TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG CỦA CƯỜNG GIÁP

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Nhiễm độc giáp là hội chứng lâm sàng xảy ra khi nồng độ hormone giáp trong máu của bạn cao vượt ngưỡng bình thường. Sự tăng lượng hormone giáp này có thể do: tuyến giáp tăng sản xuất quá mức (cường giáp), tuyến giáp bị phá hủy dẫn đến hormone giáp dự trữ bên trong bị thoát ra ngoài (viêm giáp) hay dùng quá liều hormone giáp trong điều trị. Ngoài ra còn một số ít bệnh cảnh hiếm gặp hơn là các khối u ở những vị trí khác trong cơ thể nhưng có khả năng tiết hormone giáp. Khi xét đến những nguyên nhân cường giáp thường gặp, bệnh Graves (hay Basedow) đứng đầu, tiếp theo là bướu giáp đa nhân độc và nhân độc giáp [1].

Hình 1: Minh họa các triệu chứng cường giáp [2]

Bệnh nhân cường giáp có thể bộc lộ những triệu chứng gần tương tự các bệnh lý khác, làm cho bác sĩ của bạn đôi khi khó chẩn đoán và đòi hỏi phải xem xét phối hợp trong một bệnh cảnh chung. Triệu chứng lâm sàng của cường giáp biểu hiện trên nhiều hệ cơ quan, bao gồm:

        - Sụt cân không chủ ý, ngay cả khi cảm giác thèm ăn và lượng thực phẩm mà bạn ăn hàng ngày không đổi hoặc thậm chí còn tăng. Một số người có thể sụt đến 10-20 kg trước khi được phát hiện, chẩn đoán và điều trị.

        - Tần số tim nhanh: những trường hợp cường giáp rõ có thể gặp tần số tim lên đến hơn 100 lần/phút, trong khi trị số này ở người bình thường lúc nghỉ ngơi thường rơi vào khoảng 60-100 lần/phút. Khi tim đập quá nhanh hoặc không đều, bạn sẽ có cảm giác hồi hộp và đánh trống ngực.

        - Tim đập không đều: nếu cường giáp không điều trị dẫn đến biến chứng rối loạn nhịp (đặc biệt là rung nhĩ), bạn có thể cảm thấy nhịp tim hay mạch của mình không còn đập theo một chu kỳ giãn cách đều nhau như bình thường. Hiện tượng tim đập không đều báo hiệu sự kiểm soát bệnh kém và có khả năng dẫn đến nguy cơ khác nghiêm trọng hơn, đặc biệt là hình thành huyết khối trong mạch máu.

        - Đánh trống ngực: cảm giác này của bạn xảy ra do sự tổng hợp của ba triệu chứng, bao gồm tim đập nhanh, đập mạnh và đập không đều.

        - Run tay: bạn có thể bị run tay, thấy rõ nhất ở bàn tay và các đầu ngón tay, trong khi phần cánh tay thường không bị ảnh hưởng. Triệu chứng này càng rõ nét khi bạn duỗi thẳng các ngón tay theo nhiều hướng khác nhau (Hình 2). Nếu chưa thấy rõ điều này khi thăm khám, bác sĩ có thể đặt một tờ giấy mỏng nằm ngang khi bạn đang lật sấp bàn tay và duỗi thẳng các ngón nhằm quan sát sự rung động của tờ giấy, gián tiếp phản ánh mức độ run của bàn ngón tay.

Hình 2: Tư thế duỗi tay khi bác sĩ khám run tay

        - Sợ nóng: bạn thường có cảm giác nóng xuyên suốt cả ngày, dù đang ở trong nhà hay nơi mát mẻ. Hiện tượng này càng gây khó chịu và làm cho người bệnh không thoải mái nếu phải ở trong môi trường nóng. Mặc dù vậy, triệu chứng này không phải là sốt và do đó khi đo thân nhiệt sẽ cho kết quả bình thường.

        - Đổ mồ hôi: tương tự triệu chứng sợ nóng phía trên, bạn còn dễ đổ mồ hôi hơn dù không hoạt động thể lực nặng. Một vị trí dễ cảm nhận sự khác biệt nhất là lòng bàn tay, thường ấm và ẩm hơn bình thường.

