Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Theo số liệu của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), ung thư tuyến giáp là một trong những loại ung thư khá thường gặp, với khoảng 1.2% dân số sẽ mắc phải bệnh lý này tại một thời điểm bất kỳ trong đời. Ung thư tuyến giáp gặp ở nữ giới nhiều hơn nam gấp khoảng 3 lần. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc, tuy nhiên đa phần tập trung sau 30 tuổi và tần suất tăng dần khi lớn tuổi [1]. Theo số liệu của GLOBOCAN năm 2020, ung thư tuyến giáp đứng trong top 10 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam, với khoảng 5471 ca mắc mới mỗi năm [2]. May mắn là, đa phần trường hợp ung thư tuyến giáp có tiên lượng tốt, nghĩa là có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng mức. Do đó, tỉ lệ tử vong do bệnh lý nói trên gần như rất thấp [2].
Có bốn loại ung thư tuyến giáp chính. Ung thư tuyến giáp dạng nhú là thể phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% trường hợp. Nhiều bệnh nhân chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ chứ hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng nghi ngờ. Loại phổ biến thứ hai là ung thư tuyến giáp dạng nang, lứa tuổi hay gặp lớn hơn một chút so với dạng nhú, ít gặp ở trẻ em và người trẻ. Hai thể này nhìn chung đều có khả năng chữa khỏi cao. Loại tiếp theo chỉ chiếm khoảng 3% là ung thư tuyến giáp dạng tủy, có xu hướng gây triệu chứng đau và cảm thấy khó chịu khi sờ. Loại này đôi khi nằm trong bệnh cảnh chung có tính di truyền gọi là đa u tuyến nội tiết (multiple endocrine neoplasia – MEN), phối hợp với u ở một số nơi khác như u tủy thượng thận, u tuyến cận giáp hay u thần kinh niêm mạc. Loại ác tính nhất là ung thư tuyến giáp không biệt hóa, gần như khó chữa khỏi dù áp dụng các biện pháp điều trị chuẩn và kịp thời. May mắn là loại này có tần suất rất hiếm. Ngoài ra còn có ung thư tế bào Hurthe, cũng là một loại hiếm gặp khác tại tuyến giáp.
Rất nhiều trường hợp ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi. Khác với nhiều loại ung thư nguy hiểm thường chỉ được chỉ định điều trị với mục đích giảm nhẹ triệu chứng nhưng không ngăn ngừa được di căn hay tử vong về sau, ung thư tuyến giáp thực sự có thể khỏi hoàn toàn. Ở người trẻ dưới 50 tuổi, cả ung thư tuyến giáp dạng nhú và dạng nang đều có thể chữa khỏi nếu được áp dụng điều trị đúng mức. Khoảng 98% bệnh nhân vẫn sống được sau 5 năm, phần lớn trong số này thực sự khỏi hoàn toàn, chỉ có 11% có thể tái phát sau đó [1]. Phương pháp điều trị thường được áp dụng hiện nay là cắt bỏ một trong hai thùy của tuyến giáp (chứa nhân giáp ung thư) hoặc cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Sau khi phẫu thuật, tùy vào các yếu tố nguy cơ khác, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định điều trị iod phóng xạ nhằm diệt nốt những tế bào ác tính còn sót lại. Tế bào tuyến giáp, kể cả tế bào lành lẫn ung thư, có một khả năng đặc biệt là bắt giữ iod. Bình thường, hoạt động này được tuyến giáp sử dụng để lấy iod làm nguyên liệu nhằm tổng hợp hormone giáp. Trong trường hợp ung thư, tế bào ung thư bắt giữ iod mạnh hơn tế bào lành. Do vậy, bác sĩ có thể lợi dụng đặc điểm nêu trên để đưa iod phóng xạ vào cơ thể (thường dưới dạng viên nang hoặc dung dịch uống). Khi iod phóng xạ được vận chuyển đến tế bào ung thư, nhờ hoạt tính phóng xạ gây hủy tế bào, chúng làm tế bào ung thư chết đi. Đồng thời, chính những tế bào ác tính bắt giữ iod này còn trở thành một nguồn phát xạ, diệt được tế bào ác tính còn sót lại kế bên mà không ảnh hưởng quá nhiều đến mô lành lân