Béo phì – bệnh lý mạn tính cần được điều trị

Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).

Béo phì là bệnh mạn tính theo nhiều tổ chức y tế trên thế giới

Trong xã hội hiện đại, nền kinh tế phát triển đã dẫn đến những thay đổi đáng kể về lối sống, theo đó chế độ dinh dưỡng không lành mạnh và tình trạng lười vận động trở nên phổ biến hơn. Hậu quả là tình trạng thừa cân, béo phì đang có xu hướng ngày càng tăng và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia. Theo kết quả Tổng Điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019- 2020 do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tiến hành, tỷ lệ trẻ em tuổi học đường 5 – 19 tuổi mắc thừa cân, béo phì tại Việt Nam tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020, trong đó khu vực thành thị tỷ lệ này là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9% (1).

Nếu như trước đây béo phì chỉ được xem là một vấn đề đơn thuần về thẩm mỹ thì hiện nay ngày càng nhiều tổ chức y tế uy tín trên thế giới đang xếp béo phì vào danh sách các bệnh lý mạn tính. Theo định nghĩa của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association, viết tắt: AMA), các tiêu chí chung của một loại bệnh lý bao gồm (1) Mất cân bằng chức năng bình thường của một số vùng cơ thể; (2) Dấu hiệu hoặc triệu chứng đặc trưng; (3) Có hại hoặc gây bệnh. Béo phì đáp ứng được cả 3 tiêu chí đó, vì (1) Liên quan đến rối loạn điều hòa ăn uống, rối loạn nội tiết, rối loạn lipid máu, bất thường cân bằng năng lượng; (2) Tăng tổng lượng mỡ trong cơ thể, gây đau khớp, hạn chế vận động và ngưng thở khi ngủ; (3) Dẫn đến nhiều bệnh lý bao gồm đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư, loãng xương, hội chứng buồng trứng đa nang, v.v…

Tầm quan trọng của bệnh lý béo phì được khẳng định bởi nhiều hiệp hội y khoa lớn trên thế giới. Liên đoàn Béo phì Quốc tế (World Obesity Federation, viết tắt: WOF) cho rằng béo phì là một bệnh lý mạn tính, tái phát, tiến triển và nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động ngay lập tức để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch toàn cầu này [2]. Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (AMA) nhận thấy thừa cân và béo phì là tình trạng y tế mạn tính và vấn đề sức khỏe cộng đồng khẩn cấp, cần hành động hướng đến nhận thức can thiệp béo phì như là một dịch vụ y tế thiết yếu [3]. Bên cạnh đó, Hiệp hội Nghiên cứu Béo phì châu Âu (European Association for the Study of Obesity, viết tắt: EASO) đánh giá béo phì là một bệnh lý tiến triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỗi cá nhân và toàn xã hội, cũng như được công nhận rộng rãi là cửa ngõ của nhiều loại bệnh tật [4]. Học viện Y khoa Hoàng gia Anh (Royal College of Physicians UK) thì nhấn mạnh “Điều quan trọng với nền y tế quốc gia là chúng ta phải xóa bỏ sự kỳ thị liên quan đến béo phì. Đây không phải do sự lựa chọn lối sống của người tham ăn mà là một bệnh lý gây ra bởi sự mất cân bằng sức khỏe, ảnh hưởng của di truyền và các yếu tố xã hội” [5].

Thế nào là thừa cân – béo phì?

