NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH LÝ SUY GIÁP

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Ngoài việc khám và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể tự tìm hiểu về bệnh lý suy giáp của mình dựa trên những câu hỏi thường gặp dưới đây. Điều này giúp bạn phối hợp với bác sĩ tốt hơn nhằm quản lý bệnh hiệu quả [1].

Tại sao tôi bị suy giáp?

Phụ nữ có nguy cơ suy giáp cao hơn nam giới. Bạn có thể bị suy giáp nếu trước đó bị các bệnh lý gây tổn thương tuyến giáp. Nguyên nhân tiếp theo là dùng thuốc hay được phẫu thuật cắt tuyến giáp một cách chủ ý để điều trị bệnh lý khác như bệnh Graves hay ung thư giáp. Những tình trạng làm cho tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cho nhu cầu bình thường của cơ thể (Hình 1) [2].

Các nguyên nhân này bao gồm: viêm giáp Hashimoto (thường gặp nhất), phẫu thuật hoặc xạ trị tuyến giáp, một số thuốc như amiodarone, interferon-alpha, lithium và interleukin-2. Một số ít bệnh nhân gặp vấn đề tuyến yên. Ngày nay, suy giáp do thiếu iod rất hiếm gặp.

Hypothyroidism: Causes and Risk Factors
Hình 1: Các nguyên nhân suy giáp [2]

Tôi cần điều trị như thế nào?

Điều trị chủ yếu cho suy giáp là uống hormone giáp để bổ sung cho lượng hormone mà cơ thể bị thiếu. Thuốc giúp nồng độ hormone trong máu hồi phục và cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu chỉ suy giáp nhẹ hoặc thoáng qua, bác sĩ có thể chỉ theo dõi mà không chỉ định dùng thuốc. 

Làm thế nào để bác sĩ tính được liều thuốc cho tôi?

Liều thuốc được tính dựa trên cân nặng, tuổi, độ nặng của suy giáp và các bệnh đồng mắc của bạn. Bạn sẽ được xét nghiệm chức năng tuyến giáp mỗi 4-8 tuần sau khi bắt đầu dùng thuốc. Điều này giúp đảm bảo rằng thuốc được hấp thu và có hiệu quả đúng như mong đợi. Việc chỉnh liều sẽ dựa vào các kết quả này. Một khi đã ổn định liều, bạn có thể được xét nghiệm mỗi 6 tháng.

Tôi cần uống thuốc mỗi bao lâu?

Hầu hết bệnh nhân cần uống thuốc mỗi ngày một lần. Mặc dù có các phác đồ khác như uống cách ngày hay một lần/tuần nhưng uống mỗi ngày đem lại hiệu quả tốt nhất. Với phác đồ này, nồng độ hormone giáp của bạn ổn định nhất. Do đó, triệu chứng cải thiện mà ít bị dao động.

Tôi cần lưu ý gì khi uống hormone giáp?

Hormone giáp dễ tương tác với thức ăn và thuốc khác. Do vậy, bác sĩ thường khuyên bạn uống vào buổi sáng, lúc đói, trước ăn sáng ít nhất 1-2 giờ. Hormone giáp nên được dùng cách các thuốc khác ít nhất 4 giờ. Nếu chế độ như trên không phù hợp với lịch trình công việc của bạn, bác sĩ có thể chỉ định uống vào mỗi tối trước khi đi ngủ.
Những thuốc hoặc thức ăn dễ tương tác với hormone giáp là: vitamin hoặc thực phẩm chức năng chứa sắt và calci, thực phẩm có nguồn gốc đậu nành (sữa đậu nành, đậu hũ), thuốc antacid chứa nhôm hydroxide (thường dùng trong các bệnh lý viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản), thuốc tránh thai, thuốc chống động kinh, chống trầm cảm, thuốc hạ lipid máu.

Tôi cần làm gì nếu lỡ quên uống một liều?

Nếu bạn bỏ quên một liều, hãy uống lại sớm nhất ngay khi có thể. Tuy nhiên, nếu đã gần tới giờ của liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên. Chỉ uống viên của liều kế tiếp. Không nên uống bù lúc này vì gấp đôi lượng thuốc gần nhau có thể gây quá liều.

Tôi có nên chuyển đổi giữa các loại hormone giáp khác nhau?

