CHẨN ĐOÁN CƯỜNG GIÁP

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

Việc chẩn đoán hội chứng cường giáp của bạn được bác sĩ bắt đầu bằng việc thăm khám lâm sàng để tìm ra những triệu chứng gợi ý phù hợp. Không có một triệu chứng hay biểu hiện nào hoàn toàn đặc hiệu cho cường giáp mà sự hiện diện của càng nhiều yếu tố thì khả năng bạn mắc cường giáp càng cao. Một số dấu hiệu điển hình hay gặp là run tay, đặc biệt tăng khi bạn duỗi thẳng, dang rộng các ngón; hồi hộp, đánh trống ngực; đổ mồ hôi, da ấm, cảm giác sợ nóng; tiêu chảy, sụt cân, teo cơ; hay bứt rứt, kích động, lo âu. Ngoài ra, đôi khi người thân xung quanh có thể nhận thấy hiện tượng lồi mắt của bệnh nhân cường giáp do bệnh Graves. Khi thăm khám người có những gợi ý cường giáp như trên, bác sĩ sẽ chú trọng vào việc kiểm tra kích thước, mật độ tuyến giáp và đếm tần số tim, xem nhịp tim đều hay rối loạn. Tuy nhiên, khi bạn càng lớn tuổi thì các triệu chứng nói trên càng kém rõ ràng, không còn điển hình như ở bệnh nhân trẻ, vì vậy cần phải có biện pháp đánh giá khác mang tính khách quan hơn.

   

Cường giáp nghĩa là tuyến giáp tăng hoạt động hoặc vì lý do nào đó bị tổn thương, giải phóng hormone giáp vào máu. Do đó, để chẩn đoán xác định xem bạn có thực sự bị cường giáp hay không, cần phải có bằng chứng về sự tăng cao nồng độ hormone giáp. Cụ thể, bác sĩ tiến hành lấy máu xét nghiệm hormone giáp (gồm hai loại T3, T4) và một hormone khác từ tuyến yên là TSH (Thyroid-stimulating hormone) nhằm đánh giá mối liên hệ về mặt chức năng giữa hai cơ quan này trong tình trạng bệnh. Thông thường khi bạn bị cường giáp do những nguyên nhân phổ biến như bệnh Graves (Basedow), bướu giáp đa nhân độc hay nhân độc giáp, lượng hormone giáp tăng trong khi TSH giảm. Đây là cơ chế thích nghi bình thường của cơ thể khi tuyến giáp tăng tiết quá nhiều sản phẩm, gây một tín hiệu nhằm báo cho tuyến yên của bạn biết rằng lượng hormone giáp đang dư thừa, tuyến yên không cần phải tiết TSH để kích hoạt quá trình sản xuất nói trên nữa. Mức độ bệnh càng nặng thì hormone giáp tăng càng nhiều và TSH giảm xuống càng thấp, đôi khi thấp tới mức không thể đo được. TSH có thể giảm từ sớm ngay cả khi xét nghiệm T3, T4 của bạn cho kết quả trong giới hạn bình thường. Điều này chứng tỏ TSH là một công cụ hữu ích để phát hiện sớm cường giáp, bên cạnh hormone giáp T3, T4 hoặc dạng tự do tương ứng của chúng là FT3, FT4 (Hình 1). Chú ý rằng các xét nghiệm hormone giáp bị nhiễu đáng kẻ bởi biotin (còn gọi là vitamin B7 hay vitamin H), có trong thành phần của nhiều thực phẩm chức năng bổ sung đa khoáng chất, đặc biệt những loại thuốc được quảng cáo làm giảm rụng tóc, ngăn ngừa hói đầu. Hãy báo cho bác sĩ biết khi bạn đang sử dụng các thuốc này và nếu được, nên ngưng biotin ít nhất 12 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm chức năng tuyến giáp [1].

   

Nếu bướu giáp của bạn to lan tỏa, triệu chứng cường giáp rõ, kèm lồi mắt, khả năng cao là bạn bị bệnh Graves. Lúc này có thể bác sĩ không cần xét nghiệm hỗ trợ. Trong những trường hợp còn lại, nếu đã chẩn đoán bạn bị cường giáp, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số phương tiện cận lâm sàng khác nhằm tìm hiểu nguyên nhân bên dưới dẫn đến hội chứng này, tùy thuộc gợi ý cụ thể. Một vài xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh liên quan bệnh lý tuyến giáp, đặc biệt trong trường hợp nghi ngờ cường giáp là:

        - Kháng thể tuyến giáp. Kháng thể tự miễn tuyến giáp là những thành phần do cơ thể tự sản xuất, tác động nên tuyến giáp và làm cho tuyến giáp hoạt động bất thường. Cơ chế vì sao cơ thể tiết ra kháng thể không có lợi như vậy hiện vẫn đang được nghiên cứu. Những loại kháng thể thường gặp là TRAb kích thích tuyến giáp tăng hoạt động trong bệnh Graves hoặc TPOAb gây phá hủy tế bào tuyến giáp trong bệnh lý viêm giáp Hashimoto. Do bệnh Graves là một trong những nguyên nhân gây cường giáp phổ biến hàng đầu nên bác sĩ thường chỉ định TRAb để phát hiện nguyên nhân này một khi bạn đã được chẩn đoán cường giáp.