Béo phì là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi tăng cân bất thường do tích tụ mô mỡ trong cơ thể, từ đó gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng [6]. Chỉ số khối cơ thể (Body mass index, viết tắt: BMI) là thước đo mức độ thừa cân và béo phì trong dân số tiện lợi nhất hiện nay, được tính bằng tỷ số giữa cân nặng (tính theo kilogram) và bình phương chiều cao (tính theo mét). Bảng bên dưới trình bày phân độ béo phì đối với dân số thế giới và châu Á căn cứ vào BMI.

chỉ số BMI

Bên cạnh đó, vòng eo cũng là một chỉ số quan trọng vì giúp tầm soát nguy cơ thừa cân  và béo phì. Nguy cơ này tăng lên khi vòng eo trên 88 cm ở nữ và trên 102 cm ở nam.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ béo phì

Về mặt cơ chế, béo phì được cho là sự kém thích nghi của hệ thống kiểm soát sinh lý mang tính di truyền, giúp cân bằng năng lượng với áp lực môi trường và xã hội hiện tại. Trong trường hợp bình thường, sự cân bằng dài hạn giữa năng lượng nạp vào và tiêu hao được điều hòa tập trung bởi não, với tín hiệu đầu vào ngoại vi từ mô mỡ, tuyến tụy và ruột để dự trữ năng lượng thông qua các con đường thần kinh và nội tiết. Sự mất cân bằng giữa việc nạp vào và tiêu thụ năng lượng có thể do những thay đổi trong các tín hiệu ngoại vi, do khuynh hướng di truyền, tác động của thuốc cùng các yếu tố môi trường, xã hội và tâm lý, từ đó dẫn đến tăng cân [9].

Các yếu tố nguy cơ đưa đến béo phì bao gồm: (1) các yếu tố không thể thay đổi được, như lớn tuổi, di truyền, rối loạn nội tiết (hội chứng Prader-Willi, hội chứng Cushing) và (2) các yếu tố thay đổi được, như ít vận động, chế độ ăn, hút thuốc lá và sử dụng thuốc.

Từ lâu béo phì đã bị hiểu lầm, xem thường và kỳ thị như một vấn đề đơn giản về “lối sống”. Người ta lầm tưởng béo phì có thể được giải quyết một cách dễ dàng bằng câu thần chú “ăn ít và vận động nhiều hơn”. Quan điểm đơn giản này xem thường cả kinh nghiệm sống của những người bị béo phì cũng như nhiều bằng chứng khoa học cho thấy béo phì là một tình trạng phức tạp do sự tương tác của nhiều các yếu tố tâm lý – xã hội và các yếu tố sinh học. Điều quan trọng nhất là một khi đã được thiết lập, các yếu tố thần kinh – nội tiết khiến cơ thể chúng ta khó đạt được việc giảm cân một cách hiệu quả, làm cho béo phì trở thành một vấn đề đôi khi kéo dài cả cuộc đời, trong đó tăng cân tái phát là quy luật chứ không phải là ngoại lệ.

Thừa cân – béo phì và những bệnh lý mắc kèm

Người thừa cân – béo phì dễ đồng mắc nhiều bệnh lý đi kèm nguy hiểm và tăng nguy cơ tử vong [10-16], bao gồm:

  1. Chuyển hóa: Tiền đái tháo đường, đái tháo đường típ 2, rối loạn lipid máu, gan nhiễm mỡ không do rượu, gout.
  2. Bệnh tim mạch: Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, suy tim, thuyên tắc phổi, đột quỵ, huyết khối tĩnh mạch, ngưng thở khi ngủ.
  3. Ung thư: Thực quản, dạ dày, đại trực tràng, gan, bàng quang, tụy, vú, nội mạc tử cung, buồng trứng, thận, tuyến giáp v.v…
  4. Trầm cảm, lo âu.
  5. Bệnh lý khác: Hen phế quản, sỏi mật, vô sinh, thoái hóa khớp và đau lưng.

Nghiên cứu nhận thấy BMI càng cao thì tỷ lệ mắc các bệnh lý đi kèm càng tăng, trong khi chất lượng cuộc sống và kỳ vọng sống lại càng giảm. Thống kê dịch tễ trên 541.452 nam giới cho thấy tỷ lệ sống đến 70 tuổi ở các nhóm người có BMI bình thường, BMI 35 – 40 và BMI 40 – 50 lần lượt là 80%, 60% và 50% [17].

