Gánh nặng kinh tế từ căn bệnh đái tháo đường

Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).
Cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thị Thu, giáo viên trường Hà Nội Amsterdam không nghĩ rằng mình có thể mắc bệnh đái tháo đường, vì chị là một người có thể trạng gầy, không thích ăn đồ ngọt và gia đình không ai mắc bệnh này. Chị phát hiện mình bị bệnh đái tháo đường trong một lần khám bệnh và đã được chữa trị hợp lý nên sức khỏe nay đã ổn định. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị đúng cách như chị Thu

Gánh nặng cho nền kinh tế

Bệnh đái tháo đường đang gia tăng với tốc độ chóng mặt ở tất cả các khu vực trên thế giới. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2013 ghi nhận hơn 382 triệu người mắc bệnh và con số này được dự báo sẽ tăng lên tới 592 triệu người vào năm 2035.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo bà Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, trong những năm 1990, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở nhóm dân số Việt Nam trong độ tuổi từ 20-79 chỉ là 1,2%. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2002-2012, số người được chẩn đoán mắc bệnh tăng 211%, khiến Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới về số bệnh nhân đái tháo đường. “Ước tính của IDF cho thấy số người mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam năm 2013 là 3,3 triệu người nhưng theo những nghiên cứu gần đây thì con số này có thể lên tới 5 triệu người”, bà Khuê lo ngại.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường tăng mạnh trong những năm qua là gánh nặng lớn cho bảo hiểm y tế nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.

Ông Sơn nói: “Chỉ 3 triệu trong số 5 triệu người có nguy cơ mắc bệnh được điều trị. Riêng Bệnh viện Nội tiết Trung ương, chi phí điều trị cho bệnh đái tháo đường hàng năm là 75 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu tất cả bệnh nhân đái tháo đường được điều trị thì chi phí hàng năm ước tính lên tới 12.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 25% kinh phí dành cho khám chữa bệnh nói chung ở Việt Nam. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động”.

Bệnh đái tháo đường đang tiến tới mức độ đại dịch và Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhằm ngăn chặn căn bệnh này. Sự thiếu hụt về số lượng bác sĩ điều trị, mức độ nhận thức thấp về bệnh trong công chúng, số lượng lớn bệnh nhân chưa được chẩn đoán cùng những thiếu thốn về cơ sở vật chất là nguyên nhân chính dẫn tới một thực tế là hơn 60% trong số 5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán. 6/10 bệnh nhân đã bị biến chứng tại thời điểm chẩn đoán và đa số bệnh nhân đã được chẩn đoán không đạt được mục tiêu điều trị.

Theo bà Nguyễn Thy Khuê, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm để dẫn đến biến chứng thì sẽ rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh và tăng gánh nặng về kinh tế. “Mọi người cần hiểu biết và phòng bệnh ngay khi chưa mắc bệnh, và khi đã mắc bệnh thì phải điều trị ngay, nếu để chậm trễ dẫn đến biến chứng sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho bảo hiểm y tế”, bà Khuê cảnh báo.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, đái tháo đường là một vấn nạn mà mỗi công ty, tổ chức hay quốc gia đơn lẻ không thể giải quyết được, do nguồn lực có hạn trong khi chi phí điều trị cao. “Sự chung tay của các bên thông qua hình thức hợp tác công – tư là chìa khóa để ngăn chặn sự gia tăng đáng báo động về số người mắc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam”, ông Khuê nói.

Chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường Việt Nam (VDCP) là một chương trình điển hình về mối quan hệ hợp tác công – tư. Chương trình quy tụ sự tham gia về nguồn lực, nhân lực đến từ nhiều phía gồm Bộ Y tế, Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, các bệnh viện hàng đầu trong cả nước và tập đoàn dược phẩm Novo Nordisk, Đan Mạch.

Ông Kåre Schultz, Giám đốc điều hành của tập đoàn dược phẩm Novo Nordisk, cho biết chương trình này tập trung thực hiện 5 mục tiêu hành động rất rõ ràng nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bệnh đái tháo đường; nâng cao nhận thức và năng lực của nhân viên y tế về bệnh đái tháo đường; thu thập dữ liệu về tình trạng bệnh đái tháo đường tại Việt Nam; cải thiện chăm sóc bệnh đái tháo đường ở trẻ em và phụ nữ có thai.
Đến nay, chương trình đã hỗ trợ cho 8 trung tâm khám và điều trị bệnh đái tháo đường; tổ chức các sự kiện nhằm mục đích truyền thông giáo dục về bệnh đái tháo đường, tầm soát, sàng lọc và phát hiện sớm bệnh này; cung cấp thuốc insulin miễn phí cho những trẻ em bị đái tháo đường típ 1… Đồng thời, chương trình dự kiến sẽ nâng cao hiểu biết và kỹ năng cho khoảng 2.000 bác sĩ về bệnh đái tháo đường.

“Trong cuộc chiến toàn cầu nhằm thay đổi căn bệnh đái tháo đường, ưu tiên hàng đầu của Novo Nordisk là giúp cho bệnh nhân có thể tiếp cận với những sản phẩm mới nhất và các phương pháp điều trị tốt nhất. Để đạt được điều đó, chúng tôi mong đợi về một môi trường kinh doanh lành mạnh cũng như cơ chế cấp phép thuận lợi hơn tại các quốc gia mà Novo Nordisk hoạt động để tạo điều kiện cho việc tiếp cận các sản phẩm này”, ông Kåre Schultz chia sẻ thêm.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Nielsen, chia sẻ tăng trưởng kinh tế dẫn tới sự chuyển đổi nhanh chóng sang lối sống “Tây hóa” bên cạnh việc coi nhẹ các hoạt động thể chất và việc áp dụng chế độ dinh dưỡng không hợp lý của đại đa số người dân đang khiến tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

“Novo Nordisk là một tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chăm sóc bệnh đái tháo đường nên những nghiên cứu khoa học, kiến thức cùng cách thức hành động của họ có thể giúp ngăn chặn và chữa trị bệnh đái tháo đường tại Việt Nam”, ông John Nielsen bày tỏ.

Tuy nhiên, để Novo Nordisk nói riêng và các công ty Đan Mạch nói chung có thể hoạt động tốt tại Việt Nam, theo ông John Nielsen, Chính phủ Việt Nam cần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh để sản phẩm của họ có thể dễ dàng tiếp cận thị trường.

Trở lại với trường hợp của chị Thu, hai người con trai của chị cũng đang chịu áp lực học hành rất lớn nhưng chị vẫn động viên các con tập thể dục 30 phút mỗi ngày và ăn uống hợp lý, vì theo thông tin từ Chương trình chăm sóc bệnh đái tháo đường Việt Nam, làm như vậy sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường xuống 40%.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1754
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3045
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1701