        - Đo độ tập trung iod. Trong xét nghiệm này, bạn được uống một lượng nhỏ iod phóng xạ với liều tính toán cẩn thận để xem mức độ mà tuyến giáp hấp thu iod như thế nào. Sau mỗi mốc thời điểm 4 giờ, 6 giờ, 24 giờ, bác sĩ đo đếm lượng này và xây dựng nên một biểu đồ mô tả hoạt động tương ứng của tuyến giáp. Nếu bạn bị cường giáp và độ tập trung iod cao, điều này chứng tỏ tuyến giáp đang cố gắng bắt giữ iod để tăng sản xuất hormone giáp quá mức, phù hợp với bệnh Graves, nhân độc giáp hay bướu giáp đa nhân độc. Nếu bạn bị cường giáp nhưng độ tập trung iod thấp, kết quả này chỉ ra tuyến giáp đang bị tổn thương, tế bào không còn bắt giữ được iod và nguồn hormone giáp dự trữ bên trong tuyến giáp từ trước đang bị rò rỉ ra ngoài, gây nên cường giáp (hay thuật ngữ đúng hơn trong trường hợp này là nhiễm độc giáp). Nguyên nhân với khả năng phù hợp nhất ở đây là viêm giáp.

        - Xạ hình tuyến giáp. Nguyên tắc của phương pháp này tương tự như đo độ tập trung iod, tuy nhiên mức độ hấp thu của iod phóng xạ tại tuyến giáp lúc này được đồ thị hóa thành một dạng hình ảnh trực quan, chỉ ra vị trí cụ thể trên tuyến giáp tăng hay giảm hoạt động sản xuất bất thường, từ đó giúp bác sĩ phân biệt rõ hơn bệnh Graves (tăng hoạt động nguyên một thùy hay toàn bộ tuyến giáp) và nhân độc giáp hoặc bướu giáp đa nhân độc (chỉ tăng hoạt động theo từng vùng nhỏ riêng biệt, gọi là các nốt hay nhân) (Hình 2).

        - Siêu âm tuyến giáp. Đây là một phương tiện rẻ tiền, an toàn vì không phải tiếp xúc phóng xạ và có thể thực hiện lặp lại nhiều lần. Siêu âm cung cấp thông tin cho bác sĩ về hiện trạng tuyến giáp của bạn nhằm phát hiện các nhân giáp, hình ảnh tăng sinh mạch máu, tăng hoạt động tuyến giáp (trong bệnh Graves) hay hình ảnh mô tuyến giáp không đồng đều (trong viêm giáp). Các công nghệ hiện đại gần đây thậm chí còn tích hợp siêu âm tuyến giáp với phần mềm trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence – AI), cho phép nhận diện và kết luận bệnh lý tuyến giáp với mức độ chính xác hơn và ít bị ảnh hưởng chủ quan của người thực hiện siêu âm.

Trên đây là cách tiếp cận để chẩn đoán cường giáp và các nguyên nhân cường giáp thường gặp. Tuy vậy, phương tiện chẩn đoán hình ảnh hay xét nghiệm nào cũng chỉ có giá trị khi được kết hợp song hành với việc đánh giá trực tiếp của bác sĩ qua thăm khám lâm sàng. Nếu có những dấu hiệu gợi ý kể trên, bạn nên gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/diagnosis-treatment/drc-20373665
  2.  https://www.slideserve.com/shina/thyrotoxicosis
  3.  https://thehealthnexus.org/using-artificial-intelligence-to-predict-thyroid-cancer-risk/

VN_GM_THY_68

Bài viết liên quan

CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP HẠ ĐƯỜNG HUYẾT

Hạ đường huyết nặng có thể gây nguy hiểm tính mạng. Do đó, cần có biện pháp xử trí hạ đường huyết nhanh chóng, kịp thời.

Xem thêm
1585
NGƯỜI THỪA CÂN, BÉO PHÌ KHI NÀO NÊN TẦM SOÁT TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG?

Tiền đái tháo đường là giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường. Đây được xem là khoảng thời gian sớm mà bệnh có thể hồi phục.

Xem thêm
2864
CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG VÀ TẬP LUYỆN CHO NGƯỜI TIỀN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19

Chế độ ăn và tập luyện cho người tiền đái tháo đường lành mạnh là thành tố quan trọng trong quản lý tiền đái tháo đường của người bệnh.

Xem thêm
1515