 

Tài liệu tham khảo

  1. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/bo-y-te-cong-bo-ket-qua-tong-ieu-tra-dinh-duong-nam-2019-2020
  2. Bray GA, Kim KK, Wilding JPH; World Obesity Federation. Obesity: a chronic relapsing progressive disease process. A position statement of the World Obesity Federation. Obes Rev. 2017 Jul;18(7):715-723. doi: 10.1111/obr.12551
  3. AMA resolutions. June 2012. https://www.ama-assn.org/sites/ama-assn.org/files/corp/media-browser/public/about-ama/councils/Council%20Reports/council-on-science-public-health/a13csaph3.pdf
  4. Frühbeck G, Sbraccia P, Nisoli E, et al. 2015 Milan Declaration: A Call to Action on Obesity – an EASO Position Statement on the Occasion of the 2015 EXPO. Obes Facts. 2016;9(4):296-8
  5. Kmietowicz Z. Recognise obesity as a disease to reduce prevalence, says RCP. BMJ. 2019 Jan 3;364:l45. doi: 10.1136/bmj.l45
  6. World Obesity Forum, available at: https://www.worldobesity.org/about/about-obesity (accessed on July 2020)
  7. The SuRF Report 2 – WHO | World Health Organization https://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/43190/9241593024_eng.pdf
  8. Misra A, Chowbey P, Makkar BM, Vikram NK, Wasir JS, Chadha D, Joshi SR, Sadikot S, Gupta R, Gulati S, Munjal YP; Concensus Group. Consensus statement for diagnosis of obesity, abdominal obesity and the metabolic syndrome for Asian Indians and recommendations for physical activity, medical and surgical management. J Assoc Physicians India. 2009 Feb;57:163-70
  9. Badman MK, Flier JS. The gut and energy balance: visceral allies in the obesity wars. Science. 2005 Mar 25;307(5717):1909-14. doi: 10.1126/science.1109951
  10. Sharma AM. M, M, M & M: a mnemonic for assessing obesity. Obes Rev. 2010 Nov;11(11):808-9
  11. Guh DP, Zhang W, Bansback N, Amarsi Z, Birmingham CL, Anis AH. The incidence of co-morbidities related to obesity and overweight: a systematic review and meta-analysis. BMC Public Health. 2009 Mar 25;9:88
  12. Luppino FS, de Wit LM, Bouvy PF, Stijnen T, Cuijpers P, Penninx BW, Zitman FG. Overweight, obesity, and depression: a systematic review and meta-analysis of longitudinal studies. Arch Gen Psychiatry. 2010 Mar;67(3):220-9
  13. Simon GE, Von Korff M, Saunders K, Miglioretti DL, Crane PK, van Belle G, Kessler RC. Association between obesity and psychiatric disorders in the US adult population. Arch Gen Psychiatry. 2006 Jul;63(7):824-30
  14. Church TS, Kuk JL, Ross R, Priest EL, Biltoft E, Blair SN. Association of cardiorespiratory fitness, body mass index, and waist circumference to nonalcoholic fatty liver disease. Gastroenterology. 2006 Jun;130(7):2023-30
  15. Li C, Ford ES, Zhao G, Croft JB, Balluz LS, Mokdad AH. Prevalence of self-reported clinically diagnosed sleep apnea according to obesity status in men and women: National Health and Nutrition Examination Survey, 2005-2006. Prev Med. 2010 Jul;51(1):18-23
  16. Hosler AS. Prevalence of self-reported prediabetes among adults participating in a community-based health awareness program, New York State. Prev Chronic Dis. 2009 Apr;6(2):A48
  17. Prospective Studies Collaboration, Whitlock G, Lewington S, Sherliker P, Clarke R, Emberson J, Halsey J, Qizilbash N, Collins R, Peto R. Body-mass index and cause-specific mortality in 900 000 adults: collaborative analyses of 57 prospective studies. Lancet. 2009 Mar 28;373(9669):1083-96

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1754
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3045
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1701