điều trị bao gồm thuốc kháng giáp, phẫu thuật và iod phóng xạ. Thuốc kháng giáp là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất do tính sẵn có, giá cả phù hợp và khả năng đáp ứng lui bệnh cao. Iod phóng xạ ít khi được dùng lúc trẻ còn nhỏ, đặc biệt với trẻ <5 tuổi, do nguy cơ ảnh hưởng đến những cơ quan khác, tuy nhiên bác sĩ vẫn có thể cân nhắc chỉ định ở trẻ lớn hơn nếu như không đáp ứng khi điều trị thử với thuốc kháng giáp. Phẫu thuật cắt tuyến giáp là biện pháp cuối cùng khi tình trạng cường giáp không kiểm soát được hoàn toàn với hai phương tiện nêu trên.

Tài liệu tham khảo

  1. https://thyroid.ca/resource-material/information-on-thyroid-disease/thyroid-disease-in-childhood/

VNMNONE11190067

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1585
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2864
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1515