Việc áp dụng thay đổi lối sống và điều trị thuốc để giảm nguy cơ đột quỵ của chính bạn thực chất dựa trên cơ sở các yếu tố nguy cơ thay đổi được. Đây là những yếu tố có thể phòng tránh hoặc giảm thiểu tới mức ít gây hại nhất có thể.
Kiểm soát huyết áp chặt chẽ sao cho huyết áp ở gần mức bình thường (120/80 mmHg) hoặc chấp nhận cao hơn một chút nếu bạn lớn tuổi là cách tối ưu để giảm nguy cơ đột quỵ. Để đạt được điều này, đòi hỏi sự phối hợp của bộ ba: chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và điều trị thuốc. Đây cũng là các thành tố cần thiết trong việc quản lý những bệnh lý mạn tính khác như đái tháo đường hay béo phì, mặc dù chi tiết có thể hơi khác biệt tùy tình trạng bệnh cụ thể.
Trong tăng huyết áp, khẩu phần ăn chú trọng vào việc giảm muối, bởi vì chế độ ăn mặn quá mức khuyến cáo (>5 g/ngày) làm huyết áp cao khó kiểm soát, tổn thương mạch máu không hồi phục và dễ đưa đến đột quỵ. Những biện pháp thực tế giúp bạn đạt được mục tiêu nêu trên là không nêm nếm quá mặn, hạn chế dùng nước chấm, giảm ăn các món như mắm, cá khô, chao, dưa muối…, tự nấu ăn để kiểm soát lượng muối thay vì ăn tiệm hay thực phẩm đóng hộp. Về hoạt động thể lực, mức trung bình phù hợp cho đa số bệnh nhân là 40 phút/phiên vận động vừa sức, đều đặn 3-5 lần/tuần.
Việc dùng thuốc hạ áp cần được tuân thủ đều đặn và nên theo dõi huyết áp định kỳ với máy đo điện tử tại nhà. Một sai lầm thường gặp của người bệnh huyết áp là chỉ uống thuốc khi nào thấy triệu chứng gợi ý huyết áp đang cao như mệt, nhức đầu, đau ngực. Điều này không đúng vì nhiều người hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng gì cho đến khi huyết áp rất cao, ở mức có thể gây vỡ mạch máu não. Nếu muốn giữ cho huyết áp ổn định trong ngày và ít dao động, bạn cần phải uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ. Huyết áp kiểm soát tốt không những làm giảm được nguy cơ đột quỵ mà còn giảm khả năng sa sút trí tuệ, mất trí nhớ về sau.
Kiểm soát đường huyết tốt giúp ổn định không chỉ đường huyết mà còn cả những rối loạn chuyển hóa khác như lipid máu, hiện tượng viêm và xơ vữa động mạch, do vậy hoàn toàn có lợi trong việc giảm nguy cơ đột quỵ. Khẩu phần ăn của người đái tháo đường tập trung vào việc giảm tinh bột, đồ ngọt và tăng cường rau củ có lợi cho sức khỏe.
Khuyến cáo tập luyện ở nhóm bệnh nhân này cũng tương tự như người tăng huyết áp. Trước khi bắt đầu luyện tập, bạn cũng nên thảo luận với bác sĩ để được đánh giá toàn diện và chọn lựa chương trình phù hợp về cả loại hình lẫn cường độ bởi vì một số biến chứng mạch máu lớn hay mạch máu nhỏ do đái tháo đường có thể hạn chế khả năng luyện tập của bạn. Giống như thuốc hạ áp, thuốc hạ đường huyết cần được dùng đều đặn và nên theo dõi bằng máy thử đường huyết tại nhà.
Ngoài mục tiêu chung về HbA1C < 7% (trị số phản ánh mức đường huyết trung bình trong 3 tháng gần đây), việc dùng thuốc đúng giờ kết hợp với chế độ ăn cố định còn giúp đường huyết ít dao động, từ đó giảm nguy cơ biến chứng trên tim và não.
