Các vấn đề cơ bản về hạ đường huyết cho người mắc đái tháo đường

Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).

TS.BS Phan Hữu Hên
Bệnh viện Chợ Rẫy

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường (glucose) trong máu quá thấp, thường được định nghĩa khi Glucose máu < 70mg/dL. Glucose máu có vai trò rất quan trọng, cung cấp năng lượng cho các tế bào toàn bộ cơ thể, đặc biệt hoạt động của não bộ. Hạ đường huyết là tình trạng cấp cứu, gây hậu quả nghiêm trọng thậm chí gây tử vong cho người bệnh nếu xử trí không kịp thời hoặc không đúng cách. Hạ đường huyết có nhiều nguyên nhân gây ra và cũng là một tai biến thường gặp trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường

Dấu hiệu của hạ đường huyết

Các triệu chứng của hạ đường huyết tùy thuộc vào mức độ của hạ đường huyết. Các triệu chứng ban đầu  bao gồm: 

  • Chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, vã  mồ hôi và cảm thấy đói, run tay tim đập nhanh,  cáu gắt …
  • Khi tình trạng hạ Glucose nặng hơn sẽ rối loạn tri giác, lơ mơ, co giật, hôn mê, chết não (sống thực vật), tử vong

Xử trí hạ đường huyết:

Khi bệnh nhân có triệu chứng gợi ý hạ đường huyết, thì bệnh nhân hoặc người thân nên kiểm tra đường huyết  ngay tại thời điểm đó bằng máy đo đường huyết cá nhân (nếu được) để xác định tình trạng hạ đường huyết và tránh nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh lý khác. Các bước xử lý hạ đường huyết ban đầu dành cho bệnh nhân như sau:

  • Bệnh nhân nếu còn tỉnh táo nên nhanh chóng ăn hay uống các chất có nhiều đường như bánh kẹo, nước đường, sữa… hay các bữa ăn sẵn có. Theo dõi người bệnh sau 15 -  30 phút và thử lại đường huyết. Nếu không giảm cần dùng 15g đường (3 miếng đường hoặc 3 muỗng cà phê đường pha trong 100ml nước).
  • Nếu hạ đường huyết nặng trong tình trạng hôn mê: người nhà nên đưa bệnh nhân ngay đến cơ sở y tế gần nhất, cần chú ý không cho bệnh nhân ăn hay uống bất cứ thứ gì khi bệnh nhân hôn mê, giữ thông thoáng đường thở.
  • Tại cơ sở y tế hoặc nhân viên y tế cấp cứu tại nhà: bệnh nhân sẽ được truyền tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương 10%, 20% hoặc 30% càng sớm càng tốt. Nếu có thể tiêm dưới da 1 mg Glucagon trong trường hợp chưa kịp truyền Glucose ưu trương.
  • Nên báo bác sĩ điều trị (nếu được) để hỗ trợ xử trí hạ đường huyết, tìm và điều trị nguyên nhân của hạ đường huyết.

Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường và một số biện pháp khắc phục hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

  • Hạ đường huyết là một tai biến trong điều trị khá thường gặp trên bệnh nhân đái tháo đường được điều trị bằng thuốc, đặc biệt là insulin hoặc sulfonylurea và ít gặp hơn với các loại thuốc hạ đường huyết khác như metformin, TZD, ức chế DPP4, đồng vận thụ thể GLP1, SGLT2i... Hạ đường huyết gây nhiều bất lợi và gây nguy hiểm cho người bệnh đái tháo đường. Nó gây cản trở việc kiểm soát đường huyết, gây dao động đường huyết, tạo tâm lý sợ điều trị, làm bệnh nhân kém tuân thủ… Hạ đường huyết nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn tới co giật, hôn mê, chết não và thậm chí tử vong. Ngoài ra các biến cố về tim mạch và não cũng gia tăng khi bệnh nhân bị hạ đường huyết như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.

Một số biện pháp khắc phục hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2

  • Xác định mục tiêu đường huyết (HbA1c) theo cá thể hóa người bệnh, tránh mục tiêu đường huyết quá thấp không cần thiết.
  • Người bệnh tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống hợp lý. Tránh ăn kiêng quá mức không cần thiết.
  • Tập thể dục đều đặn, chọn môn thể dục hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết cá nhân theo chỉ dẫn của bác sĩ hay khi có dấu hiệu bất thường. Nếu có điều kiện, người bệnh có thể sử dụng dụng cụ theo dõi đường huyết liên tục (CGM) để phát hiện chính xác các thời điểm hạ đường huyết.
  • Luôn chuẩn bị đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường…  để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.
  • Ưu tiên dùng các loại thuốc ít gây hạ đường huyết hay tối ưu hoá các loại thuốc thế hệ mới ít gây hạ đường huyết hơn thế hệ cũ. Các loại insulin analog thế hệ mới sẽ ít nguy cơ hạ đường huyết hơn insulin thế hệ cũ hơn.

​Nếu chỉ định dùng insulin, người bệnh cần biết các thông tin quan trọng sau (theo chỉ dẫn của bác sĩ):

  • Loại insulin?
  • Liều dùng, tiêm bao nhiêu đơn vị insulin, ngày bao nhiêu lần?
  • Thời gian tiêm insulin trước ăn bao nhiêu phút?
  • Vị trí tiêm insulin?
  • Cách bảo quản insulin?
  • Cách dùng kim tiêm? Cách tiêm insulin?

Luôn giữ liên lạc với bác sĩ điều trị để kịp thời chỉnh thuốc và trao đổi các vấn đề cần thiết.
Người nhà bệnh nhân nên biết các thông tin cần thiết về bệnh lý đái tháo đường, về hạ đường huyết để hỗ trợ người bệnh phát hiện và xử trí kịp thời, hiệu quả

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2. Bộ Y tế tháng 12/2020
  2. Hypoglycemia in adults without diabetes mellitus: Clinical manifestations, diagnosis, and causes. Uptodate 2021.
  3. Glycemic Targets: Standards of Medical Care in Diabetes—2022. Diabetes Care 2022;45(Supplement_1):S83–S96

VN22CD00002

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1581
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2860
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1511