Chế phẩm bù hormone giáp hiện có nhiều loại trên thị trường. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng cố định một tên thương mại. Điều này được chứng minh là giúp ổn định nồng độ hormone giáp tốt hơn. Ngay cả khi các nhãn hàng cùng chứa hoạt chất chính là hormone giáp, những tá dược khác nhau trong mỗi loại có thể đưa đến hiệu quả thuốc khác nhau. Ngoài ra, việc thay đổi qua lại giữa các chế phẩm làm bác sĩ khó diễn giải kết quả xét nghiệm để chỉnh liều phù hợp.

Tôi cần uống hormone giáp trong bao lâu?

Ngoại trừ một số ít trường hợp suy giáp thoáng qua, đa phần bạn cần dùng hormone giáp suốt đời một khi đã có chỉ định. Tuy nhiên, liều dùng có thể thay đổi tùy từng giai đoạn bệnh.

Tác dụng phụ của hormone giáp là gì?

Dùng hormone giáp với liều chỉ định gần như không có tác dụng phụ nào đáng chú ý. Nếu dùng quá liều, bạn sẽ gặp một số triệu chứng cường giáp. Chúng bao gồm: khó ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, sụt cân. Hãy liên hệ tham vấn với bác sĩ nếu bạn thấy các triệu chứng này.

Tôi cần thay đổi chế độ ăn như thế nào?

Nếu bạn bị suy giáp nói riêng hay bệnh lý tuyến giáp nói chung, cần hạn chế những thực phẩm giàu iod. Một mặt, chúng có thể làm thay đổi chức năng tuyến giáp. Mặt khác, chúng có thể gây nhiễu xét nghiệm, làm bác sĩ khó diễn giải để chỉnh liều. Một số ví dụ là rau câu, rong biển, phổ tai… Chú ý rằng một số loại siro giảm ho cũng có chứa iod.

Nên hạn chế sử dụng những rau họ cải như súp lơ trắng, súp lơ xanh, bắp cải, củ cải… vì chúng ảnh hưởng đến sự hấp thu và chuyển hóa iod (Hình 2) [3]. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bạn phải kiêng hoàn toàn những rau xanh này. Chúng vẫn chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi. Do vậy, bạn vẫn thi thoảng được phép dùng với lượng ít. 

Foods to avoid in Hypothyroidism
Hình 2: Các rau họ cải nên hạn chế ở người suy giáp [3]

Tôi có thể hoạt động thể lực không?

Suy giáp không ngăn cản bạn hoạt động thể lực như bình thường. Tuy nhiên, khi chưa điều trị, nhịp tim bạn có xu hướng chậm. Do vậy, không nên thực hiện các bài tập cường độ cao. Chúng sẽ làm nhịp tim bạn tăng nhanh đột ngột, gây nguy hiểm. Bạn chỉ nên tập các bài tập nhẹ trong giai đoạn này. Sau đó, tăng dần cường độ tập một khi nồng độ hormone giáp đã ổn định dưới tác dụng của điều trị. Tham vấn bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ kế hoạch tập luyện nào.

Suy giáp có thể gây hậu quả gì?

Suy giáp thường dẫn đến rối loạn lipid máu, làm tăng các loại lipid xấu trong máu. Lâu ngày, điều này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Một số biến chứng khác là lo âu, trầm cảm, hiếm muộn, vô sinh. Một tình huống hiếm gặp nếu suy giáp nặng, kéo dài, không được điều trị là hôn mê do suy giáp.

Điều gì cần quan tâm nếu tôi mang thai?

Nếu bạn đã bị suy giáp từ trước, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định dùng thuốc trong thai kỳ. Cần chú ý rằng, điều trị suy giáp trong thai kỳ rất quan trọng. Hormone giáp mà bạn uống lúc này cần thiết cho cả bạn và em bé. Do vậy, bác sĩ thường sẽ tăng liều hormone giáp cho phù hợp so với trước khi mang thai. Nếu không điều trị đúng mức, suy giáp trong thai kỳ gây thiếu máu, tiền sản giật, sản giật, suy tim sung huyết và băng huyết sau sinh. Với em bé, suy giáp ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và trí thông minh của trẻ về sau.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.healthline.com/health/hypothyroidism/doctor-discussion-guide
  2. https://www.verywellhealth.com/hypothyroidism-causes-risk-factors-3231721
  3. https://www.kokilabenhospital.com/health/healthtip/foodstoavoidinhypothyroidism.html

VN_GM_CV_161; EXP: 30/6/2024

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1594
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2874
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1527