Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Hormone giáp tổng hợp là một chế phẩm tổng hợp được sử dụng để thay thế cho hormone giáp tự nhiên của cơ thể trong tình huống bạn bị suy giáp. Ngoài ra, hormone giáp tổng hợp còn được dùng ở bệnh nhân sau điều trị ung thư tuyến giáp nhằm giảm nguy cơ tái phát bệnh. Tuy nhiên, việc chỉnh liều thuốc cho đạt mục tiêu là điều không đơn giản, bởi vì xét nghiệm chức năng tuyến giáp có thể dao động ngay cả khi bạn đang uống cố định một mức liều trong thời gian dài. Một số điểm dưới đây cần được lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc vì có thể là nguyên nhân làm thay đổi hoạt động của thuốc, dẫn đến thuốc chưa đạt tác dụng tối ưu. Biểu hiện của hiện tượng này là bạn vẫn còn các triệu chứng suy giáp như sợ lạnh, tăng cân, táo bón, hay mệt mỏi, buồn ngủ, tần số tim chậm dù đã tăng liều theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thứ nhất, thời điểm uống thuốc rất quan trọng. Hormone giáp hấp thu vào cơ thể tốt nhất khi đói. Nếu sử dụng cùng thức ăn, thuốc bị giảm hấp thu đáng kể, đặc biệt khi dùng cùng chất xơ (rau củ), cà phê và các sản phẩm từ đậu nành (đậu khuôn, đậu nành luộc, sữa đậu nành) [1, 2, 3]. Nếu dùng trước bữa sáng ít nhất 60 phút hay dùng trước khi đi ngủ, cách bữa tối ít nhất ba tiếng trở lên, độ hấp thu đạt tối đa khoảng 80%. Trong khi đó, nếu bạn dùng gần bữa ăn, con số này giảm xuống chỉ còn 64% [4]. Vì vậy, trước ăn sáng một tiếng hoặc trước khi đi ngủ là lúc tốt nhất để sử dụng hormone giáp và nên uống cố định vào một thời điểm mỗi ngày [5]. Trong một nghiên cứu ở Ý, những bệnh nhân chưa đạt mục tiêu điều trị (dựa vào nồng độ thyroid stimulating hormone – TSH) khi đang dùng hormone giáp được khảo sát kỹ hơn để xem lý do khả dĩ. Nguyên nhân chính được tìm ra là vì những bệnh nhân này uống thuốc vào buổi sáng chỉ cách bữa ăn sáng 20 phút. Sau một tháng điều chỉnh lịch uống thuốc sao cho cách bữa sáng ít nhất 60 phút, TSH ở tất cả bệnh nhân đều đạt mục tiêu mong muốn, gợi ý rằng thời điểm dùng thuốc rất quan trọng đối với hormone giáp [6]. Các thuốc dùng cho bệnh khác cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu hormone giáp, ví dụ như aluminum hydroxide, sucralfate (viêm loét dạ dày) hay thực phẩm bổ sung sắt, calci, vì vậy cần được uống cách hormone giáp ít nhất bốn giờ [5]. Những thực phẩm chứa nhiều iod như rau câu, rong biển, phổ tai mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến sự hấp thu hormone giáp nhưng gây ảnh hưởng nhiễu mạnh đến xét nghiệm tuyến giáp hoặc trở thành nguồn nguyên liệu để tuyến giáp tổng hợp hormone, gây dao động chức năng tuyến giáp nhiều và vì vậy nên hạn chế dùng ở bệnh nhân bệnh lý tuyến giáp nói chung. Các rau họ cải chứa chất sinh bướu giáp vẫn được dùng với lượng vừa phải như thông thường và phối hợp đa dạng rau củ, miễn là không sử dụng quá nhiều trong thời gian ngắn.
Thứ hai, tập kiên nhẫn quan sát hiệu quả của thuốc. Tùy vào mức độ suy giáp, độ tuổi và bệnh lý nền đồng mắc mà mỗi người được bác sĩ chỉ định một liều khác nhau khi bắt đầu điều trị thay thế hormone giáp. Mặc dù vậy, liều khởi trị chỉ là con số tương đối chứ không hoàn toàn đảm bảo khớp chính xác với lượng hormone thiếu hụt của bạn. Do vậy, có người thấy đáp ứng chậm, cải thiện rất từ từ, không ngoạn mục như mong đợi. Ngược lại, người chuyển nhanh từ trạng thái suy giáp sang bình giáp hay thậm chí cường giáp (nếu liều cao hơn nhu cầu) có thể cảm thấy xuất hiện các triệu chứng bứt rứt, hồi hộp, đánh trống ngực gây khó chịu trong vòng 1-2 tuần đầu khi mới bắt đầu dùng thuốc hoặc bắt đầu tăng liều, thay cho tình trạng uể oải, mệt mỏi, chậm chạp trước đó. Tuy nhiên, những triệu chứng này thường sẽ ổn định sau 1-2 tháng khi bạn đã được bác sĩ chỉnh liều phù hợp. Việc tái khám thường xuyên trong giai đoạn mới khởi trị là điều cần thiết để bác sĩ có cơ sở đánh giá dựa trên triệu chứng và xét nghiệm TSH, từ đó đưa ra quyết định tăng hay giảm liều. Vì vậy, dù cho triệu chứng ít hay nhiều hơn mong đợi cũng cần sự kiên nhẫn hợp tác của người bệnh cho đến khi ổn định được liều thuốc cần dùng.
