Tần số tim, cùng với huyết áp, là hai thông số cơ bản phản ánh tình trạng sức khỏe tim mạch nói chung của bạn. Tần số tim có thể được dùng để nhận diện sớm một vài bất thường tim mạch. Thông thường, tần số tim được phép dao động trong một khoảng nhất định, tăng cao khi vận động, tập luyện thể lực và hạ thấp khi nghỉ ngơi, làm việc tĩnh tại hay khi ngủ. Tuy nhiên, nếu tần số tim vượt quá giới hạn cho phép, điều đó báo động hệ tim mạch của bạn đang có vấn đề. Đặc biệt tần số tim lúc nghỉ là một dấu hiệu dễ theo dõi và dễ ứng dụng trong việc phát hiện sớm một số bệnh lý tim mạch.
Với người đã có bệnh tim mạch, việc kiểm soát tần số tim thường được bác sĩ quan tâm bởi vì tần số tim nhanh thường không có lợi về lâu dài. Về mặt điều trị, bác sĩ có thể chỉ định một số nhóm thuốc để làm giảm tần số tim của bạn theo mục tiêu định trước. Tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng vì tần số tim còn bị chi phối bởi các hoạt động đời sống hàng ngày, mà cụ thể dễ thấy nhất là khi vận động. Mỗi cá nhân có một mức độ hoạt động thể lực khác nhau, kể cả cùng một người cũng có nhiều thời điểm trong ngày với mức độ hoạt động khác nhau. Do vậy, người bệnh thường được bác sĩ hướng dẫn thêm những hành vi thay đổi lối sống để giúp hiệp đồng đạt mục tiêu điều trị.
Hoạt động thể lực. Một trong những đối tượng thường gặp tần số tim lúc nghỉ cao là người có lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực. Khi bạn kiên trì tập luyện đủ lâu, tim dần dần thích nghi. Lúc này, cơ tim mạnh hơn, có thể bơm một lượng máu lớn hơn để nuôi cơ thể trong mỗi nhịp bóp. Do đó, tim không cần phải đập nhanh nữa mà vẫn đảm bảo được nhu cầu của cơ thể (Hình 1). Ngoài ra, tập luyện thể lực còn đồng thời giúp cải thiện những bệnh lý hay tình trạng thường gặp đi kèm tần số tim nhanh như tăng huyết áp, thừa cân-béo phì và đái tháo đường. Tất cả lợi ích này đều giúp làm giảm nguy cơ biến cố tim mạch của bạn. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (American Heart Association – AHA) khuyến cáo nên vận động với cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc cường độ nặng ít nhất 75 phút/tuần hay kết hợp cả hai. Lý tưởng nhất là chia đều thời gian tập ra trong tuần thay vì dồn vào một buổi quá nhiều [1]. Những hoạt động được xếp loại cường độ trung bình là đi bộ nhanh, ít nhất 2.5 dặm/giờ (tương đương khoảng 4 km/giờ), khiêu vũ, chơi tennis đôi, một số môn aerobic dưới nước, làm vườn hoặc đạp xe tốc độ vừa phải (không quá 16 km/giờ) [1]. Các hoạt động được xem như cường độ nặng là leo núi (có thể kèm vác theo vật nặng), chạy bộ, bơi nhiều vòng quanh hồ bơi, làm vườn nhưng có các thao tác nặng như đào hố, cày xới đất, chơi tennis đơn, đạp xe với vận tốc 16 km/giờ trở lên hoặc nhảy dây. Bạn nên xen kẽ thêm vào các bài tập kháng lực để giúp cải thiện cơ bắp khoảng 2 lần/tuần. Ngay cả khi không có điều kiện đến phòng tập, bạn vẫn có thể cải thiện tình trạng vận động của bản thân bằng cách giảm thời gian tĩnh tại (như ngồi một chỗ xem TV, sử dụng máy tính, điện thoại) và luân phiên vận động cơ thể. Lúc này, ngay cả hoạt động cường độ nhẹ vẫn có lợi hơn là chỉ ngồi tại chỗ trong thời gian dài. Thường cơ thể bạn cần thời gian nhất định để thích nghi với các bài tập, do đó nên khởi đầu với cường độ nhẹ và tăng dần trong thời gian đủ dài để cơ thể làm quen.
Hình 1: Hoạt động thể lực đều đặn là cách giúp làm giảm tần số tim lúc nghỉ
Quản lý stress. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, căng thẳng, lo âu, trầm cảm kéo dài là hiện tượng không hiếm gặp, có thể liên quan đến công việc, chuyện cá nhân hay chuyện gia đình. Đây cũng có thể là nguyên nhân làm tần số tim nhanh và đặc biệt không có lợi cho bệnh nhân tim mạch. Một kế hoạch định trước có thể giúp sắp xếp công việc, quản lý thời gian trong ngày tốt hơn, giảm ứ đọng công việc dẫn đến căng thẳng. Những phương pháp mang tính trị liệu như thiền, matxa được xem là giúp làm dịu tinh thần hiệu quả.