        - Tiêu chảy: hormone giáp làm tăng nhu động ruột của bạn, hay nói cách khác kích thích ruột co bóp, vận động nhiều hơn, do đó có thể gây tiêu chảy. Tiêu chảy trong hội chứng cường giáp thường chỉ tăng về số lần và phân lỏng hơn nhưng không kèm nhầy máu, đau bụng rõ hay sốt giống như các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa.

        - Teo cơ, yếu cơ: nếu cường giáp lâu ngày không được chẩn đoán và điều trị, các khối cơ của bạn có thể giảm rõ rệt, đặc biệt là cơ ở tay và chân, vùng vai, vùng xương chậu tạo cảm giác yếu, gây khó khăn cho việc đi lại và thao tác cầm nắm, mang vác đồ nặng.

         - Rụng tóc: mặc dù tóc mỏng, thưa, dễ rụng là một biểu hiện không đặc hiệu, có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhưng đây cũng là một triệu chứng được ghi nhận ở bệnh nhân cường giáp.

        - Lo âu: trong trạng thái cường giáp, bạn thường biểu hiện tăng động, dễ kích thích, bứt rứt, nóng nảy hơn và dễ bị lo âu với những hoạt động đời sống hàng ngày mà đúng ra trước đây không gây ảnh hưởng gì đến tâm tính của bạn.

        - Mất ngủ: hormone giáp tăng không những có tác động vào ban ngày, tạo nên các triệu chứng như lo âu, kích thích mà còn ảnh hưởng tương tự vào ban đêm gây khó ngủ. Khó ngủ, mất ngủ về đêm lâu ngày gây mệt mỏi vào sáng hôm sau, ảnh hưởng chuyện học tập, công việc và đời sống xã hội. Đây là lý do càng làm cho bạn cảm thấy nóng nảy, khó tính.

        - Kinh thưa: nếu là nữ, chu kỳ kinh của bạn đôi khi thưa ra và ít hơn so với bình thường. Khi bệnh nặng, bạn thậm chí có thể mất kinh. Tình trạng này thường hồi phục sau khi điều trị cường giáp đầy đủ.

    Ngoài hội chứng cường giáp nêu trên, bạn còn có khả năng gặp các biểu hiện đặc trưng của bệnh lý nguyên nhân là bệnh Graves như bướu giáp to lan tỏa hay bệnh lý mắt do Graves. Đây là một nhóm triệu chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau chẳng hạn như: khô mắt, đỏ, sưng hay cảm giác cộm xốn ở mắt, khó nhắm kín mi mắt hoặc khó liếc mắc theo nhiều hướng, lồi mắt, nhìn đôi (song thị) hoặc thậm chí nhìn mờ (Hình 2) [3].

Hình 3: Triệu chứng lồi mắt trong bệnh Graves [4]

   

Bản thân mỗi triệu chứng kể trên đơn thuần không đủ đặc hiệu để chẩn đoán cường giáp nhưng sự hiện diện của chúng, đặc biệt càng nhiều càng tốt, gợi ý có thể bạn đang bị cường giáp. Nếu nghi ngờ, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Cố gắng mô tả thật chi tiết những sự thay đổi cơ thể mà bạn cảm nhận được để giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán, từ đó đề ra xét nghiệm phù hợp.

   

Tài liệu tham khảo

  1.  Douglas S. Ross, Henry B. Burch (2016). 2016 American Thyroid Association Guidelines for Diagnosis and Management of Hyperthyroidism and Other Causes of Thyrotoxicosis. Thyroid, 26(10):1343-1421.
  2. https://www.pinterest.com/pin/265219865530805896/
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659
  4. https://www.mayoclinic.org/medical-professionals/ophthalmology/news/rituximab-offers-no-benefit-over-placebo-to-patients-with-active-or-moderate-to-severe-graves-orbitopathy/mac-20431019

VN_GM_THY_67

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1754
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
3046
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1701