Kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào cuối năm 2019 và lan rộng toàn cầu, quy trình chăm sóc và quản lý các bệnh mạn tính đều bị ảnh hưởng, dẫn đến nhà quản lý phải thay đổi nhằm thích nghi với tình hình kiểm soát dịch tại từng thời điểm của từng quốc gia. Vì số lần tham vấn trực tiếp với nhân viên y tế giảm đi, bạn có thể gặp nhiều thắc mắc cần được giải đáp liên quan đến tình trạng bệnh và vấn đề sử dụng thuốc hiện tại của mình, trong đó có thuốc tim mạch. Sau đây là một số câu hỏi thường được nhiều người quan tâm.
1) Tôi đang có bệnh tim mạch, liệu tôi có dễ mắc COVID-19 hơn không?
Có các vấn đề về tim hay mạch máu không làm tăng khả năng bạn mắc COVID-19, bởi vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc giọt bắn. Do vậy, bạn sẽ có khả năng mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với người mang virus này, bất kể có mang bệnh tim mạch trước đó hay không. Tuy nhiên, nếu bạn không may bị mắc COVID-19, nguy cơ diễn tiến nặng hơn người không có bệnh tim mạch bởi vì virus SARS-CoV-2 có khả năng kích hoạt nhiều hiện tượng bất lợi như viêm, tạo huyết khối, cơn bão cytokine trên người vốn đã có vấn đề tim mạch. Nói cách khác, COVID-19 không chỉ là bệnh lý đơn thuần tại phổi mà còn gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là hệ tim mạch (Hình 1). Các nhóm bệnh tim mạch thường có nguy cơ diễn tiến nặng lên với COVID-19 bao gồm bệnh mạch vành, suy tim, bệnh van tim hay rối loạn nhịp tim nặng, hoặc mới phẫu thuật tim trong vòng khoảng ba tháng trở lại đây. Tăng huyết áp đơn thuần ít gây diễn tiến nặng hơn so với những bệnh lý kể trên nhưng sẽ là vấn đề cần ưu tiên theo dõi nếu đã có tổn thương cơ quan đích do tăng huyết áp.
Hình 1: COVID-19 có khả năng diễn tiến nặng hơn ở người mắc bệnh tim mạch
2) Uống thuốc tim mạch có làm tăng nguy cơ mắc hoặc làm COVID-19 nặng lên hay không?
Một số câu hỏi được đặt ra trong thời gian đầu của đại dịch khi có báo cáo cho rằng một số loại thuốc tim mạch được sử dụng phổ biến trong tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành có thể gây thay đổi các phân tử tiếp nhận trên bề mặt tế bào của chúng ta, làm cho virus SARS-CoV-2 dễ thâm nhập vào tế bào và dễ gây bệnh hơn. Các thuốc này thuộc nhóm thuốc ức chế hệ renin-angiotensin-aldosterone, bao gồm thuốc ức chế men chuyển (có tên kết thúc với đuôi -pril) và thuốc ức chế thụ thể angiotensin (có tên kết thúc với đuôi -sartan). Tuy nhiên, hiện đã có ít nhất ba nghiên cứu lớn đã chứng minh rằng những thuốc nói trên không làm tăng nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, cũng như không làm tăng độ nặng của bệnh hay tăng khả năng tử vong do COVID-19 [1-3]. Bên cạnh đó, duy trì kiểm soát huyết áp tốt trong thời gian bệnh còn giúp giảm biến chứng nặng do COVID-19. Vì vậy, trừ khi bác sỹ chỉ định tạm dừng thuốc, không có lý do gì để ngừng sử dụng các thuốc tim mạch nói trên trong bối cảnh đại dịch. Việc ngưng các thuốc này đột ngột có thể đưa đến biến chứng bất lợi như huyết áp kém kiểm soát, suy tim nặng lên, thậm chí nặng hơn là xảy ra nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Những thuốc tim mạch, huyết áp khác như thuốc chẹn beta, ức chế kênh calci hay lợi tiểu vẫn tiếp tục được sử dụng an toàn như trước đại dịch mà không có lo ngại gì đặc biệt.
3) Nếu không thể đi khám bệnh định kỳ vì giãn cách xã hội, tôi có thể tạm ngưng thuốc tim mạch được không?
