BỆNH TUYẾN GIÁP VÀ KHẢ NĂNG SINH SẢN

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

    Cả suy giáp và cường giáp đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản của bạn về hai khía cạnh cụ thể, khả năng thụ thai và khả năng duy trì thai kỳ khỏe mạnh sau khi đã thụ thai. Ngay cả khi chức năng tuyến giáp bình thường (bình giáp) nhưng có sự hiện diện của kháng thể tự miễn, sức khỏe sinh sản cũng có thể bị rối loạn.

    Đầu tiên, bất thường nồng độ thyroid stimulating hormone (TSH), dù trong cường giáp hay suy giáp, đều ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng, nghĩa là buồng trứng gặp khó khăn hơn bình thường trong việc phóng thích noãn trưởng thành mỗi tháng. Ở những người có bệnh lý tuyến giáp, thường nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt dễ bị rối loạn hơn nửa đầu chu kỳ, bởi vì đây là giai đoạn theo sau thời điểm rụng trứng. Điều này xảy ra do bất thường nồng độ và diễn tiến của hai hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone [1]. Các dấu hiệu cụ thể chỉ điểm rằng bạn đang rối loạn nồng độ progesterone là chu kỳ kinh dài hơn bình thường trước đây của bạn, giai đoạn hành kinh dài hay ngắn hơn trước đây, hoặc lượng máu kinh ít hay nhiều hơn trước đây. Ảnh hưởng sức khỏe sinh sản không chỉ là vấn đề quan tâm của riêng nữ giới. Ở nam, rối loạn chức năng tuyến giáp cũng gây tác động lên sức khỏe sinh sản và là một trong các nguyên nhân cần tầm soát ở những cặp vợ chồng đang tham vấn và điều trị vô sinh, hiếm muộn. Cụ thể, bệnh lý tuyến giáp làm giảm chất lượng tinh trùng, giảm khả năng di động của tinh trùng, do vậy tinh trùng khó tiếp cận trứng để thụ tinh hơn. Tuy nhiên, bài viết này tập trung chủ yếu vào các vấn đề đa dạng xảy ra ở nữ giới. 

    Suy giáp là một vấn đề không quá hiếm gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mà nguyên nhân thường gặp nhất là viêm giáp Hashimoto. Trong bệnh lý này, cơ thể sản xuất ra kháng thể tự miễn (thyroid peroxidase - TPO-Ab), tấn công vào tuyến giáp gây viêm và phá hủy cơ quan này, dẫn đến giảm sản lượng hormone mà tuyến giáp tạo ra, do đó gây nên tình trạng suy giáp. Tuy nhiên, suy giáp thường diễn tiến âm thầm, ít khi gây triệu chứng rõ. Nhiều phụ nữ chỉ vô tình phát hiện suy giáp khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ hoặc khi đến thăm khám tầm soát các nguyên nhân gây vô sinh. Một số triệu chứng có thể gặp của suy giáp là mệt mỏi, uể oải, yếu cơ, chậm chạp, kém tập trung, giảm trí nhớ, da khô, tóc khô, sợ lạnh, tăng cân, táo bón. Về khía cạnh sinh sản, suy giáp tác động đến giai đoạn phóng noãn làm trứng khó rụng hơn, ảnh hưởng chu kỳ kinh nguyệt, gây cường kinh, rong kinh, làm cho trứng đã rụng khó có môi trường thuận lợi để thụ thai hay làm tổ, hoặc ngay cả khi đã làm tổ, vẫn có nguy cơ khó giữ được thai kỳ toàn vẹn trong suốt 9 tháng cho tới lúc sinh. Vì vậy, tỉ lệ sinh non hoặc sảy thai ở phụ nữ suy giáp không được điều trị cao hơn người bình thường.

    Ở khía cạnh ngược lại, cường giáp là tình trạng mà tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất hormone quá mức với nguyên nhân thường gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow). Bệnh nhân Graves cũng có sự tăng sản xuất kháng thể tự miễn (thyroid stimulating immunoglobulin – TSI hay còn gọi là thyroid receptor antibodies – TRAb) làm kích hoạt tuyến giáp hoạt động mạnh hơn. Khi tuyến giáp tăng chức năng, chu kỳ kinh nguyệt có xu hướng thưa ra, hành kinh ít hơn, thậm chí vô kinh, điều này cũng không thuận lợi cho quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng. Kết quả trong cả thai kỳ là làm tăng khả năng sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra, cường giáp có khả năng diễn tiến nặng lên xoay quanh thời điểm chuyển dạ, vì đây là một sự kiện gây nhiều stress cho cơ thể. Trạng thái nặng nhất của cường giáp là cơn bão giáp, khi hormone giáp trong máu tăng quá cao ảnh hưởng tới toàn bộ hệ cơ quan, mà tác động rõ rệt và có hại nhất thường là trên hệ tim mạch, tiêu hóa-gan mật và thần kinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên, nam giới cường giáp thường giảm số lượng tinh trùng, góp phần vào nguyên nhân gây khó có con cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. 

    Ngay cả khi chưa biểu hiện rối loạn chức năng tuyến giáp dưới dạng cường giáp hay suy giáp, sự tồn tại của kháng thể tự miễn trong cơ thể cũng đã gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Sự thụ tinh và làm tổ là một quá trình đưa vật lạ vào cơ thể. Trứng của người mẹ sau khi thụ tinh mang thêm bộ gen từ bố, do đó khi bắt đầu làm tổ trong tử cung, bản thân cơ thể mẹ có thể nhận diện đây là tác nhân lạ. Những người có bệnh lý tự miễn, trong tình huống này là bệnh lý tuyến giáp tự miễn như Graves hay viêm giáp Hashimoto, thì phản ứng miễn dịch chống lại quá trình làm tổ có thể mạnh hơn người bình thường, gây đào thải phôi mới làm tổ. Đây là lý do làm cho một số người khó thụ thai, hoặc sau khi thụ thai khó giữ được em bé ổn định đến cuối thai kỳ, mặc dù xét nghiệm chức năng tuyến giáp không ghi nhận bất thường. Vì vậy, ở những cặp vợ chồng đang tìm kiếm biện pháp hỗ trợ sinh sản vì chậm có con, bệnh lý tuyến giáp tự miễn là một trong những tầm soát được khuyến cáo tiến hành thường quy và cần được điều trị, quản lý ổn định trước khi bắt đầu bất kỳ thủ thuật hỗ trợ sinh sản nào [2]. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể cho thấy nồng độ kháng thể ở ngưỡng nào nhất định thì bắt đầu ảnh hưởng không tốt đến chức năng sinh sản.

    Tóm lại, bệnh tuyến giáp tự miễn, kể cả gây suy giáp hay cường giáp, đều có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cho cả nam giới và nữ giới, trong đó phụ nữ thường chịu nhiều tác động xấu hơn, từ giai đoạn rụng trứng, thụ tinh, làm tổ, duy trì thai kỳ cho đến khi chuyển dạ. Vì vậy, quản lý bệnh tuyến giáp tốt là một trong các yêu cầu cần chú ý trong chăm sóc sức khỏe sinh sản.

VN_GM_THY_100;exp:31/12/2021

    

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.endocrineweb.com/thyroid-disorders-fertility

  2. Poppe K, Bisschop P, Fugazzola L, Minziori G, Unuane D, Weghofer A. 2021 European Thyroid Association Guideline on Thyroid Disorders prior to and during Assisted Reproduction. Eur Thyroid J. 2021 Feb;9(6):281-295

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1555
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2829
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1483