THỤ TINH NHÂN TẠO CHO MẸ ĐƠN THÂN TRÊN HÀNH TRÌNH “MONG CON”

Bài viết được dẫn nguồn từ website https://mongcon.vn/

Theo sự phát triển của xã hội cùng với khả năng độc lập của người phụ nữ ngày càng cao (cả về cuộc sống và kinh tế), ngày càng nhiều phụ nữ mong muốn được làm mẹ nhưng không muốn lập gia đình. Luật pháp và y học hiện đại có thể giúp được cho các chị em thực hiện mong muốn này bằng cách sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và nguồn tinh trùng hiến tặng, hãy cùng Mong con tìm hiểu nhé!

thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân

Quá trình làm mẹ đơn thân cơ bản trải qua 3 bước:

  1. Người phụ nữ độc thân được đánh giá sức khỏe trước khi quyết định điều trị.
  2. Mẹ đơn thân sẽ vận động tìm người tự nguyện hiến tặng tinh trùng để trao đổi với ngân hàng tinh trùng.
  3. Thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Bước 1. Điều kiện làm mẹ đơn thân (Bộ Y Tế, 2019)

Phải có đủ sức khỏe để thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai, sinh con; không đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền có ảnh hưởng đến tính mạng và sự phát triển của trẻ khi sinh ra; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.

Các chị em sẽ đến trung tâm hỗ trợ sinh sản và được Bác sĩ khai thác về tiền sử bệnh, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra đánh giá nhằm đảm bảo bạn đủ sức khỏe trước khi điều trị (Thông tư 57, Bộ y Tế, 2015):

 

Khám:

  • Khám nội khoa, ngoại khoa;
  • Khám phụ khoa, khám tuyến vú.

 

Xét nghiệm:

  • Đánh giá dự trữ buồng trứng bằng đếm nang noãn thứ cấp hoặc xét nghiệm AMH;
  • Khảo sát hoạt động buồng trứng bằng các xét nghiệm nội tiết, khi cần thiết;
  • Kiểm tra độ thông thương và hoạt động vòi trứng;
  • Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu;
  • Xét nghiệm viêm gan B; giang mai, lao, HIV, Chlamydia;
  • Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bằng HPV, phết tế bào âm đạo;
  • Một số xét nghiệm đặc biệt khác (tùy từng người bệnh): Cytomegalovirus, Anti phospho lipid, chụp vú, xét nghiệm di truyền.

mẹ đơn thân thụ tinh nhân tạo cần chuẩn bị gì

Bước 2. Tìm người hiến tặng tinh trùng và trao đổi mẫu (tại trung tâm có ngân hàng tinh trùng và có thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản)

Quy định cho tinh trùng (Bộ Y Tế, 2019)

  • Người cho tinh trùng được khám và làm các xét nghiệm để xác định: Không bị bệnh di truyền ảnh hưởng đến thế hệ sau; không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; không bị nhiễm HIV.
  • Tự nguyện cho tinh trùng và chỉ cho tại một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận
  • Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng
  • Tinh trùng của người cho chỉ được sử dụng cho một người.

Người mẹ đơn thân sẽ tự vận động người tự nguyện hiến tặng tinh trùng đến kiểm tra: xét nghiệm tinh trùng, xét nghiệm các bệnh lý lây truyền, sàng lọc các bệnh lý di truyền,...theo quy định.

Thời gian trung bình khoảng 3-4 tháng để có thể hoàn thành hết giai đoạn kiểm tra, trữ tinh trùng và trao đổi ngẫu nhiên với ngân hàng tinh trùng.

Việc hiến tặng và nhận tinh trùng được thực hiện trên nguyên tắc vô danh, nghĩa là người dùng mẫu trao đổi sẽ không biết tinh trùng mình sử dụng là của ai và tinh trùng của người hiến cũng được để vào ngân hàng và sử dụng ngẫu nhiên cho người khác (người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh mà nguyên nhân là do chồng hoặc người phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân) mà không phải dùng cho người vận động mẫu. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho và nhận tinh trùng (tránh các vấn đề về xã hội, thừa kế sau này).

Cuối giai đoạn này, người phụ nữ sẽ được nhận một phiếu xác nhận đã được trao đổi mẫu và sau đó có thể dùng tinh trùng trao đổi để điều trị hỗ trợ sinh sản.

 

Bước 3. Điều trị

Thủ tục pháp lý:

  • Giấy xác nhận độc thân.
  • Đơn đề nghị được thực hiện hỗ trợ sinh sản cùng các cam kết theo quy định.
  • Ngoài ra người mẹ đơn thân còn được tư vấn thêm về di truyền của đứa con sinh ra, các vấn đề xã hội, tâm lý, pháp lý trước khi đi đến quyết định điều trị.

 

Thông thường có 2 phương pháp hỗ trợ sinh sản:

  • Bơm tinh trùng vào buồng tử cung
  • Thụ tinh trong ống nghiệm

Nếu bơm tinh trùng, người phụ nữ sẽ được dùng thuốc kích thích buồng trứng, khi nang trứng đủ trưởng thành sẽ rã mẫu tinh trùng đã trao đổi và thực hiện bơm vào buồng tử cung.

Còn đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, người phụ nữ cũng sẽ được dùng thuốc kích thích buồng trứng, tuy nhiên khi nang trứng đủ trưởng thành, sẽ trải qua giai đoạn chọc hút (lấy trứng ra bên ngoài), cho trứng kết hợp với tinh trùng (được trao đổi) ngoài ống nghiệm tạo thành phôi và phôi sẽ được chuyển lại vào buồng tử cung cho người mẹ.

Tỷ lệ thành công có thể dao động từ 20 đến 70%, chi phí khoảng từ 20 triệu đến 150 triệu tùy thuộc vào từng trung tâm, phương pháp điều trị, cơ địa, tình trạng bệnh lý đi kèm của người mẹ (bạn cần thảo luận với Bác sĩ chuyên khoa).

thụ tinh nhân tạo

Tóm lại, để chuẩn bị làm mẹ đơn thân, các chị em cần chuẩn bị sẵn sàng một sức khỏe thật tốt, một tâm lý mạnh mẽ, vững vàng. Bên cạnh đó, chị em cần chuẩn bị giấy xác nhận độc thân, liên hệ đến trung tâm hỗ trợ sinh sản  uy tín để được thăm khám và tư vấn quá trình điều trị cụ thể theo tình trạng cơ địa của bản thân (tránh các trung tâm không uy tín, không đảm bảo về pháp lý, không bảo vệ pháp lý được cho các chị em và con sau này, cũng như độ an toàn và hiệu quả điều trị), tìm người hiến tặng tinh trùng và chuẩn bị đón con yêu!

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Chính phủ (2015). Nghị định số 10/2015/NĐ-CP về Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ngày 28 tháng 01 năm 2015.
  2. Bộ y tế (2015). Thông tư số 57/2015/TT-BYT về Quy định chi tiết một số điều của nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2015 của chính phủ quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ngày 30 tháng 12 năm 2015.
  3. Bộ y tế (2019). Nghị định số 02/VBHN-BYT về Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, ngày 30/01/2019.

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1585
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2864
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1515