Nếu bạn kèm theo béo phì, bác sĩ có thể lựa chọn một số thuốc hạ đường huyết với khả năng giảm cân hoặc ít nhất không gây tăng cân thêm nhằm đạt được thêm lợi ích về cân nặng.
Việc quản lý cân nặng đòi hỏi sự kiên trì của bạn, chủ yếu thông qua dinh dưỡng và hoạt động thể lực, ngoài ra còn có thể được hỗ trợ bởi thuốc hay phẫu thuật khi thật cần thiết. Khuyến cáo tập luyện và chế độ ăn lành mạnh dành cho bệnh nhân tăng huyết áp hay đái tháo đường cũng có thể được áp dụng với mục đích giảm cân và giảm lipid máu, chú trọng thêm ở việc hạn chế các thức ăn giàu calo.
Thông thường, việc áp dụng hai hình thức này cần được tiếp tục duy trì kéo dài sau khi đạt mức giảm cân mong muốn bởi vì bạn dễ có khả năng tăng cân trở lại nếu buông lỏng tuân thủ.
Bởi tác hại đã được chứng minh rõ ràng của thuốc lá lên không chỉ hệ hô hấp mà còn cả bệnh tim mạch, đột quỵ, tất cả hướng dẫn điều trị những bệnh mạn tính liên quan đều khuyến cáo bạn ngưng hút thuốc. Nếu không thể tự mình bỏ thuốc, các chương trình hỗ trợ cai thuốc lá với liệu pháp tâm lý và dược phẩm có thể hữu ích.
Trong trường hợp này, việc liên lạc, trao đổi thường xuyên với bác sĩ là điều cần thiết để đạt được nguyện vọng đề ra.
Bởi mối liên hệ chặt chẽ giữa tim và não, các bệnh tim mạch khác như bệnh van tim, suy tim hay rung nhĩ cần được tái khám định kỳ và dùng thuốc đều đặn để hạn chế khả năng hình thành, di chuyển huyết khối lên não (ví dụ thuốc kháng đông). Nói cách khác, việc kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch cũng đồng thời làm giảm được nguy cơ đột quỵ (Hình 3).
Thuốc kháng đông, đúng như tên gọi, làm giảm khả năng đông máu, do đó có thể mang tác dụng ngoại ý là gây chảy máu. Vì vậy, khi đang dùng nhóm thuốc này, việc tái khám định kỳ rất quan trọng để bác sĩ có thể đánh giá sự cân bằng giữa hai nguy cơ đông máu-chảy máu nhằm điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.
Một lần nữa nhắc lại, không tự ý sử dụng các thuốc hay thực phẩm chức năng được quảng cáo chống đông máu hay tiêu huyết khối vì có thể đưa đến tác dụng ngoại ý nghiêm trọng.
Hình 3: Kiểm soát yếu tố nguy cơ tim mạch cũng đồng thời làm giảm nguy cơ đột quỵ [3]
Tóm lại, những biện pháp giúp bạn giảm nguy cơ đột quỵ đều tập trung vào việc kiểm soát một số bệnh lý nền mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, béo phì và tình trạng hút thuốc bởi vì đây là những yếu tố nguy cơ đã được chứng minh rõ ràng của đột quỵ. Mặc dù khi đã mắc bệnh thì không thể đảo ngược về trạng thái hoàn toàn bình thường như trước nhưng bạn vẫn có thể đạt được mức kiểm soát tối ưu nhằm hạn chế khả năng đột quỵ trong tương lai, thông qua các biện pháp như chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
VN_GM_CV_179
Bài viết được dẫn nguồn từ website 01minh.com (thông tin được Hội tim mạch học Việt Nam bảo trợ)
Tài liệu tham khảo
Bài viết liên quan
Tăng huyết áp là một trong những bệnh phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh nhân tăng huyết áp ở nhóm dân số trẻ đang ngày càng gia tăng.
Cải thiện chế độ ăn bệnh nhân tăng huyết áp được chứng minh làm giảm đáng kể tình trạng tăng huyết áp.
Kiểm soát nhịp tim là một vấn đề quan trọng được đặt ra, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch vành và suy tim.