Thứ ba, không nên thay đổi biệt dược của hormone giáp đang dùng. Dù cùng một hoạt chất và sử dụng cùng liều giống trước nhưng khi thay đổi biệt dược, sự hấp thu và mức độ hoạt động của thuốc vẫn có thể khác nhau, dẫn đến hiệu quả thay đổi. Do đó, bạn được khuyên nên duy trì cố định loại biệt dược xuyên suốt quá trình điều trị để bác sĩ có cơ sở điều chỉnh liều khi cần [5]. Những thuốc trên thị trường đã được kiểm định và công nhận bởi cơ quan y tế thường có hiệu lực dao động từ 95-105% so với một thuốc tương đương, tuy nhiên cần chú ý rằng với dạng tổng hợp của hormone giáp T4, chỉ dao động nhỏ 5-10% cũng đủ để gây khác biệt về hiệu quả lâm sàng. Nếu vì lý do bất khả kháng (chẳng hạn do bảo hiểm y tế, thuốc không còn hàng trên thị trường) mà bạn phải đổi nhãn hiệu thuốc, bác sĩ có thể phải xét nghiệm TSH sát hơn và bắt đầu một quy trình chỉnh liều lại từ đầu để đạt tác dụng hài lòng như mong đợi.
Thứ tư, không nên tự ý dùng kèm các thuốc hỗ trợ tuyến giáp khác. Hormone giáp thường được bác sĩ chỉ định nhất là chế phẩm tổng hợp của T4, một trong hai dạng hormone giáp của cơ thể. Dạng còn lại là T3, cũng có chế phẩm tổng hợp tương tự trên thị trường, kể cả dưới dạng thuốc hay nằm trong thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, T3 hoạt động với thời gian ngắn và làm triệu chứng dao động nhiều, do đó không được bác sĩ khuyến khích dùng. Ngoài ra, việc dùng đồng thời T3 và T4 còn làm cho bác sĩ khó dự đoán hiệu quả thuốc để chỉnh liều. Sử dụng phối hợp T3/T4 mặc dù từng được nhiều nghiên cứu tiến hành khảo sát nhưng đều cho kết quả không thuyết phục, vì vậy hiện tại bác sĩ không khuyến khích bạn dùng chung hai loại thuốc này, trừ một số ít trường hợp nhất định khi triệu chứng chưa hoàn toàn cải thiện với T4 đơn thuần mặc dù TSH đã đạt mục tiêu [5, 7]. Các loại thuốc với nhãn mác hỗ trợ chức năng tuyến giáp cũng là nguồn dược phẩm cần chú ý tránh sử dụng. Trong một nghiên cứu năm 2013 tại Đức, trong số 10 nhãn hiệu thương mại được quảng cáo như “thuốc hỗ trợ tuyến giáp” bán chạy nhất thị trường, 9 thuốc có chứa T3, T4 hoặc cả hai với hàm lượng thay đổi, dưới nhiều dạng tên khác nhau. Một số thuốc chứa tinh chất tuyến giáp động vật với các tên thường được liệt kê trong mục thành phần là ashwagandha, guggul và Coleus forskohlii [8]. Lượng hormone giáp trong này có thể hiệp đồng cùng hormone giáp mà bác sĩ kê đơn, dẫn đến tình trạng quá liều (cường giáp) do điều trị. Ngoài ra, những sản phẩm trích xuất từ động vật như vậy có thể chứa mầm bệnh lây truyền qua động vật nếu không được xử lý chặt chẽ đúng cách.
Thứ năm, hormone giáp cần được bảo quản đúng cách, tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ và độ ẩm cao. Trong một nghiên cứu ở Ý trên những bệnh nhân vẫn còn triệu chứng suy giáp dù đã được chỉnh liều hormone giáp tối ưu theo ý kiến bác sĩ, nguyên nhân được tìm ra là vì bệnh nhân để thuốc ở nơi không phù hợp, ví dụ như gần lò sưởi, gần cửa sổ phòng tắm hoặc để ở một lọ trong suốt ngay gần cửa sổ nắng chiếu. Khi được hướng dẫn lại về nơi bảo quản, triệu chứng suy giáp ở các bệnh nhân này đáp ứng cải thiện rõ rệt [9].
Hình 1: Một số điều chú ý khi uống hormone giáp
Tóm lại, trên đây là một số điểm cần lưu ý kiểm tra và điều chỉnh nếu như bạn đang dùng hormone giáp tổng hợp để thay thế hormone giáp nhưng chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
VN_GM_THY_99;exp:31/12/2021
Tài liệu tham khảo
Bài viết liên quan
Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.
Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.
Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.