Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Suy giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone theo nhu cầu của cơ thể. Trong khi cường giáp thường gây triệu chứng rầm rộ, rõ ràng, suy giáp diễn tiến âm thầm hơn. Biểu hiện suy giáp đôi khi tương tự bệnh lý khác hoặc được cho là dấu hiệu của tuổi già. Nói cách khác, suy giáp được xem là kẻ bắt chước vĩ đại. Vì vậy, chẩn đoán suy giáp có thể bị bỏ sót, dẫn đến không điều trị đúng mức.
Hormone giáp do tuyến giáp sản xuất ra đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Khi tuyến giáp không làm việc đúng mức, lượng hormone dần suy giảm. Nếu hormone giảm đủ thấp, bạn sẽ mắc phải tình trạng suy giáp.
Có hai dạng suy giáp chính: bẩm sinh và mắc phải. Suy giáp bẩm sinh gặp ở trẻ sơ sinh. Do rối loạn quá trình phát triển tuyến giáp từ trong bào thai, trẻ sinh ra với tuyến giáp không hoạt động đầy đủ. Ngược lại, người lớn có thể mắc phải suy giáp do bệnh lý. Các nguyên nhân gây suy giáp mắc phải thường gặp là viêm giáp, điều trị cường giáp quá mức hoặc sau điều trị ung thư giáp. Hiếm gặp hơn, suy giáp có thể xảy ra do thiếu iod (hiện nay gần như ít gặp) hoặc bệnh lý từ tuyến yên.
Để biết suy giáp có thể bắt chước những bệnh lý nào, trước hết cần biết về triệu chứng của suy giáp. Những biểu hiện thường gặp là: mệt mỏi, sợ lạnh, táo bón, da khô, tóc dễ gãy rụng, tăng cân, nhịp tim chậm, rong kinh, giảm trí nhớ, kém tập trung, chậm chạp, lo âu, trầm cảm.
Khi suy giáp rõ, xét nghiệm thường cho thấy nồng độ hormone giáp (T3 và/hoặc T4) giảm. Tuy nhiên, ở giai đoạn sớm của bệnh (gọi là suy giáp dưới lâm sàng), nồng độ hormone giáp bình thường và chỉ có hormone TSH từ tuyến yên tăng. Đây là dấu hiệu cho thấy lượng hormone giáp sản xuất ra bắt đầu không đáp ứng đủ nhu cầu cơ thể.
Các triệu chứng như chậm chạp, giảm trí nhớ dễ làm người bệnh cho rằng đây chỉ đơn thuần là vấn đề tuổi tác (Hình 1) [1]. Tuy nhiên, cần biết rằng các bệnh lý tuyến giáp (đặc biệt liên quan suy giáp) cũng đồng thời tăng theo tuổi. Như đã đề cập, viêm giáp là một nguyên nhân phổ biến của suy giáp. Khi mô tuyến giáp bị viêm và phá hủy dần, khả năng tiết hormone giảm theo. Viêm giáp Hashimoto là một bệnh tự miễn, bản chất do cơ thể sản xuất kháng thể tấn công chính tuyến giáp. Nhiều nghiên cứu từ sớm tìm thấy kháng thể kháng tuyến giáp này ở 30% người từ 70 tuổi trở lên [2]. Ở độ tuổi này, sự hiện diện của kháng thể kháng tuyến giáp làm tăng khả năng mắc suy giáp lên 5 lần [3]. Do vậy, không ngạc nhiên khi suy giáp dễ gặp ở người lớn tuổi.
Hình 1: Triệu chứng suy giáp dễ bị nhầm với biểu hiện do lớn tuổi [1]
Ngoài lão hóa một cách khỏe mạnh, những triệu chứng nói trên còn dễ nhầm sa sút trí tuệ. Đây là tình trạng gặp ở người lớn tuổi nhưng mức độ giảm trí tuệ và nhận thức nhanh hơn người già bình thường. Tuy nhiên, bản thân suy giáp chính là một yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ. Trong số bệnh nhân suy giáp, 22% mô tả khó thực hiện các phép tính toán đời thường hơn, 36% ghi nhận suy nghĩ chậm hơn bình thường và 39% báo cáo trí nhớ kém [4]. Vì thế, khi người bệnh biểu hiện những dấu hiệu kể trên, chúng có thể do cả hai bệnh lý gây nên. Không chỉ mức độ nặng mà thời gian mắc suy giáp cũng ảnh hưởng đến khả năng mắc suy giáp. Nói cách khác, mắc suy giáp càng lâu thì nguy cơ sa sút trí tuệ càng lớn [5]. Kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm suy giáp và điều trị kịp thời. May mắn là, những triệu chứng nói trên có thể cải thiện sau khi bổ sung hormone giáp [6].
