BỆNH MẠCH VÀNH: BIỂU HIỆN, NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Tim là cơ quan bơm máu đi nuôi khắp cơ thể, tuy nhiên bản thân trái tim của bạn cũng cần được cung cấp máu, oxy và dưỡng chất thông qua hệ mạch riêng có tên gọi là mạch vành. Bệnh mạch vành xảy ra khi những mạch máu này bị tổn thương, hẹp hay tắc nghẽn dẫn đến không thể đảm bảo cung cấp đủ máu và oxy cho nhu cầu hoạt động của trái tim. Bệnh mạch vành có thể tiến triển từ từ qua nhiều năm, khi các mảng xơ vữa tích tụ lại làm hẹp dần lòng động mạch vành, tương tự như rỉ sét đóng trong lòng ống nước, tình trạng nói trên gọi là hội chứng vành mạn. Đến một lúc nào đó, mảng xơ vữa này kém ổn định, bị vỡ ra và tiểu cầu trong dòng máu của bạn đi ngang qua bị kết dính lại. Khối tiểu cầu ngày càng to dần cho đến khi bít hẳn lòng động mạch vành, đây chính là khi bạn bị nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh lý này vẫn còn phức tạp, tuy nhiên bạn có khả năng cao mắc tình trạng nói trên nếu lớn tuổi, hút thuốc lá, thừa cân, béo phì, kèm tăng huyết áp, đái tháo đường hay rối loạn lipid máu.

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 1: Tiến triển của xơ vữa động mạch

 

Dấu hiệu gợi ý bạn có thể mắc bệnh mạch vành bao gồm đau ngực hoặc khó thở. Nói chính xác hơn, bạn thường có cảm giác nặng ở vùng ngực giữa hoặc bên trái như thể bị ai đè lên ngực. Cảm giác này tăng rõ nếu bạn vận động mạnh hay bị stress tâm lý và có thể giảm đi trong vòng vài phút sau khi nghỉ ngơi. Nếu nặng ngực kéo dài, không giảm dù đã nghỉ ngơi và ngày càng dữ đội hơn, có khả năng bạn đang rơi vào cơn nhồi máu cơ tim cấp. Lúc này, nặng ngực trở thành đau ngực thực sự, có thể đau cả vai hay cánh tay và kèm khó thở, đổ mồ hôi nhiều.

 

Tuy nhiên, có nhiều bệnh lý khác cũng gây đau ngực hoặc khó thở, do đó bạn cần phải được thăm khám bởi bác sĩ để xác định nguyên nhân. Nếu được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, bạn sẽ nhận được một số lời khuyên như ngưng hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn, ăn những thức ăn có lợi cho sức khoẻ, giảm dầu mỡ, đồ ngọt, cố gắng giảm cân nếu đang thừa cân-béo phì và kiểm soát tốt các tình trạng tăng huyết áp hay đái tháo đường. Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn thuốc làm giảm lượng lipid trong máu, giúp hạn chế tích tụ mảng xơ vữa trong mạch vành hay thuốc kháng kết tập tiểu cầu để ngăn ngừa tiểu cầu kết dính và bít tắc lòng động mạch vành.

 

Ngoài ra, bạn còn được sử dụng một số nhóm thuốc giúp giảm triệu chứng đau ngực, tăng khả năng vận động và cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày. Nếu mảng xơ vữa gây hẹp quá nặng, bạn cần được can thiệp bằng các thủ thuật như đặt stent hay mổ bắc cầu mạch vành. Stent là một ống nhỏ dạng mắt lưới, đặt vào trong lòng mạch vành của bạn nhằm giúp lòng mạch duy trì thông thoáng. Mổ bắc cầu là một biện pháp khác, chủ đích tạo ra con đường thay thế để máu và oxy đến nuôi cơ tim thay cho con đường cũ đã bị tắc hẹp.

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 2: Stent mạch vành

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

Hình 3: Mổ bắc cầu mạch vành

 

Tóm lại, bệnh mạch vành là một tình trạng diễn tiến âm thầm qua nhiều năm, có khả năng dẫn tới nhồi máu cơ tim và tử vong. Tuy vậy, bệnh có thể được phòng ngừa phần nào dựa vào việc thay đổi lối sống tích cực. Nếu đã được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, bạn nên tuân thủ điều trị và những lời khuyên của bác sĩ để làm chậm diễn tiến bệnh và có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

 

 Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

 

Tài liệu tham khảo

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronary-artery-disease/symptomscauses/syc-20350613.

VNM/NONCMCGM/1219/0116

Bài viết liên quan

NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.

Xem thêm
544
CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP VÀ ĂN UỐNG Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.

Xem thêm
486
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ KIỂM SOÁT NHỊP TIM

Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.

Xem thêm
1458