Hạn chế caffeine và nicotine. Hiện tượng khá phổ biến ở người uống cà phê và hút thuốc lá là tần số tim tăng lên khi sử dụng các sản phẩm này (Hình 2). Điều này càng phổ biến hơn với những người nhạy cảm. Nguyên nhân chính làm tăng tần số tim ở đây là do các hoạt chất có trong cà phê (caffeine) và thuốc lá (nicotine). Cà phê giúp tăng trạng thái tỉnh thức và trong một chừng mực nhất định, có thể có lợi cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nếu uống cà phê làm tăng tần số tim rõ, gây cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực thì rõ ràng lúc này có thể nguy cơ lớn hơn lợi ích. Do vậy, việc cắt giảm lượng cà phê uống vào, hay thậm chí ngưng hẳn cà phê, có thể cần thiết để kiểm soát tần số tim. Vậy lượng cà phê như thế nào gọi là nhiều? Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Administration – FDA) khuyến cáo rằng người lớn khỏe mạnh không nên uống quá 400 mg caffeine mỗi ngày. Tùy loại và cách chế biến cà phê mà hàm lượng mỗi ly sẽ dao động khác nhau, tuy nhiên có thể áng chừng rằng hàm lượng kể trên tương đương khoảng 4-5 ly/ngày. Tuy nhiên, Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association – AMA) thậm chí còn đưa ra mức chặt chẽ hơn là không quá 250 mg/ngày (tương đương 3 ly/ngày) [2]. Nếu ý thức rằng mình là một bệnh nhân có bệnh tim mạch, việc cắt giảm caffeine xuống thấp như vậy sẽ phù hợp và mang lại lợi ích lâu dài. Khác với cà phê, thuốc lá được xem là hoàn toàn có hại, do vậy bác sĩ không chỉ khuyến cáo bạn giảm hút mà tốt hơn hết nên ngưng hẳn thuốc lá. Tuy nhiên, điều này cần thời gian và nỗ lực vì nicotine vốn có tính gây nghiện, làm cho người dùng khó bỏ. Một số mẹo giúp thúc đẩy khả năng bỏ thuốc thành công có thể được tóm tắt bởi chữ S.M.A.R.T: Strategy (có chiến lược, kế hoạch rõ ràng, phù hợp với từng cá nhân cụ thể), Motivation (đề ra động lực cụ thể, ví dụ như tăng cường sức khỏe, giảm chi phí bỏ ra, hay làm gương cho con cái), Awareness (có kiến thức cơ bản về tác hại của nicotine, cách cai thuốc lá), Reason (đặt lên bàn cân những lợi ích và tác hại cụ thể của hút thuốc lá), Tobaco-free life (đặt mốc thời gian theo từng chặng cụ thể đế tuân thủ và dần tiến tới cai thuốc hoàn toàn) [3].
Hình 2: Cắt giảm hoặc ngưng caffeine trong cà phê và nicotine trong thuốc lá có thể là việc làm cần thiết để kiểm soát tần số tim
Quản lý cân nặng. Người thừa cân-béo phì thường có tần số tim cao hơn bình thường bởi nhiều lý do, ví dụ như sự kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Do vậy, giảm cân (nếu bạn đang ở mức thừa cân-béo phì) và duy trì mức cân nặng hợp lý cũng góp phần làm giảm tần số tim hiệu quả. Bên cạnh đó, giảm cân còn giúp ổn định huyết áp và đường huyết.
Quản lý chất lượng giấc ngủ. Một giấc ngủ khỏe mạnh không những cần đạt thời gian phù hợp nhất định (không quá dài, không quá ngắn) mà còn phải có chất lượng, nghĩa là không bị thức giấc giữa đêm, khi thức giấc mang lại cảm giác khỏe khoắn, thoải mái. Khi thiếu ngủ mạn tính, nhiều hệ cơ quan trong có thể rối loạn, trong đó có hệ tim mạch mà biểu hiện thường gặp là tần số tim và huyết áp tăng. Do vậy, muốn kiểm soát tần số tim thì chú ý đảm bảo vệ sinh giấc ngủ là điều không thể thiếu.
Tóm lại, ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể tự áp dụng những hành vi thay đổi lối sống như hoạt động thể lực, giảm caffeine, ngưng hút thuốc, quản lý stress, cân nặng và giấc ngủ một cách khoa học, hợp lý để giúp kiểm soát tần số tim.
Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tài liệu tham khảo.
VN_GM_CV_185;exp:21/12/2023
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.