Tăng huyết áp là một bệnh lý phổ biến trong cộng đồng, với tỉ lệ tăng dần theo tuổi. Tăng huyết áp nếu kiểm soát kém có thể để lại nhiều biến chứng như suy thận, suy tim, đột quỵ, mù loà… Nếu bạn mắc tăng huyết áp, việc quản lý cũng như điều trị không chỉ đến từ phía nhân viên y tế mà còn cần sự hợp tác của chính bạn nhằm đạt được mục tiêu đề ra và làm chậm tối đa diễn tiến bệnh. Trong đó, thay đổi lối sống, bao gồm chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tuân thủ điều trị thuốc là các chìa khoá quan trọng.
Muối: Hạn chế muối là một trong những lời khuyên mà bạn hay được nghe bác sĩ nhắc đến. Lượng muối nên dùng mỗi ngày thường không quá 5g (tương đương một muỗng cà phê). Chú ý rằng ngay cả khi bạn không sử dụng mắm, muối để chấm thêm thì trong nguồn nguyên liệu thực phẩm vẫn có sẵn một lượng muối nhất định, đặc biệt là những thức ăn đã qua xử lý hay chế biến sẵn. Việc hạn chế muối ăn không phải là điều dễ thực hiện do gây thay đổi khẩu vị quen thuộc của bạn và có thể làm món ăn kém hấp dẫn hơn, tuy nhiên bạn vẫn có thể đạt được mục tiêu này nếu đặt quyết tâm và giảm dần lượng muối sử dụng trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng.
Hút thuốc: Ngưng hút thuốc là lời khuyên bắt buộc để kiểm soát huyết áp, tuy nhiên điều này đòi hỏi thời gian và sự kiên trì nếu bạn là người nghiện thuốc lá lâu ngày. Ngoài việc tự bản thân lập kế hoạch cai thuốc, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ các nhóm cộng đồng và sử dụng một số dược phẩm hoặc chế phẩm thay thế nicotine theo hướng dẫn của bác sĩ.
Rượu bia: bạn vẫn có thể sử dụng lượng nhỏ rượu bia mỗi ngày theo khuyến cáo, tối đa 2 đơn vị/ngày đối với nam và 1 đơn vị/ngày ở nữ (1 đơn vị tương đương 125ml rượu vang hoặc 250ml bia), nên có những ngày nghỉ không uống rượu. Tuy nhiên, con số này được đưa ra bởi Hướng dẫn về Tăng huyết áp của Hội tim mạch châu Âu năm 2018 dành cho người Âu-Mỹ, không riêng biệt với đối tượng người Á châu. Do đó, bạn có thể cân nhắc tiết giảm lượng bia rượu hơn nữa nếu muốn đạt kiểm soát huyết áp như mong đợi.
Dinh dưỡng: một số chế độ ăn như DASH hay Địa Trung Hải đã được nghiên cứu và cho thấy có lợi cho người bệnh tăng huyết áp. Nhìn chung, các khẩu phần ăn này khuyến khích bạn sử dụng những thực phẩm có lợi cho sức khoẻ như rau, đậu, trái cây tươi, sản phẩm từ sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, cá, acid béo không bão hoà (đặc biệt là dầu olive), đồng thời giảm lượng thịt đỏ, acid béo bão hoà và đồ ăn ngọt, nước ngọt. Một vài mẹo sau đây sẽ giúp bạn dễ áp dụng vào thực tế và tuân thủ đựợc các chế độ ăn này:
Luyện tập thể lực: bạn nên dành khoảng 30 phút mỗi ngày và 5-7 ngày trong tuần để tập các bài tập hoặc chơi những môn thể thao cường độ trung bình (chẳng hạn như đi bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội). Không nên nghỉ quá 2 ngày liên tiếp trong tuần. Chú ý rằng việc duy trì nhịp độ tập đều đặn và vừa sức sẽ giúp đạt hiệu quả, bền vững hơn dồn sức tập mức độ nặng và sau đó nghỉ một thời gian lâu. Việc luyện tập, khi phối hợp cùng với chế độ ăn thích hợp, có thể giúp bạn giảm cân và đạt được cân nặng lý tưởng như mong đợi.
Tuân thủ điều trị: nếu huyết áp bạn vẫn nằm ở ngưỡng cao dù đã áp dụng một số biện pháp thay đổi lối sống như trên, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hạ áp. Dược phẩm nói chung đều có hai mặt: tác dụng điều trị và tác dụng ngoại ý. Do đó, bạn phải tuân thủ đúng việc dùng thuốc theo hướng dẫn và tái khám đầy đủ, đúng lịch để bác sĩ có thể thay đổi, cân chỉnh loại thuốc, liều thuốc cho phù hợp cũng như phát hiện kịp thời một số tác dụng phụ không mong muốn. Bạn nên trang bị máy đo huyết áp tại nhà, ghi lại các trị số nhiều lần trong ngày vào một quyển sổ và mang theo ở mỗi lần tái khám. Dữ liệu này giúp bác sĩ có cái nhìn toàn diện hơn về hiệu quả của thuốc hạ áp để đưa huyết áp về mục tiêu và ít dao động nhất có thể.
Tóm lại, điều trị tăng huyết áp cần sự phối hợp của cả nhân viên y tế và bệnh nhân, trong đó việc tự quản lý thông qua chế độ dinh dưỡng hay luyện tập là hành động nằm trong khả năng của bạn. Nếu bạn áp dụng những điều này kèm tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đề ra, huyết áp của bạn có thể được kiểm soát tối ưu, giúp giảm thiểu hoặc làm chậm diễn tiến đến biến chứng.
Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tài liệu tham khảo
Bryan Williams, Giuseppe Mancia, et al (2018), “2018 ESC/ESH guidelines for the management of arterial hypertension”, European Heart Journal, 39(33): pp.3021-3104.
https://www.webmd.com/hypertension-high-blood-pressure/guide/dash-diet#2
https://www.redbookmag.com/body/healthy-eating/a19851949/what-is-the-dash-diet-plan/
VNM/NONCMCGM/1119/0101
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.