Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Mặc dù tần số tim bình thường được phép dao động từ khoảng 60-100 lần/phút, ở bệnh nhân đã có tăng huyết áp, tần số tim >80 lần/phút được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ tim mạch, nghĩa là tăng khả năng bạn mắc phải các biến cố tim mạch nguy hiểm [1] (Hình 1). Do vậy, bệnh nhân tăng huyết áp thường được bác sĩ đặt mục tiêu kiểm soát tần số tim chặt chẽ hơn người khỏe mạnh bình thường.
Hình 1: Tần số tim >80 lần/phút làm tăng nguy cơ biến cố tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp
Việc cải thiện tần số tim đầu tiên sẽ giúp bạn kiểm soát huyết áp tốt hơn, bởi vì tần số tim là một thành tố để quyết định nên huyết áp. Tần số tim càng nhanh thì huyết áp càng tăng tỉ lệ thuận theo. Quan trọng hơn, tần số tim còn ảnh hưởng đến nguy cơ mắc các biến cố tim mạch của bạn theo nhiều phương diện khác. Nhìn chung, nhiều nghiên cứu ghi nhận tần số tim càng cao thì khả năng người bệnh gặp biến chứng tim mạch càng lớn, trong đó ngưỡng thường được chọn khảo sát và cho thấy có sự cách biệt nguy cơ đáng kể là 80 lần/phút [2]. So với người có tần số tim lúc nghỉ <60 lần/phút, bệnh nhân với tần số tim >80 lần/phút tăng gấp đôi khả năng bị biến cố tim mạch do thiếu máu cục bộ, cụ thể là nhồi máu cơ tim [3]. Một lý do giải thích khả dĩ là khi tần số tim nhanh trên mức này, mảng xơ vữa động mạch đã có từ trước ở thành mạch máu của bạn có xu hướng dễ bị nứt vỡ hơn, dẫn đến một trong những biến cố tim mạch nguy hiểm, đe dọa tính mạng là nhồi máu cơ tim. Ngoài ra, tim đập nhanh làm cơ tim của bạn có nguy cơ thiếu máu bởi vì tim phải làm việc nhiều hơn, cần nhiều oxy hơn nhưng lại không kịp có thời gian giãn ra để lấy máu về, dẫn đến không bơm máu ra ngoài một cách tối ưu để nuôi chính nó. Nói cách khác, khi đập nhanh, tim cần được cung cấp nhiều máu, nhiều oxy hơn để hoạt động nhưng thực tế sự cung cấp máu lại giảm. Tổng hợp những hiện tượng này làm tăng nguy cơ ảnh hưởng xấu trên hệ tim mạch của bạn, mà cụ thể là thiếu máu cơ tim hay nặng hơn là biến cố nhồi máu cơ tim có thể đe dọa tính mạng. Ngay cả ở người huyết áp mới bắt đầu cao nhẹ (trước đây gọi là tiền tăng huyết áp, hiện nay gọi là huyết áp bình thường-cao), tần số tim >80 lần/phút cũng làm tăng thêm 50% nguy cơ tử vong [4]. Vì vậy, đôi khi có quan điểm cho rằng nên xem xét tần số tim >80 lần/phút đủ để gọi là tim nhanh và cần quan tâm theo dõi, thay vì >100 lần/phút [5].
Nếu bạn bị tăng huyết áp, bác sĩ thường sẽ chỉ định một hoặc nhiều nhóm thuốc phối hợp để giúp làm giảm huyết áp đến mức mục tiêu định trước. Lý do để cân nhắc tần số tim trong việc lựa chọn thuốc hạ áp đến từ những nghiên cứu cho thấy tần số tim cao là một đặc điểm phổ biến ở bệnh nhân tăng huyết áp và tăng tần số tim có liên quan đến sự xuất hiện hay nặng lên của tăng huyết áp trong tương lai [6]. Vì vậy, tần số tim nên được xem là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình mà bác sĩ đánh giá toàn diện bệnh nhân tăng huyết áp. Khi tình trạng tăng huyết áp đi kèm với tăng tần số tim, nhóm thuốc ức chế beta có thể là lựa chọn được bao gồm trong toa điều trị. Tuy nhiên, nên nhớ rằng tần số tim không chỉ được điều chỉnh bởi thuốc mà còn phụ thuộc nhiều vào các phương pháp thay đổi lối sống như hoạt động thể lực, giảm sử dụng cà phê (do chứa caffeine), thuốc lá (do chứa nicotin), giảm stress, căng thẳng, lo âu và đảm bảo giấc ngủ chất lượng.
Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch, nhưng thường đi kèm với một số rối loạn nội tiết-chuyển hóa khác như đái tháo đường, béo phì, tăng acid uric máu. Tần số tim cao không chỉ có tác động tiêu cực lên huyết áp mà còn ảnh hưởng xấu đến khả năng kiểm soát những tình trạng này. Bản thân mỗi bệnh lý nói trên đều là một yếu tố nguy cơ dẫn đến biến cố tim mạch, do vậy khi không kiểm soát tốt, đặc biệt nếu mắc kèm nhiều yếu tố cùng lúc, khả năng mắc biến cố tim mạch của bạn càng tăng cao. Vì thế, tần số tim là một chỉ số được bác sĩ quan tâm không chỉ trong tăng huyết áp mà còn trong đái tháo đường hay béo phì. Một giả thiết được được ra liên quan đến thần kinh giao cảm. Đây là một thành phần thuộc hệ thần kinh trong cơ thể bạn, đóng vai trò kiểm soát tần số tim. Hoạt động giao cảm tăng cao quá mức, biểu hiện bởi tần số tim cao, được xem là tác nhân đưa đến các kết cục xấu về tim mạch. Do vậy, có thể thấy tần số tim vừa là một biểu hiện gián tiếp thể hiện mức độ hoạt động thần kinh giao cảm, vừa có thể là tác nhân ảnh hưởng trực tiếp lên các cơ quan trong cơ thể. Dù dưới hình thức nào, tăng tần số tim đều không phải là một dấu hiệu tốt. Tần số tim cao cũng dễ gặp người có lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực, huyết áp cao, thừa cân/béo phì (chỉ số khối cơ thể cao), rối loạn lipid máu và rối loạn đường huyết. Ngược lại, những người với chỉ số sức khỏe tim mạch tốt thường ít khi gặp tần số tim trên 80 lần/phút [7]. Do vậy, ngưỡng này có thể được xem là một mốc giới hạn để phân định sức khỏe tim mạch của bạn và nên là mục tiêu nỗ lực cần đạt trong quá trình điều trị tăng huyết áp hay các bệnh tim mạch khác.
Tóm lại, tần số tim cao là một yếu tố nguy cơ tim mạch, đặc biệt quan trọng với người bệnh tăng huyết áp. Mức tần số tim <80 lần/phút có thể được xem là mục tiêu điều trị phù hợp, giúp bạn giảm khả năng mắc các biến cố tim mạch nguy hiểm.
Tài liệu tham khảo.
VN_GM_CV_1885;exp:21/12/2023
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.