SỰ NGUY HIỂM CỦA HẠ ĐƯỜNG HUYẾT VÀ CÁC HỆ LỤY TRÊN LÂM SÀNG

Bài viết được dẫn nguồn từ trang web daithaoduong.kcb.vn (nằm trong chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức y khoa giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Cục Quản l‎ý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Novo Nordisk).

ThS. BS. Nguyễn Xuân Thanh

Bệnh viện Lão khoa TW

Bài viết dành cho cán bộ y tế

Hạ đường huyết là một biến chứng thường gặp và là một rào cản trong quá trình điều trị đái tháo đường. Hạ đường huyết thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi kiểm soát đường huyết kém, đa bệnh lý, có liên quan đến việc sử dụng các thuốc điều trị đái tháo đường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy hạ đường huyết là yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến nhiều biến cố bất lợi trên lâm sàng như gia tăng biến cố tim mạch, suy giảm nhận thức, nguy cơ ngã và tử vong. 

1. Hạ đường huyết làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch

Hạ đường huyết nghiêm trọng là một trong những yếu tố dự báo mạnh nhất về các biến cố bệnh tim mạch vữa xơ, kết quả lâm sàng bất lợi và tử vong ở những người bệnh đái tháo đường típ 2. [1]

Hạ đường huyết sẽ kích hoạt hệ thống giao cảm-thượng thận giải phóng catecholamine, làm tăng nhịp tim, sức co bóp cơ tim và cung lượng tim. Phóng thích catecholamine còn dẫn đến giảm Kali huyết tương, gây ra bất thường về dẫn truyền và tái cực của tim trên điện tâm đồ. Một số nghiên cứu đã cho thấy hạ đường huyết có liên quan đến kéo dài khoảng QT hiệu chỉnh (QTc). Các bất thường điện tâm đồ khác được quan sát thấy trong quá trình hạ đường huyết bao gồm giảm khoảng PR và đoạn ST chênh xuống. Những thay đổi này có thể gây ra thiếu máu cục bộ cơ tim ở những bệnh nhân mắc bệnh mạch vành và đặc biệt kéo dài QTc có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện nhịp nhanh thất và đột tử. 

Ngoài ra, hạ đường huyết còn gián tiếp ảnh hưởng đến quá trình bài tiết cytokine gây viêm, chức năng nội mô, đông máu và tiêu sợi huyết, làm tăng nguy cơ đông máu nội mạch và huyết khối.

2. Hạ đường huyết liên quan đến ngã ở người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường  

Ngã ở bệnh nhân đái tháo đường thường gây ra những hậu quả bất lợi như chấn thương, khuyết tật và tử vong. Bên cạnh các biến chứng mạn tính của đái tháo đường (thần kinh, võng mạc, loét bàn chân), hạ đường huyết được chứng minh là nguyên nhân gây tăng nguy cơ ngã. Các triệu chứng hạ đường huyết có thể gây ngã bao gồm run, suy giảm nhận thức và hồi hộp đánh trống ngực.

Để phòng ngừa nguy cơ ngã ở người bệnh mắc đái tháo đường, phương pháp tiếp cận toàn diện đã được nhiều hướng dẫn đề cập tới, trong đó tập trung đánh giá các yếu tố nguy cơ và xây dựng biện pháp dự phòng ngã [2]. Các hướng dẫn cũng tập trung vào cá thể hóa các mục tiêu đường huyết, đặc biệt trên người cao tuổi nhằm làm giảm nguy cơ hạ đường huyết mà vẫn duy trì kiểm soát đường huyết hợp lý. Ở người cao tuổi, mục tiêu HbA1c là <7,5% hoặc thậm chí 8% đã được khuyến nghị bởi Hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) và Hiệp hội Châu Âu về nghiên cứu bệnh đái tháo đường (EASD) [3]. Các thuốc điều trị đái tháo đường được ghi nhận là có nhiều khả năng cao gây hạ đường huyết là insulin và sulphonylurea.