cận. Do vậy, đây là một dạng xạ trị đặc biệt mà không gây các tác dụng phụ toàn thân như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, rụng tóc. Mặc dù vậy, một số ít tế bào lành tính của những cơ quan khác trong cơ thể cũng có thể bắt giữ iod với nồng độ thấp hơn, ví dụ tuyến nước bọt, tuyến lệ, mô vú hay tủy xương, thành ra bác sĩ vẫn cần theo dõi tác dụng phụ ở những vị trí này. Điều kiện cần đầu tiên để có thể áp dụng phương pháp diệt giáp bằng iod phóng xạ là ung thư tuyến giáp phải được xác định là dạng nhú hoặc dạng nang, bởi vì chúng bắt nguồn từ tế bào tuyến giáp bình thường và mặc dù bị biến đổi thành ác tính, chúng vẫn giữ khả năng hấp thu iod. Thứ hai, ung thư phát hiện sớm với ít nguy cơ di căn, lan rộng cũng có thể không cần sử dụng iod phóng xạ. Do vậy, thông thường khi tế bào ung thư lan ra khỏi tuyến giáp đến các hạch lân cận hay cơ quan khác (ví dụ phổi) thì iod phóng xạ là một chỉ định hợp lý theo sau phẫu thuật 5-6 tuần. Ngược lại, ung thư tuyến giáp dạng tủy hoặc ung thư tuyến giáp không biệt hóa thì không có chỉ định điều trị iod phóng xạ bởi vì các tế bào loại này hoặc bản chất không phải là tế bào chức năng của tuyến giáp thông thường, hoặc đã bị biến đổi khác biệt nhiều, kết quả là đều không còn khả năng hấp thu iod nên biện pháp nói trên không có tác dụng điều trị. Sau khi uống iod phóng xạ, bệnh nhân được dặn hạn chế tiếp xúc với người khác trong vòng 2-3 tuần để tránh ảnh hưởng cho người xung quanh, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
Hình 1: Tính chất bắt giữ iod của tế bào tuyến giáp được ứng dụng để điều trị ung thứ
Một tuần sau khi uống phóng xạ, bệnh nhân bắt đầu được dùng hormone giáp tổng hợp nhằm thay thế hormone giáp tự nhiên của cơ thể vì lúc này không còn tuyến giáp để tổng hợp hormone. Ngoài mục đích bổ sung hormone giáp theo nhu cầu thông thường của cơ thể thay cho hormone giáp tự nhiên, dạng tổng hợp còn có vai trò ức chế, ngăn ngừa ung thư tuyến giáp tái phát (gọi là liệu pháp ức chế TSH) và vì vậy, cần uống lâu dài hàng ngày.
Khác với xạ trị trong (sử dụng iod phóng xạ diệt tế bào từ bên trong) kể trên, còn có một loại khác là xạ trị ngoài, tức là sử dụng chùm tia phóng xạ từ bên ngoài chiếu vào để diệt khối u. Xạ trị ngoài phổ biến với nhiều loại ung thư thường gặp, nhưng ít ứng dụng trong ung thư tuyến giáp hơn xạ trị trong, bởi lý do chính là iod phóng xạ đã là một phương pháp tương đối hiệu quả và ít tác dụng phụ. Xạ trị ngoài chỉ được bác sĩ cân nhắc với những loại ung thư không hấp thu iod (ví dụ như ung thư tuyến giáp dạng tủy và ung thư tuyến giáp không biệt hóa). Hóa trị ít có chỉ định trong ung thư tuyến giáp bởi vì ít tác dụng, ngoại trừ một số trường hợp ung thư tuyến giáp không biệt hóa hoặc ung thư tuyến giáp dạng tủy đã lan sang các cơ quan khác trong cơ thể hay không đáp ứng với những biện pháp điều trị khác. Lúc này, hóa trị có thể được dùng phối hợp với xạ trị ngoài. Một biện pháp mới xuất hiện gần đây hơn là điều trị đích cũng được ứng dụng trong ung thư tuyến giáp. Trong phương pháp này, các thuốc ức chế enzyme đặc biệt chỉ tác động đúng vào tế bào ung thư để ngăn cản chúng tăng trưởng và nhân lên, gần như không gây hại cho tế bào lành kế bên, hứa hẹn dần trở thành cách tiếp cận phổ biến khi y học ngày càng phát triển và giá thành giảm xuống.
Tóm lại, ung thư tuyến giáp có thể được chữa khỏi, tùy vào loại ung thư, thời điểm phát hiện và sự phối hợp các phương pháp điều trị kịp thời, đúng cách.
VN_GM_THY_101;exp:31/12/2021
Tài liệu tham khảo
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.