Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).
Đái tháo đường típ 2 là một bệnh mạn tính do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc đề kháng với insulin dẫn đến tình trạng tăng đường huyết, gây ra các biến chứng ở nhiều cơ quan như: não, tim, thận, mắt, mạch máu (tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận, mờ mắt, loét và nhiễm trùng chân) … và có thể gây tử vong.
Việc kiểm soát đường huyết tối ưu không những ngăn ngừa được các biến chứng mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Sau đây là những lời khuyên rất hữu ích cho những ai đang đối mặt với căn bệnh này:
Chế độ ăn quyết định rất nhiều đến sự kiểm soát đường huyết. Một chế độ ăn thích hợp với những dưỡng chất không thừa, không thiếu cho cơ thể sẽ hạn chế được nguy cơ tăng hay giảm đường huyết. Bạn không được bỏ bữa, ngay cả khi không muốn ăn. Nên ăn uống đúng giờ, không nhịn quá mức, không ăn quá no dù bữa ăn có ngon miệng. Hạn chế các thức ăn có nhiều dầu mỡ hay những thực phẩm có nhiều muối, nên tăng cường các thức ăn ít năng lượng như rau xanh, củ quả, hạt nguyên cám, các loại đậu, trái cây.
Chế độ luyện tập cho người bệnh đái tháo đường rất quan trọng, giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Tập thể dục giúp tiêu thụ đường trong máu, có tác dụng làm giảm đường huyết. Về lâu dài, giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, tăng sự trao đổi chất cũng như giảm sự đề kháng insulin. Ngoài ra, việc luyện tập còn cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nên hoạt động thể lực đều đặn, ít nhất là 30 phút/ ngày. Không nên nghỉ quá 2 ngày liên liếp. Lựa chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe như: chạy bộ, bơi lội, yoga, nhảy múa, khiêu vũ, đạp xe…
Nếu người thân của bạn không muốn tập thể dục, hãy khuyến khích hoặc đồng hành cùng họ. Hãy cổ vũ họ hoạt động làm những gì họ có thể làm được, ngay cả khi chỉ là đi bộ hoặc một số hoạt động thể chất nhẹ nhàng như dưỡng sinh….
Bạn nên dùng thuốc đều đặn, đúng giờ, đúng liều lượng, không được tự ý ngừng thuốc, tăng liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Nếu gặp phải những vần đề gì, bạn nên gọi ngay cho bác sĩ của bạn để có lời khuyên phù hợp.
Các bệnh nhân đái tháo đường thường xuyên có nguy cơ bị các vấn đề răng miệng cao hơn người bình thường. Bạn nên chăm sóc răng miệng sạch sẽ theo hướng dẫn và nên kiểm tra định kỳ với bác sĩ Nha khoa.
Thường xuyên kiểm tra da để phát hiện các tổn thương da sớm như nứt nẻ, phồng rộp, viêm da, nốt chai… Lau khô từng kẽ ngón sau khi vệ sinh hay tắm.
Cắt ngắn móng tay, móng chân nhưng không cắt quá sát, không cắt khóe tránh làm chảy máu.
Bạn cần biết bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính để chuẩn bị sẵn sàng tâm lý phải điều trị suốt đời và chúng ta sẽ sống chung yên ổn cùng bệnh.
Những căng thẳng, lo lắng cũng có thể làm cho lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Nhưng với tinh thần lạc quan, vui vẻ, tâm hồn thoải mái sẽ ảnh hưởng tốt đến quá trình điều trị, giúp kiểm soát đường huyết dễ dàng hơn.
Nếu bạn đang bị thừa cân, giảm cân là cách hỗ trợ điều trị và kiểm soát đường huyết hiệu quả. Giảm cân giúp làm giảm lượng đường và mỡ trong máu, cơ thể sẽ giảm khả năng đề kháng với insulin. Đồng thời, giảm cân còn giúp ổn định huyết áp, giảm áp lực lên các khớp hông và khớp gối…
Hút thuốc lá được xem là những yếu tố gây ảnh hưởng và tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Uống rượu bia quá mức làm giảm hiệu quả hoạt động của insulin gây tăng đường huyết.
Ngủ quá nhiều hoặc quá ít có thể làm tăng cảm giác ngon miệng, thèm ăn thực phẩm giàu Carbohydrat và làm thay đổi giờ giấc ăn uống. Điều này có thể dẫn đến tăng cân, tăng đường huyết, tăng các biến chứng của bệnh như các biến chứng tim mạch…Bạn nên ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm.
Thực hiện kiểm tra đường huyết thường xuyên: đường huyết đói buổi sáng, đường huyết sau ăn 2 giờ giúp bạn theo dõi được những biến động của đường huyết và có những biện pháp kiểm soát kịp thời, từ đó mới duy trì đường huyết ổn định. Việc kiểm tra giúp bạn nhận biết các loại thuốc mà bạn đang sử dụng có hiệu quả như thế nào? Đồng thời giúp bạn lựa chọn những loại thực phẩm và bài luyện tập thể dục phù hợp với bản thân.
Nếu có điều kiện, bạn nên có máy thử đường huyết tại nhà.
Bác sĩ là người hiểu các vấn đề mà bệnh nhân mắc phải và giúp bạn hạn chế độ nguy hiểm của bệnh. Bạn nên đi khám để kiểm tra tình trạng bệnh, uống thuốc theo chỉ dẫn và chú ý phải thăm khám định kỳ để biết tình trạng hiện tại của mình. Bạn hãy mạnh dạn trao đổi với bác sĩ về tình trạng của mình để cùng nhau tìm ra phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân.
BS.CKI. Trần Qúy Cầu
Bệnh viện Xuyên Á, Tp. Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.