Đâu là nguyên nhân bệnh tim mạch ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa ? Bệnh tim mạch là nhóm bệnh lý rối loạn của tim và mạch máu.
Đây là một thuật ngữ rộng, bao phủ nhiều tình trạng như bệnh mạch vành (đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim), tai biến mạch máu não (đột quỵ), tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh và suy tim. Suy tim thường là hậu quả cuối cùng của những bệnh lý nguyên nhân kể trên.
Tại Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ II năm 2016 do Hội tim mạch học Quốc gia Việt Nam (VNHA) và Phân hội tăng huyết áp Việt Nam (VSH) tổ chức, các nhà khoa học báo cáo con số thống kê về tình hình bệnh tim mạch ở Việt Nam tính từ đầu thế kỷ 21. Năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp nằm ở mức báo động là 47%.
Kết quả khảo sát năm 2016 nói trên tiến hành với khoảng 44 triệu người, ghi nhận 52.8% có huyết áp bình thường và 47.2% bị tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những người bị tăng huyết áp, lên đến 39.1% không được phát hiện và chẩn đoán, 7.2% đã chẩn đoán nhưng không tuân thủ điều trị liên tục. Hậu quả là, 69.0% số người tham gia khảo sát bị tăng huyết áp chưa kiểm soát (tính cả người đã có chẩn đoán nhưng dùng thuốc chưa tối ưu hay người chưa đi khám và chưa được chẩn đoán) [1].
Số liệu từ Điều tra Quốc gia Yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2015 và được báo cáo lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỉ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành Việt Nam từ 18-69 tuổi là 18.9%, tuy nhiên chỉ có 13.6% số này là được ghi nhận quản lý tại một cơ sở y tế bất kỳ [2].
Tại Hội nghị Tim mạch toàn quốc năm 2017, Viện Tim mạch Quốc gia báo cáo số ca can thiệp mạch vành trong năm liền trước là 3500 ca/năm, so với chỉ 300 ca/năm cách đó 10 năm. Con số thủ thuật tim mạch can thiệp ở nhiều vị trí trên cơ thể nói chung cho hai thời điểm nêu trên lần lượt là 5000 ca/năm và 12300 ca/năm [4]. Đây là con số tại riêng một trung tâm, nhưng cũng đủ nói lên rằng xu hướng gia tăng rất nhanh bệnh mạch vành nói riêng, bệnh tim mạch nói chung và rộng hơn nữa là các bệnh tim mạch-chuyển hóa không lây [3].
Về tình hình tử vong do bệnh tật tại Việt Nam, bệnh tim mạch chịu trách nhiệm cho 31% tổng số ca tử vong trong năm 2016, tương đương với khoảng 170000-200000 trường hợp [2, 3]. Trên đây chỉ là một vài số liệu về tăng huyết áp và bệnh mạch vành, hai trong số các bệnh tim mạch phổ biến nhất. Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng có thể thấy tình hình bệnh tim mạch tại nước ta đang dịch chuyển theo chiều hướng không tích cực.
Không những gia tăng về tổng số lượng ca mắc và số ca tử vong, bệnh tim mạch còn có xu hướng dịch chuyển sang dân số trẻ, hay nói cách khác là đang “trẻ hóa”. Trước đây, bệnh mạch vành, đột quỵ gần như chỉ gặp ở những người lớn tuổi, hoặc ít nhất cũng trung niên 55-60 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, tỉ lệ nhồi máu cơ tim được ghi nhận ở người trẻ (<45 tuổi) vào năm 2019 là 10.5%, ở người rất trẻ (<35 tuổi) là 1.8%, thậm chí có những ca được phát hiện khi chỉ mới ngoài 20 tuổi [4]. Đây là điều đáng quan tâm nhất, bởi vì người trong độ tuổi sinh sản, thanh niên, trung niên là lực lượng lao động chính của xã hội và có thời gian kỳ vọng sống rất lâu nếu như không mắc bệnh. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật tim mạch làm giảm tuổi thọ của nhóm dân số này và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống-xã hội.
Hình 1: Bệnh tim mạch tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hóa, ngày càng gặp nhiều ở tuổi trung niên và thậm chí ở thanh niên
Phân tích nguyên nhân của mô hình bệnh tật này, có thể thấy quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa là yếu tố thúc đẩy chính để bệnh chuyển dịch sang người trẻ. Thói quen ăn uống thiếu lành mạnh với các đồ ăn nhanh, đồ hộp chứa nhiều chất béo không có lợi, chất bảo quản, hàm lượng muối, đường cao là yếu tố làm cho lipid máu, huyết áp, đường huyết của bạn thay đổi xấu đi.