Đại dịch COVID-19 gây ra hai vấn đề đối với việc quản lý bệnh nhân bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường. Thứ nhất, chuỗi cung ứng dược phẩm bị gián đoạn, dẫn đến quá trình sản xuất và phân phối thuốc đến cơ sở y tế, nhà thuốc và người tiêu dùng có thể bị thiếu hụt so với nhu cầu. Thứ hai, khi các cơ sở y tế bị phong tỏa hay địa phương thực hiện giãn cách bởi tình hình dịch tăng cao, bạn có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển tới chỗ khám hay khó đăng ký khám tại chỗ, chẳng hạn như phải thực hiện thêm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên và có kết quả âm tính trước khi vào phòng khám gặp bác sĩ. Hai lý do này làm cho rất nhiều bệnh nhân bệnh mạn tính trở nên kém kiểm soát trong thời gian dịch. Vì vậy, cần nhớ rằng các thuốc được dùng dài hạn nhằm kiểm soát bệnh vẫn phải được tiếp tục dùng, đặc biệt là nhiều loại thuốc điều trị tim mạch. Tuy nhiên, việc chỉnh liều hay thay đổi loại thuốc sao cho phù hợp cần được thực hiện bằng cách trao đổi trực tuyến với bác sĩ thông qua các nền tảng hỗ trợ bệnh nhân từ xa mà nhiều bệnh viện hiện nay đang áp dụng. Tóm lại, không nên ngưng thuốc tim mạch đang dùng nếu không có yêu cầu từ bác sĩ. Trong tình huống bất khả kháng, bác sĩ có thể tạm thời cho phép bạn mua tiếp thuốc theo toa sẵn có để sử dụng trong thời gian ngắn hạn (với điều kiện tình trạng bệnh trước đó tương đối được kiểm soát tốt) cho đến khi dịch ổn hơn và bạn có thể quay trở lại tái khám tại bệnh viện.
4) Tại sao tôi phải thay đổi liều thuốc chống đông khi đang mắc COVID-19?
Thuốc chống đông mà bạn sử dụng trước đây được chỉ định vì lý do tim mạch (ví dụ như bệnh van tim, rung nhĩ). Tuy nhiên, nếu bạn không may mắc COVID-19 và có dấu hiệu gợi ý mức độ trung bình-nặng trở lên, bác sĩ có khả năng cân nhắc sử dụng thuốc chống đông khác thay thế hay điều chỉnh liều thuốc đang sử dụng để giảm nguy cơ bệnh COVID-19 tiến triển nặng. Vì vậy, bạn có thể thấy mặc dù đang ổn định với một mức liều chống đông trong nhiều tháng trước đó, bạn vẫn được bác sĩ điều chỉnh đôi chút để phù hợp hơn trong giai đoạn này. Chống đông là một nhóm thuốc cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng, sao cho đủ liều để ngừa hình thành huyết khối nhưng cũng tránh quá liều gây chảy máu các cơ quan như đường tiêu hóa hay não. Do đó, việc điều chỉnh liều và kế hoạch theo dõi khi sử dụng thuốc chống đông cần phải được đánh giá và quyết định bởi bác sĩ chứ không được tự ý thay đổi bởi người bệnh.
5) Nếu tôi bị COVID-19, các thuốc điều trị bệnh này có ảnh hưởng gì đến những thuốc tim mạch đang dùng hay không?
Nhìn chung, việc duy trì thuốc tim mạch có sẵn từ trước là điều được khuyến cáo kể cả khi bạn đang mắc COVID-19. Bác sĩ có thể theo dõi sát hơn tình trạng hô hấp, tình trạng suy tim để cân nhắc điều chỉnh liều thuốc chẹn beta; điều chỉnh liều hoặc loại chống đông theo chỉ định ứng với từng giai đoạn bệnh; dặn bạn theo dõi những dấu hiệu của xuất huyết tiêu hóa nếu phải dùng thuốc corticosteroid phối hợp với aspirin sẵn có vì lý do tim mạch. Tuy nhiên, các điều chỉnh nói trên đa phần nằm trong tầm kiểm soát được và theo xu hướng mà bác sĩ dự đoán được, do đó bạn không cần quá quan ngại về sự phức tạp khi thay đổi hay điều chỉnh thuốc. Các nhân viên y tế sẽ tìm ra phương án tối ưu và đơn giản hóa việc sử dụng thuốc cho mỗi cá nhân cụ thể.
6) Các thuốc tim mạch đang dùng có ảnh hưởng đến việc tiêm vaccine COVID-19 không?
