Việc nhận biết ai là đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch, hay nói cách khác là có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, mang lại hai lợi ích. Một mặt, giúp cá nhân người này biết cách điều chỉnh lối sống hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ để kịp thời can thiệp, hạn chế nguy cơ tiến triển. Mặt khác, việc thống kê số lượng người với từng yếu tố nguy cơ tim mạch cụ thể trong cộng đồng giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra chiến lược quản lý sức khỏe nhằm phòng ngừa bệnh tim mạch cho toàn dân [1].
Hình 1: Các yếu tố nguy cơ tim mạch
Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch đã được biết đến rõ ràng nhất. Có hai loại cholesterol chính trong cơ thể: LDL-cholesterol (còn gọi là cholesterol “xấu”) và HDL-cholesterol (còn gọi là cholesterol “tốt”). Rối loạn lipid máu xảy ra khi nồng độ LDL-cholesterol tăng hay HDL-cholesterol giảm ngoài giới hạn bình thường. LDL-cholesterol được chứng minh mối liên quan với bệnh tim mạch của bạn, cụ thể nồng độ càng cao thì nguy cơ tim mạch càng cao và việc điều trị làm giảm LDL-cholesterol giúp giảm được nguy cơ tim mạch về lâu dài [2]. Ngược lại, HDL-cholesterol thấp mặc dù là một chỉ điểm của nguy cơ tim mạch nhưng việc điều trị làm tăng HDL-cholesterol lên lại chưa cho thấy khả năng cải thiện kết cục tim mạch của bạn.
Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ của rất nhiều bệnh lý tim mạch khác nhau, trải dài từ bệnh mạch vành, suy tim, rung nhĩ, đột quỵ đến bệnh động mạch ngoại biên và suy thận. Tăng huyết áp đôi khi được gọi là kẻ giết người thầm lặng, vì một số bệnh nhân không có triệu chứng gợi ý huyết áp đang cao, dẫn đến không kịp thời khám và điều trị, lâu ngày có thể để lại biến chứng trên nhiều cơ quan khác nhau như tim, não, thận.
Đái tháo đường, dù là típ 1, típ 2 hay ở thể nhẹ hơn là tiền đái tháo đường, đều mang nguy cơ gây bệnh lý tim mạch. Ngoài việc tự bản thân hiện tượng tăng đường huyết tác động bất lợi lên hệ tim mạch, nhiều bệnh nhân đái tháo đường (nhất là típ 2) còn thường kèm theo tăng huyết áp, rối loạn lipid máu và béo phì. Mỗi bệnh lý đồng mắc này lại là một yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh tim mạch. Khi hiện diện cùng nhau, chúng càng thúc đẩy bệnh tim mạch tiến triển nhanh hơn. Cần nhấn mạnh một lần nữa là các biến chứng đã bắt đầu hình thành và phát triển âm thầm kể từ khi bạn đang ở giai đoạn tiền đái tháo đường, tức là đường huyết mới vừa chớm tăng.
Béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng khác của bệnh tim mạch. Cả vòng eo (phản ánh hiện tượng béo bụng) và chỉ số khối cơ thể (tính bằng cách lấy cân nặng của bạn theo kilogram chia cho cao bình phương chiều cao theo mét – phản ánh béo phì chung) đều liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện của bệnh tim mạch. Đặc biệt, béo phì ngày càng trở nên phổ biến theo lối sống công nghiệp, hiện đại, sự phổ biến của thức ăn nhanh, và ngày càng được phát hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí không hiếm gặp trẻ em ở các thành phố lớn mắc béo phì nặng ngay từ khi còn nhỏ.
Trong số các hành vi lối sống, hút thuốc được xem là một trong những thói quen có hại cho sức khỏe bậc nhất, không chỉ ảnh hưởng tới hệ hô hấp (nguy cơ gây ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) mà còn cả hệ tim mạch (bệnh tim mạch xơ vữa) và một số cơ quan khác. Bệnh tim mạch là nguyên nhân chính, chịu trách nhiệm trực tiếp cho khoảng 50% trường hợp tử vong ở những người hút thuốc [1]. Một người tiếp tục hút thuốc mất trung bình khoảng 10 năm sống so với người không hút thuốc [3]. Khi dưới 50 tuổi, nếu bạn hút thuốc, khả năng mắc bệnh tim mạch của bạn tăng lên gấp 5 lần so với người không hút ở cùng độ tuổi [4]. Không những thuốc lá truyền thống, các loại xì gà không khói hay việc hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc do người khác hút trong môi trường xung quanh) về lâu dài cũng làm bạn dễ mắc bệnh tim mạch hơn [5, 6]. Rượu bia nói chung có thể có một chút lợi ích nếu dùng lượng nhỏ nhưng nhìn chung vẫn ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu bạn uống thường xuyên, lượng nhiều.
Lối sống tĩnh tại, hay nói cách khác là ít hoạt động thể lực, dành thời gian ngồi tại chỗ nhiều với các hoạt động như làm việc bàn giấy, xem tivi, chơi điện tử gây tăng khả năng mắc béo phì và bệnh tim mạch.
Có sự khác biệt về khả năng mắc bệnh tim mạch theo giới tính. Mặc dù nam giới đã được chứng minh là một yếu tố dễ đưa đến bệnh tim mạch hơn nữ giới nhưng hiện nay có nhiều nghiên cứu đang dần tìm hiểu về mối liên quan giữa bệnh tim mạch với các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của một người phụ nữ, đặc biệt vào giai đoạn mang thai hay sau mãn kinh, khi sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể ở những thời điểm này làm cho bệnh tim mạch dễ xuất hiện hơn. Giới tính là một yếu tố tương tác rõ với hành vi hút thuốc, bằng chứng là nữ giới hút thuốc thường chịu nhiều ảnh hưởng có hại hơn nam giới [7].
Càng lớn tuổi thì rõ ràng rằng bạn càng dễ mắc bệnh tim mạch hơn. Nhưng cần nhớ rằng, nguy cơ này đã bắt đầu tăng rõ ở độ tuổi trung niên chứ không cần chờ đến khi lớn tuổi. Cụ thể, nam từ 40 tuổi trở lên hoặc nữ từ 50 tuổi trở lên cũng đã có thể được cân nhắc việc tầm soát bệnh tim mạch.
Bệnh tim mạch một phần nào đó xảy ra có tính chất gia đình. Nói cách khác, nếu người thân với mối quan hệ huyết thống gần của bạn bị mắc một số bệnh tim mạch từ khi còn trẻ, bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn dân số bình thường. Ngay cả khi gia đình bạn chưa phát hiện ai bị bệnh tim mạch, một số yếu tố di truyền được quy định sẵn từ trong gen đã có thể làm cho bạn dễ mắc bệnh tim mạch hơn.
Tóm lại, có nhiều đặc điểm cơ bản về hành vi, lối sống hay bệnh lý nền làm cho bạn tăng khả năng mắc bệnh tim mạch hơn những người khác. Ngoại trừ một số ít yếu tố như chủng tộc, giới tính, tuổi hay đặc điểm liên quan di truyền là không thể thay đổi được, phần lớn các yếu tố còn lại có thể thay đổi hay kiểm soát từ sớm nếu được phát hiện, nhằm hạn chế nguy cơ tiến triển thành bệnh tim mạch.
VN_GM_CV_121
Tài liệu tham khảo
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.