Lo âu, trầm cảm là nhóm bệnh lý ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Việc cảm thấy tâm trạng xấu hay chán nản là biểu hiện chính của bệnh lý này. Tuy nhiên, khoảng 60% bệnh nhân suy giáp cũng có triệu chứng nói trên. Điều này diễn ra ngay cả với giai đoạn sớm là suy giáp dưới lâm sàng [7]. Đặc biệt ở phụ nữ, tình trạng trầm cảm sau sinh cũng được cho là liên quan đến sự thay đổi hormone giáp [8]. Nếu được bổ sung thay thế hormone giáp, các triệu chứng lo âu, trầm cảm có thể cải thiện tốt [9].
Mặc dù táo bón là một trong những triệu chứng thường gặp trong suy giáp, suy giáp ít khi được nghĩ tới nếu bạn chỉ bị táo bón đơn thuần. Thông thường, bác sĩ sẽ tìm những bệnh lý tiêu hóa có thể gây táo bón kéo dài trước. Điều này là hợp lý bởi vì ít khi suy giáp chỉ biểu hiện duy nhất táo bón. Bình thường, hormone giáp đóng vai trò điều hòa nhu động ruột và quá trình tiêu hóa, đào thải thức ăn. Ở người bệnh suy giáp, thiếu hormone giáp làm giảm tốc độ toàn bộ các bước kể trên, gây ra triệu chứng này. Một nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ táo bón ở người suy giáp là khoảng 17%, so với chỉ 10% ở dân số khỏe mạnh [4]. Khi đã được chẩn đoán suy giáp, táo bón có thể được xử trí bằng việc ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và điều trị hormone giáp đúng mức (Hình 2) [10].
Hình 2: Quản lý triệu chứng táo bón trong suy giáp bằng ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và điều trị hormone giáp đúng mức [10]
Dễ nhận thấy rằng da khô và rụng tóc thường là nguyên nhân khiến bệnh nhân đi khám da liễu hơn là khám nội tiết. Nang tóc và tế bào da thường có tốc độ thay đổi, tái tạo nhanh. Điều đó có nghĩa là bình thường tóc sẽ mọc nhanh để thay cho tóc đã rụng và da được thay mới liên tục. Các quá trình này chịu ảnh hưởng của hormone giáp. Khi thiếu hormone giáp, tóc mọc chậm hơn, không đủ kịp với tốc độ rụng, do đó bạn sẽ cảm thấy tóc dễ rụng. Tại da, những lớp tế bào chết ở phía ngoài không được bong ra và thay thế bởi tế bào non mà tích tụ lại, tạo cảm giác da khô, ngứa. Khoảng 74% bệnh nhân suy giáp bị khô da và 10% ghi nhận có sự thay đổi về tóc [4].
Bệnh nhân suy giáp có thể bị rong kinh (hành kinh kéo dài) hoặc cường kinh (ra máu lượng nhiều khi hành kinh), đồng thời chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể trở nên bất thường. Điều này làm cho bệnh nhân lẫn bác sĩ dễ bỏ sót chẩn đoán suy giáp vì chỉ tập trung rà tìm các nguyên nhân phụ khoa. Trong một khảo sát, khoảng 40% phụ nữ suy giáp gặp triệu chứng này [4].
Tăng cân, sợ lạnh, mệt mỏi, ngủ nhiều là những triệu chứng không đặc hiệu, có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có suy giáp. Nếu không có thêm dấu hiệu chỉ điểm đặc trưng, rất khó để nhận diện đầy đủ các tình trạng này. Hormone giáp kiểm soát cân bằng năng lượng của cơ thể. Khi không đủ hormone, bạn dễ gặp cảm giác thiếu năng lượng để hoạt động thường nhật, dẫn đến mệt mỏi, buồn ngủ, sợ lạnh. Vì ít hoạt động trao đổi chất hơn nên cơ thể tích tụ calo dưới dạng mỡ thay vì đốt lấy năng lượng. Do vậy, người bệnh suy giáp thường tăng cân mặc dù lượng thức ăn hàng ngày không đổi.
Tóm lại, các triệu chứng của suy giáp có thể gặp trong nhiều bệnh lý phổ biến khác. Đó là lý do suy giáp được gọi là “kẻ bắt chước vĩ đại”. Điều này dẫn đến khả năng bỏ sót chẩn đoán suy giáp và vì thế bệnh nhân không được điều trị đúng mức, kịp thời.
Tài liệu tham khảo
VN_GM_THY_148
EXP: 11/5/2024
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.