BỆNH TIM MẠCH VÀ RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG

Có một mối liên hệ khá mật thiết giữa rối loạn cương dương (RLCD) và bệnh lý tim mạch. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu một người đàn ông bị RLCD, anh ta có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Có RLCD là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim như tiền sử hút thuốc hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch vành.

 

RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG (RLCD) LÀ GÌ?

Rối loạn chức năng cương cứng của dương vật, hoặc bất lực, là không có khả năng để đạt được và duy trì sự cương cứng phù hợp cho quan hệ tình dục. Tình trạng này không được coi là bình thường ở một số lứa tuổi. Xuất tinh sớm, vô sinh hoặc ham muốn tình dục thấp không giống như rối loạn cương dương, mặc dù một hoặc nhiều trong số các tình trạng này có thể có liên quan.

 

RỐI LOẠN CƯƠNG DƯƠNG VÀ BỆNH LÝ TIM MẠCH

 

Trải qua thời gian dài, sự tích tụ các mảng bám xơ vữa trong lòng động mạch được cho là lý do tại sao rối loạn chức năng cương dương thường đi trước các vấn đề về tim. Chính do sự tích tụ mảng bám xơ vữa động mạch làm giảm lưu lượng máu đến các mạch máu dương vật, làm cho việc cương cứng trở nên khó khăn. Các nghiên cứu vi mô gần đây cho thấy, rối loạn cương dương có trước các vấn đề về tim thường là do rối loạn chức năng của lớp niêm mạc lót bên trong của các thành và cơ trơn mạch máu. Rối loạn chức năng nội mô làm giảm lưu lượng máu đến dương vật, đồng thời làm tăng phát triển của xơ vữa động mạch.

Tuy nhiên, rối loạn cương dương không phải lúc nào cũng chỉ ra một vấn đề bất thường về tim mạch. Các nghiên cứu cho thấy, có những người đàn ông bị rối loạn cương dương không có nguyên nhân rõ ràng, chẳng hạn như chấn thương. Và vì thế, những người không có triệu chứng của bệnh tim mạch nên được sàng lọc trước khi bắt đầu điều trị.

 

CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

 

Bên cạnh xơ vữa động mạch là nguyên nhân chính, rối loạn cương dương và bệnh tim cũng có nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm:

  • Bệnh đái tháo đường: Những người có bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị rối loạn cương dương và các bệnh lý tim mạch.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển bệnh mạch máu và có thể gây rối loạn cương dương.
  • Lạm dụng rượu bia: Sử dụng quá nhiều rượu bia có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tim và có thể đóng góp vào các nguyên nhân khác của bệnh tim, chẳng hạn như tăng huyết áp hoặc cholesterol máu cao. Rượu cũng làm giảm khả năng cương cứng dương vật.
  • Tăng huyết áp: Theo thời gian, tăng huyết áp làm tổn thương niêm mạc động mạch và tăng tốc quá trình hình thành các bệnh mạch máu. Một số loại thuốc tăng huyết áp, như thuốc lợi tiểu thiazide, cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng cương dương.
  • Cholesterol cao: Nồng độ LDL, còn gọi là cholesterol “xấu” cao có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch.
  • Tuổi tác: Khi con người ta già đi, có thể mất nhiều thời gian hơn để đạt được sự cương cứng theo mong muốn và có thể có tình trạng cương cứng không bền vững ổn định. Nghiên cứu cho thấy, tuổi càng trẻ, nếu đã có rối loạn cương dương thì càng có nguy cơ mắc bệnh tim - Đàn ông dưới 50 tuổi có nguy cơ cao đặc biệt. Ở nam giới lớn hơn 70 tuổi, rối loạn cương dương ít có khả năng là dấu hiệu của bệnh tim.
  • Béo phì: Trọng lượng dư thừa thường làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác gây bệnh tim.
  • Testosterone thấp: Đàn ông có testosterone thấp có tỷ lệ rối loạn cương dương và bệnh tim mạch cao hơn so với nam giới có mức testosterone bình thường.

 

Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống

 

 

CÁC LỰA CHỌN ĐIỀU TRỊ

 

Nếu có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đầu tiên hãy cân nhắc việc thay đổi lối sống. Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì cân nặng và đảm bảo chế độ ăn lành mạnh, ngừng hút thuốc và hạn chế uống rượu.

 

Tuy nhiên, các xét nghiệm hoặc điều trị thêm có thể cần thiết nếu người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim nghiêm trọng hơn. Nếu đồng thời có cả rối loạn cương dương và bệnh tim, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn điều trị hợp lý. Chẳng hạn, nếu đang dùng thuốc điều trị tim mạch nào đó, đặc biệt là nitrat sẽ không an toàn khi sử dụng với các thuốc điều trị rối loạn cương dương.

Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)

 

Nguồn:

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15029-heart-disease--erectile-dysfunction

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/erectile-dysfunction/in-depth/erectile-dysfunction/art-20045141

VNM/NONCMCGM/0919/0084

Bài viết liên quan

NGUY CƠ TRẺ HÓA Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.

Xem thêm
398
CHẾ ĐỘ LUYỆN TẬP VÀ ĂN UỐNG Ở BỆNH NHÂN TĂNG HUYẾT ÁP

Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.

Xem thêm
329
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ KIỂM SOÁT NHỊP TIM

Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.

Xem thêm
1318