Lipid máu (đặc biệt loại LDL-cholesterol) là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng xơ vữa động mạch, nghĩa là sự hình thành của các mảng xơ vữa bên trong lòng mạch máu, lâu ngày làm hẹp dần lòng mạch. Nếu mảng xơ vữa này kém ổn định, bị nứt vỡ ra sẽ hình thành huyết khối. Tùy theo vị trí huyết khối gây bít tắc không cho máu lưu thông mà chúng ta có các tình trạng tương ứng: tại tim gọi là nhồi máu cơ tim, tại não gọi là đột quỵ nhồi máu não.
Không những vậy, chế độ ăn uống dư thừa năng lượng làm cho bạn dễ bị béo phì hơn. Béo phì, đặc biệt là béo vùng bụng, đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ tim mạch. Có thể nhận thấy sự khác biệt rõ rệt về ngoại hình của thanh niên, trung niên hiện tại với những người cùng lứa tuổi đó ở cách đây 20-30 năm. Hiện tượng béo phì hiện nay cũng trẻ hóa song song với bệnh tim mạch, đặc biệt không ít trẻ em trong độ tuổi học phổ thông đã mắc béo phì nặng.
Mặc dù thuốc lá đã được chứng minh là rất có hại cho sức khỏe bởi nhiều công trình nghiên cứu trong khoảng vài thập niên trở lại đây và điều này cũng được nhận thức rõ rệt bởi đại bộ phận dân số nhưng xu hướng hút thuốc gần như không giảm đáng kể. Thay vì thuốc lá truyền thống, nhiều người trẻ chọn hút thuốc lá điện tử mà không hề biết rằng chúng vẫn mang nguy cơ tim mạch tương tự, bởi vì nicotine và hàng trăm loại hóa chất độc hại khác sinh ra khi thuốc bị đốt nóng vẫn đi vào tích tụ trong cơ thể.
Xu hướng thứ hai đó là nữ giới ngày nay hút thuốc nhiều hơn trong quá khứ. Điều này thậm chí còn gây hại hơn bởi vì hút thuốc lá tác động bất lợi trên phụ nữ nhiều hơn nam giới, dù cho hút lượng thuốc mỗi ngày như nhau [5].
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu hoạt động thể lực cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch. Hoạt động thể lực làm cơ thể bạn sử dụng glucose tốt hơn, giảm mỡ, tăng cơ, cải thiện lipid máu. Tuy hầu hết mọi người đều biết đến lợi ích này nhưng việc thực hành đều đặn không hề đơn giản, bởi vì cuộc sống hiện đại có nhiều hoạt động chi phối như bận rộn với công việc, chăm sóc gia đình, các thú vui giải trí khác như truyền hình, internet... Rõ ràng nhận thấy rằng, đối tượng chịu ảnh hưởng bởi các lý do này đa phần là người trẻ, do vậy độ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng thấp dần.
Bên cạnh đó, stress, căng thẳng trong cuộc sống hiện đại cũng là yếu tố làm cho bệnh tim mạch có xu hướng trẻ hóa. Stress có thể xuất phát từ hoạt động học tập, công việc thường ngày, chuyện gia đình, họ hàng, người thân hay các mối quan hệ xã hội, bạn bè. Stress không chỉ ảnh hưởng về mặt tâm lý, làm gia tăng các bệnh lý tâm thần kinh như lo âu, trầm cảm mà lâu dài còn gây rối loạn về mặt thể chất, biểu hiện rõ rệt nhất là trên hệ tim mạch. Chúng ta có thể thấy, người lớn tuổi, đặc biệt những người đã nghỉ hưu, ít bị chi phối bởi các yếu tố căng thẳng trong đời sống nêu trên hơn.
Tóm lại, bệnh tim mạch ngày càng gia tăng nhanh chóng và dịch chuyển theo xu hướng trẻ hóa. Lối sống công nghiệp, hiện đại bao gồm chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thiếu hoạt động thể lực và căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày là những yếu tố có khả năng dẫn đến tình trạng nói trên.
VN_GM_CV_122
Tài liệu tham khảo
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.