3. Hạ đường huyết liên quan đến suy giảm chức năng nhận thức

Não không thể tổng hợp glucose hoặc lưu trữ glycogen trong tế bào hình sao, do vậy não cần được cung cấp gần như liên tục glucose từ tuần hoàn. Thông thường, khi lượng glucose giảm dưới 3,0 mmol/L (54 mg/dL) thì khả năng thực hiện các nhiệm vụ nhận thức phức tạp sẽ bị suy giảm. Hạ đường huyết cấp tính gây ra suy giảm nhiều lĩnh vực nhận thức khác nhau, bao gồm trí nhớ, sự chú ý, xử lý thông tin, chức năng tâm thần vận động và khả năng không gian

Tổn thương nhận thức sau hôn mê hạ đường huyết có liên quan đến quá trình chết của tế bào thần kinh ở vùng hải mã. Các cơ chế liên quan đến tổn thương chọn lọc chưa được làm rõ, nhưng nhiều yếu tố đã được xác định có liên quan bao gồm stress oxy hóa, tình trạng nhiễm độc, giải phóng kẽm, kích hoạt PARP-1 và rối loạn chức năng ty thể. 

Trong trường hợp hạ đường huyết mức độ nặng và kéo dài nhưng không hôn mê, cơ chế tổn thương nhận thức do tăng stress oxy hóa và làm chết tế bào thần kinh rời rạc chủ yếu ở vỏ não. Hạ đường huyết mức độ trung bình tái diễn thường gặp hơn ở bệnh nhân đái tháo đường so với hạ đường huyết nặng, cơ chế liên quan đến suy giảm chức năng synap của hồi hải mã, thay đổi chức năng ty thể và stress oxy hóa ty thể . 

4. Hạ đường huyết liên quan đến tăng nguy cơ tử vong

McCoy và cộng sự phát hiện trên bệnh nhân đái tháo đường có hạ đường huyết nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong tăng 3,4 lần [4]. Hạ đường huyết gây ra một số phản ứng điều hòa ngược: giảm tiết insulin từ tế bào β tuyến tụy, tăng bài tiết glucagon từ tế bào α tuyến tụy, tăng phản ứng thần kinh giao cảm do tăng adrenaline và norepinephrine trong huyết tương, cũng như tăng bài tiết của ACTH / glucocorticoid. Bên cạnh đó, một số thay đổi gián tiếp gây ra bởi hạ đường huyết ảnh hưởng đến bài tiết cytokine gây viêm, chức năng nội mô, đông máu và tiêu sợi huyết. Tất cả các phản ứng này đều góp phần gây ra tử vong trên bệnh nhân đái tháo đường

5. Hội chứng “Chết trên giường” (Dead in bed)

Hội chứng “Chết trên giường” mô tả những người trẻ tuổi mắc đái tháo đường typ 1 bị phát hiện chết trên giường mà không rõ nguyên nhân tử vong [5]. Một số nghiên cứu cho thất hạ đường huyết là nguyên nhân có thể gây tử vong trong hội chứng này. Cơ chế hạ đường huyết gây đột tử vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân chính gây ra là rối loạn nhịp thất do kéo dài QTc, đặc biệt ở những người có biến chứng thận kinh tự chủ tim. Ngoài rối loạn nhịp tim, hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây ra những cơn co giật gây ức chế hô hấp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Cryer, P.E., et al., Evaluation and management of adult hypoglycemic disorders: an Endocrine Society Clinical Practice Guideline. J Clin Endocrinol Metab, 2009. 94(3): p. 709-28.

2.    Lee, H.C., et al., Effects of a multifactorial fall prevention program on fall incidence and physical function in community-dwelling older adults with risk of falls. Arch Phys Med Rehabil, 2013. 94(4): p. 606-15, 615.e1.

3.    Inzucchi, S.E., et al., Management of hyperglycaemia in type 2 diabetes: a patient-centered approach. Position statement of the American Diabetes Association (ADA) and the European Association for the Study of Diabetes (EASD). Diabetologia, 2012. 55(6): p. 1577-96.

4.    McCoy, R.G., et al., Increased mortality of patients with diabetes reporting severe hypoglycemia. Diabetes Care, 2012. 35(9): p. 1897-901.

5.    Sovik, O. and H. Thordarson, Dead-in-bed syndrome in young diabetic patients. Diabetes Care, 1999. 22 Suppl 2: p. B40-2.

VN22CD00003

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1754
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3045
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1701