Không có bằng chứng nào cho thấy thuốc điều trị bệnh tim mạch ảnh hưởng đến hiệu quả hay tính an toàn khi tiêm vaccine COVID-19. Ngược lại, không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID-19 làm thay đổi hiệu quả của thuốc tim mạch. Những thuốc hạ áp, thuốc hạ lipid máu, kháng kết tập tiểu cầu nhìn chung không ảnh hưởng đến quy trình tiêm vaccine của bạn. Các vaccine, dù sản xuất theo công nghệ nào, cũng đều được thử nghiệm lâm sàng trên nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau (kể cả người có bệnh nền tim mạch) để chứng minh hiệu quả và tính an toàn trước khi đưa ra thị trường, ngay cả trong tình huống đại dịch khẩn cấp. Do vậy, bệnh nhân với bệnh nền tim mạch là đối tượng được hưởng lợi ích rõ rệt từ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 vì có thể giúp hạn chế biến chứng nặng (Hình 2). Tuy nhiên, có một lưu ý rằng nếu bạn đang dùng thuốc chống đông từ trước, hãy báo cáo với nhân viên y tế sàng lọc tại điểm tiêm chủng. Giống như hầu hết vaccine khác, vaccine ngừa COVID-19 cũng được dùng theo đường tiêm bắp (thường nhất ở cánh tay). Vị trí tiêm này có thể gây chảy máu nhẹ, nhiều hơn một chút so với tiêm dưới da nhưng vẫn ít hơn tiêm tĩnh mạch. Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông, có khả năng máu sẽ chảy kéo dài hơn một chút và tạo vết bầm tại chỗ tiêm. Tuy nhiên, đây không phải là lý do để từ chối tiêm vaccine COVID-19 bởi vì trong hầu hết tình huống, khi bạn đã sử dụng liều kháng đông ổn định một thời gian trước đó, bác sĩ có thể kiểm soát được vấn đề này. Bạn cũng cần nhớ không được tự ý ngưng hay điều chỉnh liều thuốc kháng đông trước ngày tiêm vì có thể gây nguy hiểm cho tình trạng tim mạch của mình [5].
Hình 2: Bệnh nhân với bệnh nền tim mạch là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19
7) Tôi có nên uống thuốc hạ áp ngay trước khi đi tiêm để đảm bảo huyết áp ổn định lúc sàng lọc?
Thuốc huyết áp nói riêng và các thuốc điều trị tim mạch khác nói chung cần được dùng đều đặn theo thời gian cố định trong ngày mà bác sĩ đã kê toa từ trước. Bạn không nên tự ý uống thêm một liều hay thay đổi thời gian cữ thuốc sang trước khi tiêm, bởi vì điều này làm giảm hiệu quả của thuốc và gây nguy hiểm (nếu như các liều thuốc được dùng quá gần nhau, tạo hiện tượng chồng liều). Do vậy, chỉ cần uống thuốc tim mạch đúng thời điểm, đúng liều, đúng loại như toa thông thường hàng ngày. Nhân viên y tế tại nơi sàng lọc tiêm sẽ biết cách đánh giá tình trạng cụ thể để cho phép bạn tiêm vaccine COVID-19, ngay cả với tình huống huyết áp hay mạch tăng nhưng không quá nghiêm trọng.
8) Một số vaccine có nguy cơ gây đông máu hoặc viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim, liệu có thể được sử dụng cho bệnh nhân bệnh tim mạch?
Những tác dụng ngoại ý kể trên rất hiếm gặp và không phải là cơ sở để chống chỉ định dùng cho bệnh nhân tim mạch. Tùy theo tình trạng bệnh nền cụ thể và điều kiện vaccine sẵn có tại địa phương theo từng thời điểm, nhân viên y tế sẽ chỉ định loại vaccine phù hợp cho bạn. Nên nhớ rằng, bệnh nhân có bệnh nền tim mạch là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine sớm để hạn chế khả năng diễn tiến nặng do COVID-19.
Tóm lại, bệnh nền tim mạch là một yếu tố làm cho COVID-19 có khả năng diễn tiến nặng lên. Việc duy trì đều đặn các thuốc tim mạch trong thời gian mắc bệnh hay xung quanh thời điểm tiêm vaccine là điều cần thiết để người dùng vẫn đạt được mục tiêu kiểm soát bệnh, hạn chế gây biến chứng. Một số điểm thay đổi, điều chỉnh nhỏ về cách dùng thuốc có thể được bác sĩ chỉ định cho bạn nhằm tối ưu hóa hiệu quả cũng như tính an toàn của thuốc trong giai đoạn bệnh COVID-19 cấp tính.
VN_GM_CV_118
Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tài liệu tham khảo.
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.