Hiểu biết về mối nguy hại do biến chứng đái tháo đường

Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).

Đái tháo đường là bệnh mạn tính với khả năng gây nên nhiều biến chứng làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Đường máu tăng cao trong bệnh cảnh đái tháo đường dẫn đến những tổn thương ở những mạch máu lớn và nhỏ trong cơ thể, từ đó gây ra những hệ quả (hay thường gọi là biến chứng) của bệnh đái tháo đường. Mỗi 10 giây sẽ có 1 người đái tháo đường tử vong do các biến chứng của đái tháo đường gây ra. Biến chứng đái tháo đường thường chia thành hai nhóm: biến chứng cấp tính và biến chứng mạn tính.

Biến chứng cấp tính xảy ra khi đường máu tăng rất cao trong thời gian ngắn, bao gồm hôn mê do nhiễm toan cê-tôn và hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu. Đây là những tình trạng cần xử lý cấp cứu.

Biến chứng mạn tính chủ yếu xảy ra do tổn thương các mạch máu. Tổn thương mạch máu nhỏ dẫn đến các biến chứng thận, biến chứng mắt và biến chứng thần kinh. Tổn thương mạch máu lớn gây nên các biến chứng tim mạch (bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não) và các bệnh động mạch chi dưới. Ngoài ra, các biến chứng khác của đái tháo đường còn bao gồm: biến chứng bàn chân, nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn và lao phổi.

Biến chứng thận.

Người đái tháo đường có nguy cơ bị suy thận giai đoạn cuối cao gấp 10 lần người không bị đái tháo đường. Người đái tháo đường mắc các biến chứng thận có khả năng bị các biến chứng về tim mạch và tử vong cao.

Thận đóng vai trò như một máy lọc của cơ thể, có vai trò đào thải các chất độc hại ra nước tiểu. Thận cũng là cơ quan có rất nhiều mạch máu nhỏ. Đường máu tăng cao làm thận hoạt động ở mức cao hơn bình thường. Nếu tình trạng này không được kiểm soát tốt trong thời gian dài, khả năng hoạt động của thận sẽ bị suy kiệt dần, dẫn đến suy thận. Khi đó, các chất độc hại trong cơ thể tích luỹ lại trong máu gây hại đến sức khoẻ.

Các triệu chứng của suy thận không đặc hiệu nhưng có thể xảy ra, bao gồm: phù, huyết áp tăng, mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi. Người đái tháo đường cần tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra định kì để bác sĩ tầm soát nguy cơ và biến chứng thận.

Biến chứng mắt

Khoảng gần một nửa số người bệnh đái tháo đường sẽ có các biến chứng về mắt. Biến chứng mắt gây ra bệnh võng mạc do đái tháo đường, là nguyên nhân gây mù loà hàng đầu.

Đường máu cao gây tổn thương các thành mạch máu nhỏ ở vùng đáy mắt, phá huỷ gây tắc các mạch máu. Cơ thể xử lý tình trạng trên bằng các kích thích các chất cần thiết để hình thành các mạch máu mới để cung cấp máu đến vùng bị tổn thương. Tuy nhiên, các mạch máu mới này lại dễ vỡ, gây xuất huyết nặng và có thể để lại xẹo ở vùng đáy mắt. Hậu quả là người bệnh bị giảm hoặc mất thị lực nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Người ta chia bệnh võng mạc do đái tháo đường làm hai giai đoạn: bệnh võng mạc không tăng sinh (chưa có các mạch máu mới hình thành) và bệnh võng mạc tăng sinh (đã có các mạch máu mới được hình thành). Điều nguy hiểm là người bệnh có thể không có các triệu chứng bất thường gì về thị giác cho đến khi thị giác đột ngột thay đổi lớn. Do vậy, người bệnh đái tháo đường cần đi khám mắt định kỳ hằng năm để tầm soát sớm các biến chứng về mắt.

Biến chứng thần kinh

Hơn một nửa người bệnh đái tháo đường mắc các biến chứng thần kinh. Biến chứng thần kinh cũng là nguyên nhân chính gây kết cục cắt cụt chân và tàn phế ở người bệnh đái tháo đường.

Đường máu tăng cao trong thời gian dài gây nên tình trạng tắc các mạch máu nuôi dây thần kinh. Những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc biến chứng thần kinh ở người bệnh đái tháo đường còn có hút thuốc lá, dinh dưỡng kém…

Những triệu chứng ban đầu của biến chứng thần kinh ở người đái tháo đường là cảm giác tê bì, cảm giác như kiến bò đồng đều ở hai bàn chân (thường là bàn chân và ngón chân rồi lan lên cẳng chân). Khi biến chứng thần kinh diễn tiến nặng, người bệnh có thể mất cảm giác ở hai chân. Điều nguy hiểm là người bệnh sẽ không cảm nhận được các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như đau, nóng, rát chân. Hậu quả là nguy cơ bị loét bàn chân nhưng không nhận biết kịp thời, vết thương lâu hoặc khó lành dẫn đến nguy cơ cắt cụt chân.

Những triệu chứng khác của biến chứng thần kinh tự chủ còn có cảm giác khó chịu do bí tiểu, tụt huyết áp tư thế và các triệu chứng của tiêu hoá.

Biến chứng tim mạch

Người đái tháo đường có nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch như nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não cao gấp 2-3 lần người không bị đái tháo đường. Cứ mỗi 5 phút lại có 1 người bệnh đái tháo đường bị nhồi máu cơ tim.

Đường máu cao là nguy cơ gây nên các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thiếu máu cơ tim, rối loạn chuyển hoá, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, rối loạn đông máu, biến chứng thận. Các yếu tố nguy cơ này làm động mạch xơ vữa – là nguy cơ cao gây nên bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhồi máu não.

Ngoài đường huyết, người đái tháo đường còn nên kiểm soát tốt các yếu tô nguy cơ kể trên để ngăn ngừa các biến chứng tim mạch. Tuân thủ phác đồ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh là cách hiệu quả nhất để đề phòng biến chứng tim mạch.

Biến chứng bàn chân.

Biến chứng bàn chân do đái tháo đường gồm các biến dạng bàn chân, loét bàn chân, hoại tử bàn chân. Các nguyên nhân gây ra biến chứng bàn chân là do biến chứng thần kinh (như đã trình bày ở trên), nhiễm trùng bàn chân và tổn thương các mạch máu ở chân.

Đường máu cao dễ dẫn đến các tình trạng nhiễm trùng, trong đó có nhiễm trùng bàn chân. Đường máu cao còn làm tình trạng nhiễm trùng diễn tiến, làm việc điều trị kém hiệu quả và kéo dài. Tổn thương những mạch máu ở chân do tình trạng xơ vữa mạch máu làm gây giảm lượng chất nuôi dưỡng đến chân, kết cục càng làm cho nhiễm trùng và các vết loét bàn chân không lành.

Người đái tháo đường nên hình thành thói quen chăm sóc và kiểm tra bàn chân mỗi ngày để sớm nhận biết những tổn thương ở bàn chân. Lựa chọn giày phù hợp theo lời khuyên của bác sĩ cũng giúp làm ngăn ngừa các biến chứng bàn chân. Ngoài ra, người đái tháo đường cũng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mỗi năm để được đánh giá và kiểm tra các nguy cơ có thể dẫn đến biến chứng bàn chân.

ThS.BS. Nguyễn Thành Thuận, Bệnh viện Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1753
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3045
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1701